Lợi nhuận giảm, nợ xấu tăng, ngân hàng nâng trích lập dự phòng

Để đối phó với tình trạng nợ xấu gia tăng, các chuyên gia kinh tế khuyến cáo, các ngân hàng phải chấp nhận giảm lợi nhuận, tăng trích lập dự phòng rủi ro.
Lợi nhuận giảm, nợ xấu tăng, ngân hàng nâng trích lập dự phòng ảnh 1Nhiều ngân hàng bị giảm lợi nhuận do ảnh hưởng của dịch COVID-19. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Hầu hết các ngân hàng đã công bố báo cáo tài chính quý đều giảm lợi nhuận, tăng trích lập dự phòng trong khi đó số lượng khách hàng bị ảnh hưởng bởi COVID-19 được cơ cấu nợ, giảm lãi suất, miễn giảm phí liên tục được tăng lên từng ngày.

Điều này thể hiện rõ nét sự vào cuộc kịp thời và hiệu quả của ngân hàng trong vai trò lưu thông dòng vốn, thúc đẩy kinh tế phát triển.

Giảm lợi nhuận

Ngân hàng Thương mại cổ phần Công Thương Việt Nam (VietinBank) vừa công bố báo cáo tài chính quý 1, theo đó, tính đến 31/3, tổng tài sản của VietinBank đạt 1,2 triệu tỷ đồng, giảm 1,46% so với cuối năm 2019.

Tiền gửi khách hàng tại VietinBank đến thời điểm 31/3 đạt 896.000 tỷ đồng, tăng 0,33% so với cuối năm 2019; dư nợ cho vay khách hàng đạt 924.000 tỷ đồng, giảm 1,25% so với cuối năm 2019 do ảnh hưởng từ suy giảm nhu cầu tín dụng của nền kinh tế. Lợi nhuận trước thuế hợp nhất lũy kế 3 tháng năm 2020 đạt 2.974 tỷ đồng, giảm so với cùng kỳ năm trước.

Tương tự, báo cáo tài chính quý 1 của Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) cho thấy tổng tài sản ở mức 1,14 triệu tỷ đồng, giảm 6,4% so với đầu năm. Lợi nhuận trước thuế đạt 5.333 tỷ đồng, giảm 11,14% so với cùng kỳ năm ngoái.

[Thống đốc: Các ngân hàng cần chia sẻ tối đa khó khăn với doanh nghiệp]

Còn tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Quân đội (MB), dư nợ cho vay trong quý 1 không tăng trưởng; tiền gửi của khách hàng giảm tới 12% do tiền gửi của tổ chức kinh tế giảm mạnh 25%. Trong kỳ, ngân hàng này cũng tăng mạnh trích lập chi phí dự phòng rủi ro tín dụng 117%, một phần do nợ xấu và nợ nhóm 2 tăng mạnh. Do chi phí dự phòng rủi ro tăng cao khiến lãi trước thuế của MB giảm 9% so với cùng kỳ.

Một số ngân hàng khác lợi nhuận cũng giảm như Saigonbank giảm 31%, Bac A Bank giảm 27%, Kienlongbank giảm 23%, Sacombank giảm gần 7% so với cùng kỳ.

Đại diện VietinBank cho biết, trong điều kiện các doanh nghiệp, người dân gặp nhiều khó khăn do tác động tiêu cực của COVID, ngân hàng đã thực hiện các chính sách tiếp tục duy trì các chương trình tín dụng ưu đãi lãi suất không giới hạn quy mô, triển khai mới chương trình tín dụng với lãi suất thấp nhất từ trước tới nay, triển khai các chương trình ưu đãi phí bao gồm cả phí chuyển tiền ngoài hệ thống, phí tài trợ thương mại… Điều đó sẽ làm giảm thu nhập lãi, thu nhập từ phí của VietinBank, từ đó giảm lợi nhuận so với năm 2019.

“Tuy nhiên chúng tôi cho rằng, đây là thời điểm quan trọng và cần thiết để các doanh nghiệp và ngân hàng thắt chặt hơn nữa mối quan hệ cộng sinh, cùng nhau vượt khó và phát triển. Các ngân hàng sẵn sàng giảm lợi nhuận để đồng hành, chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp cùng người dân trong bối cảnh dịch COVID-19,” vị đại diện VietinBank cho biết thêm.

Điều này cũng phù hợp với kết quả nghiên cứu của Viện đào tạo và nghiên cứu BIDV vừa công bố báo cáo đánh giá tác động của COVID-19 đến thu nhập của ngành ngân hàng. Tính toán sơ bộ của nhóm tác giả cho thấy thu nhập hoạt động của các tổ chức tín dụng năm 2020 dự báo sẽ giảm ít nhất là khoảng 30.000-34.000 tỷ đồng, tương đương giảm 20-25% kế hoạch lợi nhuận ban đầu. Những ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 đến hoạt động của ngành ngân hàng năm nay gồm cả trực tiếp và gián tiếp. 

Tính đến 22/4, ngành ngân hàng đã cho vay, cơ cấu nợ, giữ nguyên nhóm nợ cho gần 167.000 khách hàng với dư nợ gần 63.000 tỷ đồng; miễn giảm lãi, giữ nguyên nhóm nợ cho trên 14.000 khách hàng với dư nợ hơn 12.000 tỷ đồng; hạ lãi suất với dư nợ hiện hữu cho hơn 289.000 khách hàng với dư nợ khoảng 948.407 tỷ đồng; cho vay mới lãi suất ưu đãi cho 146.571 khách hàng với dư nợ cho vay mới đạt 511.230 tỷ đồng. 

Lợi nhuận giảm, nợ xấu tăng, ngân hàng nâng trích lập dự phòng ảnh 2Ảnh minh họa. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Tăng trích lập dự phòng để hạn chế nợ xấu

Nguy cơ nợ xấu tăng trong năm nay là điều đã được nhiều chuyên gia cảnh báo. Nguyên nhân chính là do dịch COVID-19 gây ra.

Trường hợp đáng chú ý nhất là tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Kiên Long (Kienlongbank), nợ xấu của ngân hàng bất ngờ tăng vọt từ 342 tỷ đồng lên 2.240 tỷ đồng, tức tăng tới 6,6 lần. Theo đó, Kienlongbank từ một ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu thuộc nhóm thấp nhất hệ thống vọt lên nhóm cao nhất. Tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng cuối tháng Ba lên tới 6,62% trong khi hồi đầu năm chỉ ở mức 1,02%.

Tại  Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn Công thương (Saigonbank), nợ xấu nội bảng đã tăng tới 95% trong 3 tháng đầu năm lên 377 tỷ đồng, trong đó chủ yếu do nợ dưới tiêu chuẩn tăng mạnh. Theo đó, tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ cho vay của ngân hàng này tăng mạnh từ 1,96% lên 2,65%.

Trong khi đó, những ngân hàng lớn cũng có nợ xấu tăng, nhưng không nhiều. Chẳng hạn, nợ xấu nội bảng của Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) cuối tháng Ba ở mức 6.046 tỷ đồng, tăng hơn 300 tỷ đồng so với đầu năm. Tỷ lệ nợ xấu nội bảng trên tổng dư nợ cho vay tăng từ 1,94% lên 1,97%.

Tại Vietcombank, nợ xấu cuối tháng Ba là 5.191 tỷ đồng, tăng 387 tỷ đồng so với hồi đầu năm. Đưa tỷ lệ nợ xấu nội bảng tăng lên 0,79%.

Bên cạnh những ngân hàng nói trên, một số ngân hàng khác cũng có tỷ lệ nợ xấu (trên dư nợ cho vay khách hàng) tăng trong quý 1 như BacABank tăng từ 0,69% lên 0,79%; SeABank tăng từ 2,31% lên 2,34%; VIB tăng từ 1,96% lên 2,19%...

VPBank là ngân hàng hiếm hoi có nợ xấu giảm trong 3 tháng đầu năm, từ mức 8.798 tỷ đồng xuống còn 7.984 tỷ đồng (tức giảm 9,3%). Theo đó, tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay giảm từ mức 3,42% xuống còn 3,03%.

Nguy cơ nợ xấu tăng cao trong năm nay là điều đã được nhiều chuyên gia cảnh báo. Và trên thực tế, ước tính gần đây nhất của Ngân hàng Nhà nước thì đã có đến 2 triệu tỷ đồng dư nợ cho vay bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, chiếm đến 23% tổng tín dụng của toàn hệ thống. Ngân hàng Nhà nước cũng đánh giá tiềm ẩn nợ xấu tăng trong năm nay.

Song song với diễn biến nợ xấu tăng, các ngân hàng cũng nâng trích lập dự phòng cho các khoản vay. Trong đó, Vietcombank "tích cực" nhất, tăng dự phòng rủi ro dư nợ thêm 40%, ở quanh mức 14.548 tỷ đồng.

Tiếp đến, chi phí dự phòng rủi ro tín dụng của VietinBank cũng tăng 35,52% so với cùng kỳ năm 2019 do tăng trích lập cho nợ nhóm 3 tăng lên. Việc đẩy mạnh trích lập dự phòng rủi ro xuất phát từ chính sách quản trị rủi ro thận trọng của VietinBank.

Trong khi đó, Kienlongbank cũng đã trích 67 tỷ đồng cho chi phí dự phòng rủi ro tín dụng, gấp 35 lần cùng kỳ năm trước. Ngân hàng này cho biết nợ có khả năng mất vốn tăng mạnh do việc hạch toán gần 1.896 tỷ đồng dư nợ các khoản cho vay của nhóm khách hàng có tài sản đảm bảo là cổ phiếu của một ngân hàng khác theo quyết định chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước.

Để đối phó với tình trạng nợ xấu gia tăng, các chuyên gia kinh tế khuyến cáo bên cạnh tập trung hỗ trợ để khách hàng không rơi vào nhóm nợ xấu, các ngân hàng phải chấp nhận giảm lợi nhuận, tăng trích lập dự phòng rủi ro. Ngoài ra, các tổ chức tín dụng phải siết chặt chất lượng tín dụng các khoản vay mới, tránh làm nợ xấu phát sinh thêm./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục