Tháo gỡ khó khăn để sản xuất và xuất khẩu về đích

Tồn kho sản phẩm công nghiệp tăng cao tới 26%, xuất khẩu dù tăng trưởng trên 22% nhưng các mặt hàng xuất khẩu có trị lớn nhất như dệt may, nông sản lại tăng trưởng thấp hơn nhiều so với cùng kỳ do sụt giảm cả về giá và lượng xuất khẩu.

Vì vậy, việc triển khai quyết liệt các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn để sản xuất và xuất khẩu về đích chính là nhiệm vụ ưu tiên cao nhất của ngành công thương trong 6 tháng cuối năm.
Tồn kho sản phẩm công nghiệp tăng cao tới 26%, xuất khẩu dù tăng trưởng trên 22% nhưng các mặt hàng xuất khẩu có trị lớn nhất như dệt may, nông sản lại tăng trưởng thấp hơn nhiều so với cùng kỳ do sụt giảm cả về giá và lượng xuất khẩu.

Vì vậy, việc triển khai quyết liệt các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn để sản xuất và xuất khẩu về đích chính là nhiệm vụ ưu tiên cao nhất của ngành công thương trong 6 tháng cuối năm.

Sản xuất và xuất khẩu đều khó khăn

Theo Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Bộ Công Thương Nguyễn Tiến Vị, sản xuất công nghiệp 6 tháng đã có mức tăng trưởng thấp, trong đó nhóm ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng thấp hơn nhiều so với mức tăng 12,7% của cùng kỳ năm 2011 do nhu cầu tiêu dùng nhóm hàng công nghiệp chế biến giảm trong bối cảnh kinh tế gặp khó khăn, sức mua trên thị trường thấp. Vì vậy, tuy các doanh nghiệp vẫn duy trì hoạt động nhưng hầu như trong trạng thái cầm chừng do gặp khó khăn về đầu ra.

Trong khi đó, mặc dù lãi suất ngân hàng đã giảm, Ngân hàng Nhà nước đã có các chủ trương hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất song vẫn còn những “rào cản” cho việc doanh nghiệp tiếp cận vốn vay giá rẻ, gây ảnh hưởng không nhỏ tới việc thực hiện các dự án đầu tư nâng cao năng lực sản xuất và thực hiện các mục tiêu kế hoạch đề ra, gây lãng phí các nguồn lực huy động.

Trong khi đó, xuất khẩu cho dù là điểm sáng nhất trong bức tranh kinh tế 6 tháng đầu năm nhưng việc thực hiện mục tiêu kim ngạch xuất khẩu cả năm 2012 là 109,5 tỷ USD, tăng 13% so với năm 2011 sẽ cực kỳ khó khăn do không chỉ giá xuất khẩu giảm mà thị trường xuất khẩu cũng bị thu hẹp khi các doanh nghiệp xuất khẩu phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt và khủng hoảng kinh tế thế giới vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.

Ông Vị cho biết, do khó khăn của các nền kinh tế thế giới và việc hạn chế tiêu dùng, giá cả hàng hóa xuất khẩu, nhất là giá hàng nông sản đã giảm sút mạnh khiến kim ngạch nhóm hàng hóa này giảm 916 triệu USD, xuất khẩu than đá giảm 61 triệu USD. Mặt hàng dệt may, giày dép là một trong các mặt hàng chiếm tỷ trọng lớn nhất trong kim ngạch xuất chung cả nước, nhưng tăng trưởng thấp so với cùng kỳ 2011 do quá phụ thuộc vào thị trường xuất khẩu chính như EU.

Đại diện cho doanh nghiệp có mặt hàng xuất khẩu thuộc tốp 10 mặt hàng có giá trị lớn nhất, Tổng Thư ký Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) Trương Đình Hòe cho biết, chưa bao giờ, xuất khẩu thủy sản gặp thách thức lớn như hiện nay bởi ngoài khó khăn về vốn, về thị trường, việc xuất khẩu nhóm hàng này, nhất là xuất khẩu tôm, cá tra đang phải đối mặt với các rào cản thương mại ngày càng gia tăng tại nhiều thị trường. Sáu tháng đầu năm, xuất khẩu thủy sản sang các nước thuộc khối EU sụt giảm mạnh, trong đó Đức giảm 26,4%, Hà Lan giảm 10,9%, Italy giảm 16,3% so với cùng kỳ năm 2011.

Đáng chú ý, việc xuất khẩu tôm vào Nhật Bản - thị trường xuất khẩu lớn nhất của tôm Việt Nam , chiếm đến 27% tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu đang phải đối diện với nhiều rào cản nhất. Hiện Nhật Bản đang tăng tần suất kiểm tra chất Ethoxyquin trong tôm nhập khẩu từ Việt Nam . Trong khi đó, hàm lượng chất Ethoxyquin trong tôm bị chủ yếu đến từ nguồn thức ăn nuôi tôm nhập khẩu nên doanh nghiệp nuôi trồng và chế biến thủy sản khó lòng kiểm soát. Ngoài ra, do bị cắt giảm ngân sách so với năm 2011, hoạt động xúc tiến thương mại không mang lại được hiệu quả như mong muốn giúp doanh nghiệp mở rộng thị trường và quảng bá hình ảnh.

Khơi thông thị trường trong nước


Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm ngành công thương tổ chức vào sáng 9/7, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng khẳng định: Xử lý hàng tồn kho để giúp doanh nghiệp duy trì sản xuất và hoàn thành các mục tiêu kế hoạch đề ra chính là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành.

Trước mắt, các doanh nghiệp sản xuất tính toán các yếu tố đầu vào, tiết giảm chi phí, khơi thông đầu ra cho hàng hóa bằng việc củng cố hệ thống phân phối để sản phẩm hàng hóa từ nhà sản xuất đến tay người tiêu dùng ở mức giá thấp nhất, giảm tồn kho sản phẩm. Bên cạnh đó, việc thực hiện Cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam cần tiếp tục thực hiện sâu rộng để khuyến khích tiêu dùng hàng hóa trong nước, kích thích sản xuất phát triển và giảm nhập khẩu.

Bên cạnh đó, Bộ sẽ tiếp tục theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả thị trường các mặt hàng thiết yếu để có biện pháp điều tiết kịp thời, không để xảy ra thiếu hàng sốt giá cũng như phối hợp với các địa phương triển khai các giải pháp đồng bộ nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, lưu thông, bảo đảm cung cầu, an sinh xã hội.

Theo Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, hiện Bộ Công Thương đã ban hành danh mục thiết bị sản xuất trong nước, vì vậy Bộ Tài chính cần sớm trình Chính phủ điều chỉnh mức thuế suất nhập khẩu hợp lý của các thiết bị thuộc danh mục này để kích thích tiêu thụ sản phẩm sản xuất trong nước. Bộ Công Thương kiến nghị Chính phủ xem xét giảm thuế VAT xuống 5% cho doanh nghiệp bởi việc giảm thuế VAT này sẽ trực tiếp tác động đến việc hạ cơ cấu giá thành sản phẩm, giúp nâng cao khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp, giảm giá bán, tăng lượng tiêu thụ.

Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng đề nghị Ngân hàng Nhà nước mở rộng đối tượng được vay cho tất cả các doanh nghiệp, không hạn chế đối tượng như Thông tư số 14 quy định bởi có rất nhiều doanh nghiệp thuộc đối tượng bị hạn chế đang có đóng góp lớn cho ngân sách Nhà nước.

Tương tự như vậy, đối với doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, ngoài các ưu đãi được hưởng theo Thông tư 14/2012/NHNN, Ngân hàng Nhà nước cần tạo điều kiện cho doanh nghiệp sản xuất những sản phẩm là công nghiệp hỗ trợ được vay vốn ưu đãi từ Quỹ đầu tư phát triển với lãi suất thấp hơn quy định tại Thông tư 14 và linh hoạt trong việc xác định tài sản thế chấp khi vay vốn.

Đại diện Sở Công Thương Hà Nội đề xuất: Luật Thuế môi trường có hiệu lực từ ngày 1/1/2012 nhưng chưa có hướng dẫn cụ thể với sản phẩm túi nilon thuộc diện chịu thuế và túi nilon thân thiện môi trường; đồng thời việc áp dụng thuế môi trường này cũng chưa có lộ trình cụ thể khiến các doanh nghiệp ngành sản xuất bao bì nhựa gặp khó khăn lớn trong sản xuất kinh doanh, còn các doanh nghiệp cần bao bì nhựa lại tăng nhập khẩu bao bì túi ni lon, càng làm cho đầu ra của sản xuất trong nước đã khó lại càng khó thêm. Vì vậy, Chính phủ cần tạm dừng việc áp dụng thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng túi nilon cho đến khi có văn bản hướng dẫn và điều chỉnh cụ thể.

Đẩy mạnh xúc tiến thương mại


Để tháo gỡ khó khăn cho xuất khẩu thủy sản, nhất là xuất khẩu tôm, ông Trương Đình Hòe khẳng định: Bộ Công Thương cần kiến nghị với các cơ quan chức năng của Nhật Bản để tăng hàm lượng chất Ethoxyquin trong tôm như quy định của các nước EU và Hoa Kỳ cũng như sẵn sàng hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu tôm kiện ra Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) để thay đổi quy định hàng rào kỹ thuật này.

Đối với việc xuất khẩu cá tra, hiện cung cầu đang mất cân đối và thị trường xuất khẩu bị thu hẹp, bất ổn do có quá nhiều doanh nghiệp (khoảng 150 đơn vị) tham gia xuất khẩu, Bộ Công Thương cần sớm ban hành quy định việc xuất khẩu cá tra có điều kiện như: Doanh nghiệp xuất khẩu phải có nhà máy chế biến sản xuất... để giảm số lượng đầu mối xuất khẩu quá nhiều như hiện nay, gây nên sự cạnh tranh không cần thiết.

Theo Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, nhằm giúp doanh nghiệp xuất khẩu mở rộng thị trường, các chương trình xúc tiến Thương mại quốc gia sẽ được tiếp tục triển khai mạnh mẽ nhằm khai thông thị trường trong sáu tháng cuối năm, nhất là tại các thị trường tiềm năng như Hong Kong, Hàn Quốc, Thái Lan, Malaysia và Australia. Cùng đó, công tác thông tin sẽ được thực hiện đồng bộ để kịp thời đưa ra các dự báo sát thị trường và sớm phát hiện các thay đổi về chính sách, cơ chế quản lý nhập khẩu, kiểm soát chất lượng hoặc những thông tin bất lợi đối với hàng hóa xuất khẩu Việt Nam tại các thị trường nhằm kịp thời giải quyết các vụ việc phát sinh.

Bên cạnh đó, nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp xuất khẩu tiếp cận nguồn vốn tín dụng ưu đãi, Bộ cũng sẽ phối hợp với Bộ Tài chính triển khai có hiệu quả Nghị định số 75/2011/NĐ-CP ngày 30/8/2011 của Chính phủ; đẩy mạnh bảo lãnh tín dụng cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng như điều chỉnh linh hoạt thuế suất thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu.

Ngoài ra, Bộ tiếp tục phối hợp với Bộ Tài chính tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa về thủ tục hải quan theo hướng hỗ trợ tối đa cho sản xuất trong nước và thúc đẩy kinh doanh, xuất khẩu./.

Nguyễn Kim Anh (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục