Lựa chọn sách giáo khoa lớp 1 mới: Cần đảm bảo khách quan, minh bạch

Sau nghi nghiên cứu, nhiều giáo viên cho rằng cả 5 bộ sách giáo khoa có thiết kế mới mẻ, hấp dẫn về hình thức, cấu trúc, tuy nhiên, lượng kiến thức đưa vào còn quá lớn với năng lực học sinh lớp 1.
Lựa chọn sách giáo khoa lớp 1 mới: Cần đảm bảo khách quan, minh bạch ảnh 1Các bộ sách giáo khoa mẫu của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam. (Ảnh: Bích Huệ/TTXVN)

Mặc dù dịch COVID-19 đang làm ảnh hưởng đến hoạt động giáo dục của các nhà trường nhưng không ảnh hưởng đến công tác lựa chọn sách giáo khoa lớp 1 sử dụng cho năm học 2020-2021.

Hiện, các trường tiểu học trên cả nước gấp rút thực hiện để đảm bảo tiến độ, cũng như chọn ra được bộ sách phù hợp nhất với địa phương và nhà trường.

Chọn sách phù hợp với địa phương

Sau khi nghiên cứu, nhiều giáo viên cho rằng cả 5 bộ sách giáo khoa có thiết kế mới mẻ, hấp dẫn về hình thức, cấu trúc.

Nội dung có sự phân hóa, sắp xếp theo trật tự chủ đề, cách dẫn dắt học sinh khám phá cái mới, cách tổ chức dạy học để tạo hứng thú cho học sinh.

Các bộ sách đáp ứng tốt yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, phù hợp, cùng hướng tới mục đích cần đạt theo thông điệp của từng bộ sách.

Tuy nhiên, một số giáo viên cũng nhận xét lượng kiến thức đưa vào các bài học còn quá lớn với năng lực của học sinh lớp 1.

[Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt thêm 7 sách giáo khoa lớp 1]

Cô Thu Huyền, giáo viên Trường Tiểu học Ngọc Chiến (huyện Mường La, Sơn La), nhận xét những đầu sách giáo khoa mẫu đều có hình thức đẹp, hài hòa, chủ đề, chủ điểm gần gũi với học sinh.

Những ngày này, các buổi sinh hoạt chuyên đề, nhà trường tổ chức nghiên cứu kỹ các bộ sách mẫu: tập trung tại trường thì nghiên cứu sách bản cứng, khi ở nhà, giáo viên nghiên cứu bản điện tử của các bộ sách mẫu.

Các cô quyết tâm lựa chọn bộ sách phù hợp với học sinh của trường, đáp ứng nhu cầu giảng dạy, nâng cao chất lượng giáo dục.

Cô Phạm Thị Liên - Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Nậm Ty (Sông Mã, Sơn La) - đánh giá các bộ sách giáo khoa lớp 1 mới tích hợp nhiều kênh đa phương tiện, hình ảnh hỗ trợ giảng dạy, việc này giảm được đầu sách học sinh phải mang vác mỗi khi đến trường.

Lựa chọn sách giáo khoa lớp 1 mới: Cần đảm bảo khách quan, minh bạch ảnh 2Hội đồng trường Tiểu học thị trấn Con Cuông, huyện Con Cuông họp bàn lựa chọn sách giáo khoa mới. (Ảnh: Bích Huệ/TTXVN)

Nhưng trang thiết bị dạy học, máy móc để đáp ứng được các kênh đa phương tiện, ứng dụng công nghệ thông tin ở các trường vùng khó khăn rất hạn chế, ngay cả trường học ở thị trấn cũng chưa đáp ứng.

Giải bài toán này trong năm tới với lớp 1 ở thành phố, thị xã có thể khắc phục được. Nhưng với trường học vùng khó khăn, có nhiều điểm trường lẻ, có nơi không có điện và mạng internet thì không thể ứng dụng công nghệ thông tin, không tận dụng được những kênh hỗ trợ của sách mới để giảng dạy, tức là vẫn dạy chay, học chay nên hiệu quả giảng dạy sách giáo khoa lớp 1 mới sẽ không cao.

Với huyện vùng cao như Sốp Cộp (Sơn La), ông Nguyễn Quốc Tuấn, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo Sốp Cộp, cho rằng bộ sách giáo khoa được chọn phải phù hợp nhất với học sinh của huyện, trong đó lưu ý đến các tiêu chí như sách phải dễ tiếp cận, kiến thức gần gũi với đối tượng học sinh dân tộc thiểu số. Tiếp đó là có nhiều hình ảnh minh họa để khơi gợi hứng thú cho học sinh, gắn với thực tế, giúp cho học sinh dễ hình dung, tư duy hơn.

Ông Nguyễn Quốc Tuấn kỳ vọng giáo viên các nhà trường lựa chọn được bộ sách phù hợp và được tập huấn, đào tạo để giảng dạy tốt bộ sách được chọn. Cùng đó, ông cũng mong muốn sách giáo khoa mới có giá thành hợp lý, phù hợp với mặt bằng thu nhập của đông đảo bà con các dân tộc trong huyện Sốp Cộp.

Cần giám sát chặt chẽ quy trình chọn sách

Cô Nguyễn Thị Thanh, Tổ trưởng Tổ chuyên môn khối 1, Trường Tiểu học Phúc Sơn (Nghĩa Lộ, Yên Bái), chia sẻ việc lựa chọn sách giáo khoa hiện nay còn gặp một số khó khăn.

Trường có ít sách giáo khoa mẫu để giáo viên nghiên cứu. Mỗi trường chỉ được cấp 1 bộ sách mẫu, có khi 3 trường nghiên cứu chung 1 bộ sách mẫu.

Sách mẫu có ít nhưng trường lại đông giáo viên, có bộ sách chưa có sách mẫu để tham khảo, chủ yếu giáo viên nghiên cứu sách điện tử nên mất nhiều thời gian để phân tích, đánh giá, so sánh lựa chọn.

Nếu có đầy đủ sách giáo khoa mẫu và sách hướng dẫn sẽ giúp toàn bộ giáo viên được tiếp cận với sách mới nhanh hơn và hiệu quả hơn.

Bên cạnh đó, theo cô Thanh, 100% học sinh nhà trường là dân tộc thiểu số, nhận thức của các em không đồng đều, còn hạn chế về nhiều mặt, nhất là tiếng Việt. Vì vậy, khi lựa chọn sách giáo khoa, cán bộ, giáo viên đã đặt tiêu chuẩn chọn sách phù hợp nhất với trình độ chung của học sinh ở đơn vị trường mình. Đồng thời, bộ sách được chọn phải có giá thành phù hợp với điều kiện kinh tế của nhân dân trong vùng.

Đề cập đến quy trình lựa chọn sách giáo khoa hiện nay, Giáo sư-Tiến sỹ Nguyễn Minh Thuyết, Tổng Chủ biên Chương trình giáo dục phổ thông mới, chia sẻ qua theo dõi tình hình lựa chọn sách giáo khoa cho năm học mới của các địa phương, có thể thấy, một số việc cần được quan tâm điều chỉnh ngay để việc lựa chọn sách giáo khoa phù hợp với quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Trước hết, cán bộ quản lý, giáo viên cần có đủ thông tin, đủ sách giáo khoa để nghiên cứu. Tại Điều 10, Thông tư 01/2020 ngày 30/1/2020 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về hướng dẫn lựa chọn sách giáo khoa đã quy định trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, trong đó có trách nhiệm bảo đảm nguồn kinh phí để các trường tổ chức lựa chọn sách giáo khoa. Tuy nhiên, đến nay, vẫn còn nhiều địa phương chưa tổ chức được cho cán bộ, giáo viên tiếp nhận thông tin về các bộ sách giáo khoa mới, kể cả qua hình thức trực tuyến.

Một số cơ sở giáo dục ở địa phương chưa có đủ 5 bộ sách giáo khoa (in giấy) để nghiên cứu, trong đó, có những quyển sách giáo khoa mới chỉ được Bộ phê duyệt vào tháng 2, tháng 3 này.

Hiện nay, toàn bộ sách giáo khoa cũng như tài liệu kèm theo đã được các nhà xuất bản đưa lên mạng. Song, Nhà nước có kinh phí chi cho việc này mà cán bộ, giáo viên không có sách giáo khoa để nghiên cứu thì đây là việc phải khắc phục ngay.

Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết cũng cho rằng cần bảo đảm thẩm quyền của cơ sở giáo dục trong việc lựa chọn sách giáo khoa.

Thông tư 01 đã giao thẩm quyền lựa chọn sách giáo khoa cho giáo viên và nhà trường trên cơ sở bỏ phiếu kín. Tuy nhiên, đến nay, có địa phương, các trường vẫn đang chờ cấp trên chỉ đạo, chưa dám thực hiện quy trình lựa chọn sách giáo khoa theo Thông tư.

Theo quy định tại Điều 9, Thông tư 01, các trường phải niêm yết công khai kết quả lựa chọn sách giáo khoa trước khi bắt đầu năm học mới 4 tháng. Nếu không chỉ đạo làm khẩn trương sẽ không kịp. Nhưng điều quan trọng nhất là phải bảo đảm lựa chọn sách giáo khoa dân chủ, minh bạch.

Việc lựa chọn sách giáo khoa cũng cần có sự giám sát chặt chẽ của các cơ quan dân cử và nhân dân, bảo đảm phù hợp với quy định của pháp luật./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục