Trắng đêm ngóng về rốn lũ

Lướt trên "đường chỉ quốc lộ" hồi hương về rốn lũ

Anh nghẹn lời bảo, mấy ngày cả nhà ở quê vẫn chỉ ăn lạc sống, muối hạt cầm hơi cũng là từng ấy thời gian anh không thể chợp mắt.
Câu chuyện về bầy trẻ đói khát ở nhà, ruộng vườn bị con nước lớn cuốn bay của anh cứ chốc chốc lại bị ngắt quãng. Người đàn ông đen đúa trước mặt chúng tôi, những lúc ấy, lại cứ nhìn đăm đăm ra quãng đồng trắng nước phía bên ngoài cửa xe.

Anh nghẹn lời bảo, mấy ngày cả nhà ở quê chỉ ăn lạc sống, muối hạt cầm hơi cũng là từng ấy thời gian, người con đất Can Lộc không sao chợp mắt.

Đắng lòng người tha hương


Chuyến xe khách Hà Nội – Hà Tĩnh sau cùng cũng chầm chậm xuất bến sau rất nhiều lần nấn ná. Những vị khách lên muộn nháo nhào hỏi nhau mấy câu chuyện về tình hình lũ ở làng này, thôn nọ. Rồi, cuống cuồng gọi về tâm lũ, cuống cuồng thất vọng vì không thể kết nối được với miền Trung.

Bà Trần Thị Hào cứ ngồi bần thần mãi phía cuối xe khi không sao gọi được cho người nhà. Lo máy hỏng, bà lão 65 tuổi người “rốn lũ Phúc Lộc” (Can Lộc, Hà Tĩnh) lại mượn máy chúng tôi. Nhưng, đầu dây phía nước trắng miền Trung vẫn chẳng trả lời.

Khẽ thở dài, bà bảo, mấy bữa trước, đúng hôm bà ra Hà Nội thăm đứa con trai thì lũ về. Ông lão dưới quê gọi điện bảo, nước đã ngập băng ruộng đồng, nước đuổi người lên những tầng gác cao hơn. Lòng bà nóng như lửa đốt. Đến hôm nay, khi bắt được xe về, thì bà lại chẳng thể liên lạc được với ông nữa.

“Xem ti vi thấy lũ lớn quá, tôi chỉ mong máy ông lão hết pin,” bà Hào nghẹn lại.

Ngồi nghe câu chuyện về quê lũ Can Lộc, anh Phạm Văn Mãnh (Tùng Lộc, Hà Tĩnh) cũng thần người ngó ra ngoài cửa xe mãi không thôi. Đã ba hôm rồi từ ngày nghe tin xã mình chìm trong biển nước, ngày nào anh cũng điện thoại về nhà, mong nghe tiếng vợ và tiếng đứa con mới tròn 1 tuổi rưỡi.

Cả gia đình anh trông cả vào mấy sào ruộng ở nhà và đồng lương còm anh làm phụ hồ trên Hà Nội gửi về. Thế rồi, lũ tràn về, cả vụ lúa vừa mới thu hoạch chìm trong biển nước, hỏng sạch.

“Hôm qua bà xã điện lên mếu máo bảo nước cứ dâng lên từng giờ, nước ngập lút mái nhà, hai mẹ con phải chạy sang nhà hàng xóm ở nhờ. Xót nhất là giờ, cả nhà chỉ còn ăn lạc sống với muối trắng và mấy gói mỳ tôm cứu trợ,” anh Mãnh thở dài.

Nghe vợ điện, anh Mãnh quýnh quáng vứt hết công việc trên Hà Nội. Ngồi trực ở bến xe Nước ngầm suốt cả buổi, may sao có một chuyến xe liều lĩnh băng về nơi rốn lũ. Nghe mọi kháo nhau, đường về Hà Tĩnh chỉ còn một màu trắng xóa, nhiều tuyến quốc lộ cũng chẳng còn thấy đường. Thế nhưng, mặc, anh bảo, về được gần quê đoạn nào hay đoạn nấy.

“Cố đi tới đâu cũng được, đường cấm thì mình đi nhờ xe dù thế nào tôi cũng phải đi,” anh Mãnh quả quyết.

Trắng đêm ngóng về rốn lũ

Hành trình mỗi lúc một dài hơn khi liên tiếp những tuyến đường huyết mạch dẫn vào Hà Tĩnh đều bị cấm. Qua cầu Bến Thủy, xe phải đổi hướng sang đường tỉnh lộ chạy xẻ vào lòng huyện Nghi Xuân. Con đường mảnh như một sợi chỉ lại nối dài hành trình về với miền Trung ruột thịt thêm xa xôi. Ngồi trên xe, lòng khách tha hương mỗi lúc một thắt lại.

Theo lịch trình ban đầu, đúng 18 giờ chiều, toàn bộ hành trình sẽ kết thúc tại bến xe Hà Tĩnh. Nhưng, xe cứ vòng vèo mãi với những khúc quanh tới tận hơn 19 giờ mà Hà Tĩnh vẫn xa lắc, xa lơ.

Đến km 337, thuộc Quốc lộ 1A, đường bỗng dưng ngập băng trong biển nước. Những gã lái xe gan dạ nhất tới đây cũng phải nhăn mặt, đánh xe dừng một lúc khá lâu trước cung đường nước để định thần.

Tài xế tên Thắng, ngay lập tức trấn an khách trên xe, đoạn nhấc máy gọi một cú để tìm hiểu độ nông sâu của đoạn đường chừng hơn trăm mét trước mặt. Ngồi trong xe nhìn ra, chúng tôi chỉ còn nhận ra ranh giới mong manh giữa quốc lộ và nước lũ bằng những cọc chỉ giới nhô lên chới với.

Hành khách đã bắt đầu sốt ruột. Họ liên tục hỏi lại bác tài xem liệu tuyến có thông được không, và người nhà sẽ phải đón họ ở đâu.

Sau một hồi băn khoăn, chiếc xe lại lừ đừ chuyển bánh. Dòng nước xé tung ra hai bên để lộ “đường chỉ quốc lộ” mờ mờ, mỏng manh phía dưới bánh. Có cảm tưởng, chiếc xe đang lướt trên một mặt nước đầy sóng.

Sang đến "bên kia bờ", hành khách chưa kịp thở phào thì đã nhận được tin dữ: bắt đầu từ đây, toàn bộ tuyến sẽ bị ngừng. Thời gian cho phép đoàn xe khởi hành không thể xác định được.

Cộng với mấy chuyến khác đã dừng trước đó, cả đoạn quốc lộ chạy qua xã Vượng Lộc trong một chốc đã la liệt người đứng, kẻ ngồi. Trong bóng tối mịt mù, ai cũng hướng mắt đăm đăm về một đoạn đường hơn 30 km còn lại.

Cho đến tận 22 giờ 30 phút đêm, toàn bộ đoàn người vẫn không sao tiến tiếp. Hơn chục con người lại có thêm một đêm trắng lo về rốn lũ quê hương./.

Dũng-Bách-Hùng (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục