Loay hoay phát triển điện Mặt Trời áp mái tại Ninh Thuận

Trong hơn một năm qua, làn sóng đầu tư điện Mặt Trời áp mái tại Ninh Thuận phát triển tương đối mạnh, thu hút nhiều hộ dân, các tổ chức và doanh nghiệp tham gia.
Lắp đặt hệ thống điện mặt trời. (Ảnh minh họa: Văn Dũng/TTXVN)
Lắp đặt hệ thống điện mặt trời. (Ảnh minh họa: Văn Dũng/TTXVN)

Trong bối cảnh hệ thống điện đang chịu nhiều áp lực về bảo đảm cung ứng điện, đặc biệt là sau năm 2020 khi cả nước không có nguồn khai thác mới thì việc phát triển các dự án năng lượng Mặt Trời; trong đó, có điện Mặt Trời áp mái được xem là một trong những giải pháp quan trọng góp phần giảm áp lực cho ngành điện hiện nay.

Tuy nhiên, tại Ninh Thuận, việc phát triển nguồn năng lượng này đang gặp những trở ngại.

Khuyến khích phát triển

Với tiềm năng, lợi thế về nắng tạo bức xạ Mặt Trời mạnh, tỷ lệ bức xạ trực tiếp trung bình luôn cao hơn 4,5 kWh/m2 kết hợp số giờ nắng trung bình 7,5 giờ/ngày (lượng giờ nắng trong năm đạt hơn 2.800 giờ) cùng sự chênh lệch và bức xạ Mặt Trời giữa các mùa trong năm không cao là điều kiện thuận lợi cho việc khai thác hiệu quả nguồn năng lượng Mặt Trời của Ninh Thuận.

Trên cơ sở đó, ngoài thu hút phát triển điện Mặt Trời mặt đất, tỉnh Ninh Thuận cũng khuyến khích các tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp đầu tư phát triển điện Mặt Trời áp mái.

Qua đó, đem lại lợi ích cho cả Nhà nước và người sử dụng điện, đó là có thêm nguồn năng lượng sạch sử dụng, nguồn thu từ bán điện dư cho ngành điện; đồng thời, giảm tối đa nguồn vốn ngân sách đầu tư vào các công trình nguồn phát và lưới truyền tải điện.

Theo lãnh đạo Công ty Điện lực Ninh Thuận, phát triển điện Mặt Trời áp mái là có thể tận dụng mái nhà hoặc kết hợp sử dụng mái nhà của các kết cấu nhà xưởng, công trình công cộng sẵn có để lắp đặt nên không yêu cầu sử dụng thêm đất; giảm chi phí tiền điện mua từ lưới nhờ phát lượng điện dư thừa cho nhà cung cấp điện địa phương; cải thiện điện áp lưới cuối nguồn phụ tải; cung cấp nguồn năng lượng sạch và góp phần giảm phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính.

Ông Nguyễn Hữu Tiên, Phó Giám đốc Công ty Điện lực Ninh Thuận cho biết, từ những Quyết định của Chính phủ và hướng dẫn của Bộ Công Thương (Thông tư 16/2017/TT-BCT) cũng như văn bản hướng dẫn số 1352/EVN của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, ngành điện tỉnh đã hướng dẫn các thủ tục lắp đặt công tơ 2 chiều đến các tổ chức, cá nhân.

[Tập trung giải tỏa công suất điện năng lượng tái tạo cho Ninh Thuận]

Ngành điện lực tỉnh cũng hướng dẫn thủ tục đăng ký mua bán điện Mặt Trời áp mái; yêu cầu đặc tính kỹ thuật hệ thống điện Mặt Trời nối vào lưới điện hạ áp; biên bản thỏa thuận tạm thời về việc xác nhận chỉ số công tơ và điện năng giao nhận…, rất thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp đầu tư.

Theo ông Phạm Văn Hậu, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Ninh Thuận, sau khi Quyết định số 02/2019/QĐ-TTg ngày 8/1/2019 của Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều liên quan đến điện áp mái Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg ngày 11/4/2017 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế khuyến khích phát triển các dự án điện Mặt Trời tại Việt Nam (Quyết định 11), Ủy ban Nhân dân tỉnh tập trung chỉ đạo ngay lĩnh vực này, vì đây là lĩnh vực hiệu quả nhất không liên quan đến vấn đề truyền tải - một trong những vướng mắc lớn trong phát triển năng lượng tái tạo hiện nay.

Trong hơn một năm qua, làn sóng đầu tư điện Mặt Trời áp mái tại Ninh Thuận phát triển tương đối mạnh, thu hút nhiều hộ dân, các tổ chức và doanh nghiệp tham gia. Tính đến thời điểm hiện tại, Ninh Thuận đã có 456 khách hàng lắp đặt điện Mặt Trời áp mái, được Công ty Điện lực Ninh Thuận gắn công tơ 2 chiều để phát sản lượng điện dư lên lưới với tổng công suất lắp đặt hơn 33.526 KWp.

Tuy nhiên, việc phát triển điện Mặt Trời áp mái đối với tỉnh giàu tiềm năng như Ninh Thuận vẫn chưa thật sự tương xứng, bởi còn nhiều “nút thắt” cần tháo gỡ.

Loay hoay phát triển điện Mặt Trời áp mái tại Ninh Thuận ảnh 1 Nhà máy điện Mặt Trời Nhị Hà - Giai đoạn 1 chính thức hòa lưới điện quốc gia với sản lượng bình quân 80 triệu kWh/năm. (Ảnh: Công Thử/TTXVN)

Cần tháo gỡ vướng mắc

Có thể nói, hiện nay hoạt động truyền thông đến khách hàng vẫn chưa đạt được hiệu quả như kỳ vọng. Vẫn còn nhiều khách hàng chưa hiểu rõ quy trình lắp đặt cũng như yêu cầu kỹ thuật của công trình điện Mặt Trời áp mái; đồng thời, chưa tiếp cận được thông tin về chính sách mới, dẫn đến tâm lý e ngại khi đầu tư điện Mặt Trời áp mái.

Theo ý kiến của người dân ở thành phố Phan Rang-Tháp Chàm, chi phí đầu tư điện Mặt Trời áp mái quá cao, vượt khả năng của người dân. Trong khi việc tiếp cận vốn vay đầu tư từ các ngân hàng thương mại lại khó khăn. Hơn nữa, hiện Chính phủ và tỉnh cũng chưa có cơ chế, chính sách cụ thể nào để hỗ trợ người dân đầu tư bước đầu.

Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Ninh Thuận, ông Vũ Ngọc Niên, cho rằng các ngân hàng ở tỉnh luôn ủng hộ chủ trương của tỉnh về đầu tư phát triển điện Mặt Trời áp mái.

Thế nhưng nỗi lo là hiệu quả đầu tư của dự án, bởi thị trường thiết bị đầu tư phong phú, đa dạng nhưng chất lượng và tuổi thọ lại không có thông tin, trong khi giá lắp đặt lại khá cao. Ngoài ra, thủ tục pháp lý của Bộ, ngành Trung ương chưa được cụ thể, khả năng thu hồi vốn sẽ rất khó.

Một số doanh nghiệp cho hay, muốn đầu tư lắp đặt điện Mặt Trời áp mái nhưng thủ tục pháp lý vẫn chưa được cụ thể hóa, dẫn đến có những vướng mắc nhất định. Nhiều doanh nghiệp đã đấu nối điện Mặt Trời áp mái vào lưới điện của ngành điện từ cách đây hơn hai tháng, nhưng đến giờ vẫn chưa được ngành điện thanh toán tiền điện đã bán.

Ông Trương Quang Huy, Trưởng phòng kinh doanh - Công ty Điện lực Ninh Thuận, cho biết hiện nay, Ninh Thuận có 137 khách hàng đã hoàn thành đầu tư điện Mặt Trời áp mái; đồng thời, đã đấu nối vào lưới điện của ngành điện nhưng chưa được thanh toán giá bán điện. Nguyên nhân được xác định là chưa có giá mua nhất định nên chưa biết được phương thức tính và trả tiền cho khách hàng.

Trước mắt, Công ty Điện lực Ninh Thuận chỉ ghi nhận sản lượng điện, phải chờ có Thông tư mới hướng dẫn mới chi trả được. Thực tế, Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg ngày 11/4/2017 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế khuyến khích phát triển các dự án điện Mặt Trời tại Việt Nam bao gồm cả điện Mặt Trời áp mái đã hết hiệu lực vào ngày 30/6/2019.

Đối với dự án đầu tư, đấu nối vận hành sau thời gian trên đến giờ vẫn chưa có cơ chế, chính sách, giá cả quy định nên khó cho việc đầu tư và thanh toán giữa đôi bên. Hiện nay Chính phủ chưa có Quyết định nào thay thế Quyết định số 11.

Thời gian tới, nếu “nút thắt” đối với dự án điện Mặt Trời áp mái được tháo gỡ, Công ty Điện lực Ninh Thuận sẽ tiếp tục tăng cường tuyên truyền, vận động người dân và doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư phát triển vào lĩnh vực này để vừa tiết kiệm được chi phí thanh toán điện trong sản xuất và sinh hoạt hàng tháng; đồng thời, cũng tạo được nguồn thu từ việc bán điện dư cho ngành điện khi hòa lưới điện theo quy định./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục