Lực đẩy từ doanh nghiệp FDI giúp xuất siêu đạt 683 triệu USD

Bộ Công Thương cho biết, nhờ lực đẩy từ khối FDI nên trong bốn tháng đầu năm, cả nước xuất siêu khoảng 683 triệu USD, bằng 1,5% kim ngạch xuất khẩu.

Mặc dù sụt giảm so với tháng trước đó nhưng xuất khẩu trong tháng Tư vẫn đạt 12,2 tỷ USD. Đưa kim ngạch xuất khẩu chung bốn tháng đầu năm tăng khoảng 16,9% so với cùng kỳ năm 2013.

Thống kê cụ thể hơn về bức tranh xuất nhập khẩu trong bốn tháng đầu năm, ông Nguyễn Tiến Vỵ, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch, Bộ Công Thương cho biết, nhờ lực đẩy từ khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) nên bốn tháng đầu năm, cả nước xuất siêu khoảng 683 triệu USD, bằng 1,5% kim ngạch xuất khẩu.

Tại buổi họp giao ban trực tuyến công tác tháng Tư do Bộ Công Thương tổ chức sáng 5/5, ông Nguyễn Tiến Vỵ, cho biết, tháng Tư, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 12,2 tỷ USD, giảm 0,6% so với tháng Ba. Trong đó, xuất khẩu của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (không kể dầu thô) ước đạt 7,5 tỷ USD, giảm 0,1% so với tháng trước.

Tuy nhiên, lũy kế bốn tháng, tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt 45,74 tỷ USD, tăng 16,9% so với cùng kỳ năm 2013. Trong đó kim ngạch xuất khẩu của khu vực doanh nghiệp 100% vốn trong nước ước đạt 15,38 tỷ USD, tăng 16,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Còn kim ngạch xuất khẩu của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (không kể dầu thô) ước đạt gần 28,24 tỷ USD, tăng 20,1% so với cùng kỳ năm 2013.

Theo người đứng đầu Vụ Kế hoạch, xuất khẩu hàng hoá bốn tháng đầu năm đạt được nhiều kết quả nổi bật, mặc dù nghỉ tết Âm lịch kéo dài nhưng xuất khẩu mỗi tháng vẫn đạt trên 12 tỷ USD, đồng thời tổng kim ngạch xuất khẩu tăng trên 16% cao hơn nhiều so với chỉ tiêu tăng trưởng xuất khẩu Quốc hội thông qua là 10%.

Bên cạnh đó, tỷ trọng của các nhóm hàng đã có sự thay đổi theo hướng tích cực giảm dần tỷ trọng nhóm hàng nhiên liệu và khoáng sản, tăng dần nhóm hàng công nghiệp chế biến và nông lâm thủy sản.

Cụ thể, qua bốn tháng, xuất khẩu nhóm hàng nông lâm thủy sản đã đem về 7,0 tỷ USD, tăng 14,0% so với cùng kỳ năm 2013 (tương đương mức tăng 865 triệu USD so với cùng kỳ năm ngoài). Ngoài ra, nhóm hàng công nghiệp chế biến cũng đạt hơn 33 tỷ USD, tăng 19,4% so với cùng kỳ năm 2013 (tương đương với tăng gần 5,4 tỷ USD so với cùng kỳ năm ngoái). Trong khi nhóm hàng nhiên liệu và khoáng sản 4 tháng ước đạt 2,9 tỷ USD, giảm 10,5% so với cùng kỳ năm 2013, tương đương với giảm 341 triệu USD so với cùng kỳ năm ngoái.

Đáng chú ý, đến thời điểm này đã có 10 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD. Trong đó, điện thoại các loại và linh kiện đạt 7,7 tỷ USD, tăng 29,2% so với cùng kỳ năm trước; dệt may đạt 5,9 tỷ USD, tăng 20%; giày dép đạt 2,8 tỷ USD, tăng 21,9%; thủy sản đạt 2,2 tỷ USD, tăng 32%; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác đạt 2,1 tỷ USD, tăng 15%; phương tiện vận tải và phụ tùng đạt 2,1 tỷ USD, tăng 17,4%; gỗ và sản phẩm gỗ đạt 1,9 tỷ USD, tăng 22,4%; cà phê đạt 1,6 tỷ USD, tăng 29,5%; dầu thô đạt 2,1 tỷ USD, giảm 10,9%...

Hầu hết các thị trường chủ lực đều đạt mức tăng trưởng cao, thống kê của Vụ kế hoạch cho thấy, thị trường Châu Á tăng 13,6%; thị trường các nước Tây Á tăng 12,3%; thị trường Châu Âu tăng 12,1%; Thị trường Châu Mỹ tăng 27,8% và thị trường Châu Phi tăng 14,1%.

Ở chiều ngược lại, theo ông Nguyễn Tiến Vỵ, nhập khẩu tháng Tư ước đạt 12,6 tỷ USD, tăng 1 % so với tháng Ba và tăng 16,1% so với tháng 4/2013. Tính chung 4 tháng, cả nước nhập khẩu gần 45,1 tỷ USD, tăng 13,7% so với cùng kỳ năm 2013, trong đó các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài nhập khẩu gần 26,3 tỷ USD, tăng 18,2%, còn các doanh nghiệp 100% vốn trong nước nhập khẩu gần 18,86 tỷ USD, tăng 8,0% so với cùng kỳ năm 2013.

Nhóm hàng cần nhập khẩu trong 4 tháng ước đạt 39,9 tỷ USD, tăng 13,2% so với cùng kỳ, chủ yếu tập trung vào nhóm các mặt hàng là nguyên liệu cho sản xuất như máy móc, thiết bị. Ngoài ra, nhóm hàng cần kiểm soát nhập khẩu kim ngạch nhập khẩu ước đạt 1,8 tỷ USD, tăng 15,5% so với cùng kỳ và nhóm hàng cần hạn chế nhập khẩu ước đạt gần 2,0 tỷ USD, tăng 5,1% so với cùng kỳ.

Trong các khu vực thì Châu Á vẫn chiếm tỉ trọng lớn nhất trong số các thị trường nhập khẩu của Việt Nam chiếm 79,8%, đạt 35,96 tỷ USD. Trong đó, nhập khẩu từ ASEAN chiếm hơn 16,2%, các nước Đông Á chiếm 59,2%, riêng Trung Quốc chiếm gần 27,5% trong tổng kim ngạch nhập khẩu của cả nước và đạt xấp xỉ 13 tỷ USD. Trong khi đó, nhập khẩu từ Châu Âu lại giảm 13,3% chỉ đạt hơn 3,1 tỷ USD.

Như vậy, tháng Tư cả nước nhập siêu ước 400 triệu USD, bằng 3,3% kim ngạch xuất khẩu. Tuy nhiên, tính chung 4 tháng, cả nước vẫn xuất siêu khoảng 683 triệu USD, bằng 1,5% kim ngạch xuất khẩu. Trong khi khối các doanh nghiệp trong nước nhập siêu hơn 3,4 tỷ USD thì khối các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài xuất siêu gần 4,1 tỷ USD.

Đánh giá của Bộ Công Thương qua bốn tháng đầu năm 2014, xuất khẩu là một điểm sáng trong bức tranh kinh tế của Việt Nam. Tuy nhiên, qua quan sát cơ cấu các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam vẫn có sự mất cân đối.

Theo bà Phan Thị Diệu Hà, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, mặc dù tháng Tư nhóm hàng công nghiệp vẫn giữ được mức tăng trưởng khoảng 19% nhưng so với tốc độ tăng của 3 tháng đầu năm ở mức 23% thì lại có xu hướng giảm.

Nguyên nhân là do một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực, trong đó có dệt may đang gặp khó khăn về khai hải quan điện tử, khiến hàng hóa ách tắc tại cảng, làm giảm tốc độ xuất khẩu chung.

Bên cạnh đó, nhóm hàng nông sản, cụ thể là gạo cũng đang phải cạnh tranh gay gắt nên giá và lượng cũng đang có dấu hiệu giảm sút. Qua 4 tháng xuất khẩu được 1 triệu 751 nghìn tấn, với giá trị 765 triệu USD, về lượng giảm 18% và giá giảm khoảng 17%, giá xuất khẩu bình quân giảm 1,71 USD.

Trước thực tế trên, để hoàn thành mục tiêu xuất khẩu 132 tỷ USD trong năm 2014 tại buổi họp giao ban, Thứ trưởng Bộ Công Thương, Lê Dương Quang đã yêu cầu các Vụ, Cục chức năng của Bộ thường xuyên tiếp xúc với doanh nghiệp để trực tiếp thao gỡ khó khăn, trong đó tập trung mạnh vào các vấn đề về vốn, thủ tục hành chính và thị trường.

Bên cạnh các Nghị quyết 01 và 02 đã triển khai theo thứ trưởng, Bộ Công Thương sẽ đẩy mạnh việc cung cấp các thông tin về thị trường xuất khẩu, chống bán phá giá giúp doanh nghiệp định hướng và có chiến lược kinh doanh phù hợp.

"Bộ sẽ đôn đốc các đơn vị theo dõi sát sao những biến động của thị trường thế giới để kịp thời thông tin cho doanh nghiệp, hạn chế những rủi ro trong kinh doanh. Đồng thời thực hiện tốt việc nâng cao giá trị các mặt hàng xuất khẩu, hỗ trợ doanh nghiệp về vốn, đáo hạn ngân hàng... góp phần thúc đẩy xuất khẩu," thứ trưởng nhấn mạnh./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục