Mặc dù tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, việc vận chuyển hàng hóa có nguy cơ tiềm ẩn lây lan dịch bệnh rất cao, nhưng thời gian qua, Chi cục Hải quan cửa khẩu quốc tế Bình Hiệp, xã Bình Hiệp, thị xã Kiến Tường, tỉnh Long An, vẫn luôn đạt được hai mục tiêu chính đề ra.
Hai mục tiêu là đảm bảo thông quan hàng hóa, nông sản xuất, nhập khẩu một cách nhanh chóng, kịp thời và đảm bảo phòng, chống dịch COVID-19 luôn được an toàn.
Cửa khẩu quốc tế Bình Hiệp, tỉnh Long An, là cửa ngõ lưu thông hàng hóa Việt Nam-Campuchia ở khu vực biên giới Tây Nam. Do tình hình dịch bệnh, Chi cục Hải quan cửa khẩu quốc tế Bình Hiệp không giải quyết cho người và phương tiện xuất, nhập cảnh.
Tất cả hàng hóa, nông sản xuất, nhập khẩu, quá cảnh cũng như việc trao đổi mua bán của cư dân biên giới, sẽ được giao nhận tại cột mốc-khu vực vùng đệm và thực hiện nghiêm quy định về phòng, chống dịch.
Anh Lê Hữu Thể, tài xế Công ty vận tải Thái Nguyên Lâm, tỉnh Bình Dương, cho biết anh và những tài xế khác được nhân viên hải quan và bộ đội biên phòng tại cửa khẩu hỗ trợ rất nhanh chóng về thủ tục, giấy tờ, vào-ra cửa khẩu thuận lợi, đúng thời gian quy định trong mùa dịch. Bản thân anh Hữu Thể cũng rất ý thức trong việc đảm bảo an toàn phòng, chống dịch, nên anh trang bị đầy đủ quần áo bảo hộ lao động, găng tay, khẩu trang, nước khử khuẩn.
[Hỗ trợ kết nối đầu ra cho nông sản đến vụ thu hoạch tại các địa phương]
Đảm bảo tuyệt đối an toàn phòng, chống dịch, cửa khẩu quốc tế Bình Hiệp thực hiện nghiêm túc các nguyên tắc trong khâu xử lý hồ sơ.
Cụ thể, người làm thủ tục hải quan khi đến làm thủ tục, bảo vệ của Chi cục Hải quan cửa khẩu quốc tế Bình Hiệp sẽ tiến hành khai báo y tế (tờ khai giấy hoặc điện tử), đo thân nhiệt; khi đảm bảo điều kiện, người làm thủ tục hải quan nộp hồ sơ vào tủ khử khuẩn tài liệu và ra vị trí ngồi chờ ( đảm bảo khoảng cách, không tiếp xúc trực tiếp); bảo vệ Chi cục sẽ tiến hành vận hành máy khử khuẩn tài liệu và sau đó đưa hồ sơ vào công chức liên quan xử lý. Hoàn thành xử lý, công chức trả hồ sơ lại tủ khử khuẩn để doanh nghiệp nhận và đưa đến bộ phận kiểm soát hàng hóa.
Theo ông Nguyễn Minh Khôi, Kiểm soát hàng hóa xuất, nhập khẩu biên giới cửa khẩu quốc tế Bình Hiệp, dù còn gặp nhiều khó khăn về thiếu nhân lực, bến bãi chưa được thông thoáng, ánh sáng đèn chưa được đầy đủ để phục vụ công tác trong thời gian kiểm hàng hóa ban đêm,… nhưng các kiểm tra viên cửa khẩu cùng với lực lượng biên phòng thường xuyên kiểm tra, quản lý chặt chẽ người và hàng hóa vận chuyển. Vì vậy, đến thời điểm hiện tại, hải quan cửa khẩu không phát sinh trường hợp bị dương tính với SARS-CoV-2.
Theo thống kê, 8 tháng năm 2021 trị giá hàng hóa xuất nhập khẩu, quá cảnh tại cửa khẩu quốc tế Bình Hiệp đạt trên 50 triệu USD; trong đó có có 22 triệu USD hàng xuất khẩu và trên 28 triệu USD hàng nhập khẩu.
Hàng xuất khẩu chủ yếu là hộp cơm bằng nhựa PS, mốp xốp cắt theo quy cách, điện năng, dây cáp điện, giấy cuộn làm bao bì... Còn hàng nhập khẩu là nguyên phụ liệu để sản xuất giày dép, hạt tiêu đen, xoài tươi.
Bên cạnh đó, hàng hóa quá cảnh qua cửa khẩu quốc tế Bình Hiệp là các mặt hàng từ Trung Quốc, Nhật Bản chuyển sang Campuchia để phục vụ cho các dự án, khu công nghiệp và phục vụ cho sản xuất của công ty. Riêng đối với hàng nông sản không có xuất khẩu chính ngạch-chủ yếu là trao đổi mua bán của cư dân biên giới, đạt trị giá trên 6 tỷ đồng, gồm các mặt hàng trái thanh long, mít, bưởi, cam, cá lóc và thực phẩm tiêu dùng.
Ông Nguyễn Hoàng Tăng, Chi cục Trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu quốc tế Bình Hiệp, cho biết đơn vị phối hợp chặt chẽ, đồng bộ với các phòng, đội chuyên môn tại cửa khẩu, nên các vướng mắc trong công tác đều được tháo gỡ kịp thời và không gây ách tắc hàng hóa.
Trong tình hình dịch thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, đơn vị phải sắp xếp bố trí 50% quân số làm việc. Điều này, phần nào làm ảnh hưởng đến việc quản lý, điều hành kiểm tra, kiểm soát và giám sát hàng hóa. Song, xác định đây là yêu cầu, nhiệm vụ chung rất quan trọng, đơn vị đã động viên cùng nhau khắc phục khó khăn để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Tuy nhiên, so với quy mô đầu tư xây dựng của ngành và quy mô kỳ vọng của cửa khẩu ở biên giới, thật sự còn nhiều khó khăn. Cụ thể như khoảng cách từ cửa khẩu quốc tế Bình Hiệp (đến Thành phố Hồ Chí Minh) xa gấp nhiều lần so với khoảng cách từ cửa khẩu quốc tế Mộc Bài đến Thành phố Hồ Chí Minh.
Bên cạnh đó, Quốc lộ 62 là tuyến giao thông huyết mạch đến cửa khẩu quốc tế Bình Hiệp nhưng cầu giao thông hẹp, mặt đường xuống cấp trầm trọng, ảnh hưởng rất lớn đến vận chuyển hàng hóa xuất nhập, khẩu, cũng như thu hút kêu gọi doanh nghiệp đầu tư về đây.
Ông Nguyễn Hoàng Tăng tin tưởng rằng sau khi Long An kiểm soát được dịch bệnh và bước vào giai đoạn phục hồi sản xuất, kinh doanh, vấn đề đầu tư cơ sở hạ tầng, nâng cấp tuyến Quốc lộ 62 và đặc biệt, cặp cửa khẩu quốc tế Bình Hiệp (Việt Nam) và Pvayvo (Vương quốc Campuchia) được thông xe -trên cơ sở Nghị định thư sửa đổi, bổ sung về thực hiện Hiệp định vận tải đường bộ giữa Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Hoàng gia Campuchia, có hiệu lực từ ngày 26/5/2019 (dự kiến tổ chức lễ thông xe ngay thời điểm Nghị định sửa đổi có hiệu lực, nhưng phải dừng lại do dịch COVID-19 kéo dài), sẽ thu thu hút nhiều doanh nghiệp.
Qua đó, góp phần phát triển cửa khẩu quốc tế Bình Hiệp ngang tầm với chức năng, nhiệm vụ và quy mô đầu tư của ngành Hải quan cũng như quy hoạch phát triển khu kinh tế cửa khẩu của tỉnh Long An./.