Lý do các nước Đông Nam Á không "mặn mà" với năng lượng gió

Một lý do khiến các nước ASEAN do dự trong đầu tư năng lượng gió bắt nguồn từ chi phí vẫn đắt đỏ, trong khi hầu hết các nước Đông Nam Á có thể tiếp cận với các nguồn năng lượng rẻ hơn.
Lý do các nước Đông Nam Á không "mặn mà" với năng lượng gió ảnh 1Nhà máy điện gió ở Bạc Liêu. (Ảnh: TTXVN)

Theo tờ Channel News Asia, khu vực Đông Nam Á từ lâu đã có kế hoạch khai thác năng lượng gió để thúc đẩy giai đoạn tăng trưởng kinh tế tiếp theo của mình.

Năm 2015, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã đặt mục tiêu nâng tỷ lệ năng lượng tái tạo lên 23% vào năm 2025 khi nhu cầu năng lượng khu vực dự kiến tăng 50%. Đây là một mục tiêu đầy tham vọng so với mức 9% được đặt ra vào năm 2014.

Ngoài năng lượng Mặt Trời, có lý do chính đáng để cho rằng năng lượng gió có thể chiếm một phần lớn thị phần năng lượng tái tạo nhờ các đường bờ biển trải dài ngút tầm mắt tại Đông Nam Á.

Tuy nhiên, mặc dù tiềm năng năng lượng gió của Đông Nam Á là rất lớn, song các quốc gia khu vực lại chậm chân trong việc khai thác nguồn năng lượng sạch dồi dào này.

Lý do về chi phí

Các chuyên gia ước tính rằng Việt Nam có tiềm năng kỹ thuật khai thác tới 309GW năng lượng gió ngoài khơi. Tuy nhiên, quốc gia này chỉ đặt mục tiêu khai thác 6GW năng lượng gió vào năm 2030, chiếm chưa tới 2% tiềm năng.

Một phần của sự do dự này bắt nguồn từ việc các dự án năng lượng gió vẫn còn đắt đỏ, trong khi hầu hết các nước Đông Nam Á có thể tiếp cận với các nguồn năng lượng rẻ hơn.

[Lĩnh vực điện gió của các nước châu Á sẵn sàng cất cánh?]

Ví dụ, Indonesia là nước xuất khẩu than lớn nhất thế giới và cũng có thể khai thác năng lượng địa nhiệt do nằm trên Vành đai lửa Thái Bình Dương.

Dự án năng lượng gió có thể có chi phí từ 1,4 triệu USD cho một dự án có công suất 800 kW tới 4,2 triệu USD cho một dự án có công suất 3,5 MW, gồm chi phí đầu tư mua các tuabin gió, các hạng mục đảm bảo môi trường trước khi vận hành, xây dựng mạng lưới phân phối và truyền tải điện kết nối với địa điểm đặt dự án.

Trong khi đó, một dự án năng lượng Mặt Trời công suất 3,5 MW có chi phí chỉ bằng một nửa và sẽ ít tốn kém hơn nữa theo thời gian do các tấm pin Mặt Trời ngày càng rẻ.

Những ưu tiên cho năng lượng Mặt Trời và thủy điện

Theo báo cáo của Trung tâm Năng lượng ASEAN, dân số Đông Nam Á dự kiến sẽ tăng từ mức 615 triệu người của năm 2014 lên mức 715 triệu người vào năm 2025.

Do đó, khai thác năng lượng sạch là một cách tốt để các nước ASEAN đáp ứng kế hoạch “Đóng góp quốc gia tự quyết định (NDC)” trong khuôn khổ Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, đồng thời hỗ trợ tầng lớp trung lưu đang gia tăng, nếu không lượng khí thải carbon từ hoạt động sản xuất điện của khu vực có thể tăng 84% vào năm 2025.

Các quốc gia trong khu vực đã có danh mục năng lượng tái tạo, trong đó chủ yếu là năng lượng Mặt Trời và thủy điện, và đang chứng tỏ khả năng dẫn đầu trong việc đề ra các mục tiêu táo bạo về năng lượng sạch.

Ví dụ, Indonesia cam kết giảm 30% lượng khí thải từ mức của năm 2005 và nâng tỷ lệ năng lượng tái tạo lên 30% vào năm 2030.

Sự bùng nổ tài chính cơ sở hạ tầng tại Đông Nam Á có thể tạo ra một số động lực. Các ngân hàng - vốn có vai trò quan trọng trong việc giảm thiểu biến đổi khí hậu - đang nhìn thấy cơ hội rất lớn trong việc tài trợ cho các dự án năng lượng tái tạo tại khu vực ASEAN.

Nguồn cung tài chính xanh của ASEAN dự kiến sẽ đạt 40 tỷ USD vào năm 2030. Các khoản vay liên quan đến các Mục tiêu Phát triển Bền vững của Liên hợp quốc (SDG) và các loại trái phiếu xanh đã và đang chứng tỏ sức hút trong vài năm qua tại Đông Nam Á.

Cho tới nay, ngân hàng DBS của Singapore đã tài trợ cho ba dự án năng lượng Mặt Trời, một dự án năng lượng địa nhiệt và hai dự án năng lượng gió. Với việc các cơ quan quản lý như Cơ quan Tiền tệ Singapore chuyển hướng sang triển khai hướng dẫn của các tổ chức tài chính về tài chính bền vững, số lượng các dự án năng lượng sạch có thể sẽ còn tăng lên.

Năng lượng gió không dành cho mọi quốc gia

Tất nhiên, năng lượng gió không dành cho mọi quốc gia Đông Nam Á, nhất là các quốc gia quần đảo như Indonesia và Philippines với hệ thống lưới điện phân tán đòi hỏi phải lắp đặt cáp ngầm dưới biển để kết nối các hòn đảo với mạng lưới truyền tải điện. Điều này sẽ gây thêm gánh nặng chi phí tài chính và làm tăng nguy cơ suy thoái môi trường.

Không giống với các hình thức phát điện thông thường như than đá, năng lượng Mặt Trời và gió được hấp thụ tốt nhất tại các khu vực cách xa các vật cản như các tòa nhà. Các đảo không có người ở là những khu vực tốt để thu được cường độ gió và năng lượng Mặt Trời mạnh.

Tuy nhiên, do nằm cách xa các trung tâm thành phố nên các khu vực này không thể kết nối trực tiếp với lưới điện quốc gia để truyền tải năng lượng thu được.

Một nỗi lo lớn khác nằm ở chỗ các tuabin trong đất liền gây phản ứng dữ dội từ các cộng đồng sinh sống gần đó, giống như cách người Đức không còn yêu thích những chiếc quạt cao 200m này do gây chướng mắt.

Tuabin ngoài khơi có thể là giải pháp tốt hơn để đưa năng lượng sạch thoát khỏi các tranh cãi chính trị. Mỗi tuabin gió nổi công suất 6MW có thể sản xuất đủ điện để cung cấp cho khoảng 4.000 ngôi nhà. Song những thứ này lại rất tốn kém chi phí lắp đặt, dễ bị hư hại khi có mưa bão và có thể ảnh hưởng đến các sinh vật biển.

Ngoài ra, tuabin gió chỉ có tuổi thọ 15-20 năm, trong khi một nhà máy điện khí có thể hoạt động tới 30-40 năm. Để xây dựng và cho ngừng hoạt động một tuabin gió có đáy cố định công suất 1GW và tuổi thọ 25 năm sẽ mất khoảng 1,2 tỷ USD, không bao gồm chi phí vận hành và bảo trì hàng năm khoảng 100 triệu USD.

Tất cả những điều này khiến việc theo đuổi năng lượng gió không còn hấp dẫn khi các nguồn thay thế năng lượng bẩn khác rẻ hơn và phong phú hơn. Trong đó, năng lượng Mặt Trời có vẻ như một phương án đầu tư tốt hơn.

Những tín hiệu mới

Mặc dù vẫn đang trong giai đoạn đầu triển khai, các dự án gần đây đã cho thấy nhiều hứa hẹn đối với các tuabin gió nổi tại châu Á. Trong đó phải kể đến trang trại năng lượng gió rộng 100ha tại Sidrap - trang trại lớn nhất trong khu vực Đông Nam Á - mới được Tổng thống Joko Widodo khánh thành vào năm 2016.

Mặc dù chỉ có thể tạo ra nguồn điện khiêm tốn với 75 MW - một con số rất nhỏ so với mục tiêu bổ sung 35.000 MW trong giai đoạn 5 năm vừa qua, dự án này được coi là một cột mốc quan trọng trong nỗ lực phát triển năng lượng gió của Indonesia.

Trong khi đó, Việt Nam đang nổi lên như một quốc gia đi trước trong lĩnh vực này. Tổng công suất các dự án năng lượng gió đang hoạt động hoặc có kế hoạch triển khai tại Việt Nam đạt 14,7GW và các chuyên gia ước tính con số này có thể tăng gấp đôi vào năm 2030.

Việc sử dụng năng lượng gió cũng mang lại các lợi ích rõ ràng về môi trường, kinh tế và xã hội, như tạo công ăn việc làm, giảm ô nhiễm không khí và giúp giải quyết hậu quả của tình trạng biến đổi khí hậu.

Một ví dụ điển hình là dự án điện gió Pililla công suất 54MW hoàn thành vào năm 2019 tại Philippines. Trước khi diễn ra đại dịch COVID-19, dự án đã thu hút 13.000 khách tham quan, cung cấp năng lượng cho khoảng 130.800 hộ gia đình, đồng thời giảm 110.000 tấn khí thải gây hiệu ứng nhà kính và giúp tiết kiệm khoảng 130 triệu lít nước mỗi năm.

Với tất cả những lý do kể trên, có một thực tế là mặc dù người ta đã nói nhiều về triển vọng của năng lượng gió tại Đông Nam Á, mỗi quốc gia trong khu vực vẫn muốn hướng đến việc chọn cho mình các nguồn năng lượng tái tạo khác nhau, song song với việc củng cố các cơ sở hạ tầng lưới điện và đổi mới công nghệ, phù hợp với nhu cầu năng lượng, thế mạnh địa lý và cân nhắc chi phí đầu tư.

Ngoài ra, việc thu hút tiền tài trợ từ khu vực tư nhân, chia sẻ kiến thức và các giải pháp thông minh sẽ có thể hỗ trợ cho hành trình hướng tới một tương lai năng lượng sạch và an toàn cho khu vực Đông Nam Á./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục