Lý do châu Âu ngày càng quan tâm nhiều hơn đến châu Á

Tín hiệu mới nhất cho thấy ý đồ xoay trục sang châu Á của châu Âu được thể hiện tại Hội nghị Á-Âu, hay còn gọi là ASEM, được tổ chức tại thủ đô Phnompenh của Campuchia vào ngày 25-26/11.
Lý do châu Âu ngày càng quan tâm nhiều hơn đến châu Á ảnh 1Hội nghị Á-Âu (ASEM) được tổ chức tại thủ đô Phnompenh của Campuchia vào ngày 25-26/11.

Theo trang mạng arabnews.com, trong khi truyền thông trong năm 2021 dành sự quan tâm đặc biệt cho việc nước Mỹ dưới thời Tổng thống Joe Biden ngày càng tập trung nhiều đến châu Á, việc châu Âu đang xoay trục sang khu vực phát triển kinh tế nhanh nhất thế giới này lại bị bỏ sót.

Tín hiệu mới nhất cho thấy ý đồ xoay trục sang châu Á của châu Âu được thể hiện tại Hội nghị Á-Âu, hay còn gọi là ASEM, được tổ chức tại thủ đô Phnompenh của Campuchia vào ngày 25-26/11.

Được khởi xướng lần đầu bởi Singapore và Pháp, diễn đàn này hiện bao gồm 53 đối tác, trong đó có 21 nước châu Á, 30 nước châu Âu cùng với Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á và các thể chế của Liên minh châu Âu (EU). Năm ngoái, ASEM bị hoãn do đại dịch COVID-19.

Hội nghị năm nay sẽ tập trung thúc đẩy sự hợp tác chính trị và kinh tế giữa 2 khu vực dựa trên sự tôn trọng và bình đẳng, đồng thời cũng đẩy mạnh cơ chế đa phương và khuyến khích sự phục hồi sau đại dịch. Nếu cộng lại, 2 đại khu vực Á-Âu này chiếm khoảng 60% GDP, dân số và thương mại toàn cầu, với những tiềm năng đáng kể trong tương lai.

Mục tiêu hàng đầu của châu Âu khi hợp tác với châu Á là xây dựng một lợi thế cạnh tranh để đối trọng với các cường quốc thế giới khác, trong đó có Mỹ. Ngoài hội nghị thượng đỉnh ASEM, EU còn tổ chức các hội nghị thường niên với các thị trường khổng lồ đang nổi như Ấn Độ, Trung Quốc cùng với các quốc gia công nghiệp hóa lớn khác như Nhật Bản nhằm củng cố mục tiêu này.

Nỗ lực này cũng đã thu về được những lợi ích. Lấy ví dụ như Ấn Độ - nền dân chủ lớn nhất thế giới và đang sốt sắng thúc đẩy các mối quan hệ mạnh mẽ hơn. Lục địa châu Âu đã trở thành đối tác thương mại và đầu tư lớn nhất của Ấn Độ, và đây là lý do tại sao một thỏa thuận thương mại song phương mới đang được thảo luận là một phần thưởng tiềm năng quan trọng cho cả hai bên.

Có những lý lo lớn hơn đằng sau những lợi ích song trùng này, trong đó bao gồm một nhu cầu ngày càng gia tăng trong việc phát triển các diễn đàn quốc phòng chung, chẳng hạn như an ninh hàng hải tại Ấn Độ Dương, nơi 40% thương mại song phương đi qua.

[Thủ tướng Campuchia kêu gọi tăng cường hợp tác Á-Âu]

Mặc dù Ấn Độ là một mục tiêu hàng đầu của châu Âu tại châu Á, song đây hoàn toàn không phải là mục tiêu duy nhất. Điều này được thể hiện trong chiến lược mới của châu Âu về sự hợp tác với khu vực, đã được Hội đồng EU - vốn ủng hộ sự ổn định và một môi trường “cởi mở và công bằng” cho thương mại và đầu tư - thông qua trong năm nay.

Dĩ nhiên, Trung Quốc cũng là một mục tiêu trong tầm ngắm của châu Âu tại khu vực này, bất chấp sự lạnh nhạt trong mối quan hệ song phương kể từ khi đại dịch bùng nổ. Danh mục hàng đầu trong chương trình nghị sự EU-Trung Quốc là một thỏa thuận toàn diện mới về đầu tư, dù đã được nhất trí từ tháng 12 năm ngoái, nhưng đến giờ vẫn chưa được phê chuẩn.

Đối thoại EU-Trung Quốc rất đa diện, trong đó cả hai bên đều sốt sắng tập trung vào các lĩnh vực cùng hợp tác và quan tâm, bao gồm việc đối phó với tình trạng biến đổi khí hậu. Lý do cơ bản khiến các cuộc thảo luận EU-Trung Quốc về sự ấm lên toàn cầu nhìn chung rất tích cực như vậy là bởi cả hai có tầm nhìn chung về một tương lai thịnh vượng và được đảm bảo về năng lượng trong một môi trường khí hậu ổn định, đồng thời công nhận sự cần thiết cho hợp tác song phương để đạt được mục tiêu này.

Chẳng hạn, thỏa thuận về sự ấm lên toàn cầu năm 2015 giữa họ đã đẩy mạnh sự hợp tác trong các chính sách giảm phát thải trong nước, các thị trường carbon, các thành phố phát thải ít carbon, vấn đề phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính từ các ngành công nghiệp hàng không và hàng hải, và Hydrofluorocarbon.

Kế hoạch đầu tư vào kinh tế xanh của Trung Quốc trong những năm tới là rất lớn, và đây là một thực tế mà châu Âu đang ngày càng ghi nhận. Hiện cũng có những cơ hội đầu tư đáng kể cho các công ty công nghệ và khoa học của khu vực, vốn là những bên đi đầu trong phần lớn chương trình nghị sự về công nghệ sạch. Thế nhưng, dù các mối quan hệ của châu Âu với các thị trường đang nổi là trọng yếu, các mối quan hệ của khối này với các nước công nghiệp hóa cũng quan trọng không kém.

EU đang xúc tiến một chương trình nghị sự song phương phát triển mạnh mẽ với Nhật Bản, và hai bên đang đẩy mạnh vai trò lãnh đạo trong thương mại quốc tế và trật tự kinh tế dựa trên các quy tắc.

Nhật Bản vẫn đang là nền kinh tế lớn thứ ba thế giới và là một trong những thị trường xuất khẩu hàng đầu châu Âu tại châu Á. Tại EU, ước tính có khoảng 600.000 việc làm liên quan đến mối quan hệ thương mại song phương này, với khoảng 74.000 công ty châu Âu đang xuất khẩu sang Nhật Bản.

Chương trình nghị sự kinh tế nòng cốt này đã nhận được một cú huých vào năm 2019 khi thỏa thuận thương mại tự do EU-Nhật Bản đi vào hiệu lực, chiếm khoảng 1/3 GDP toàn cầu và khoảng 650 triệu dân. Tuy nhiên, ngoài những con số, hai bên cũng nhấn mạnh rằng hiệp định thương mại này quan trọng là bởi nó dựa trên các giá trị và nguyên tắc. Điều này một phần liên quan đến thực tế rằng đây là thỏa thuận đầu tiên EU ký mà bao gồm các chi tiết ủng hộ thỏa thuận khí hậu Paris.

Đặc biệt, còn có một cam kết ủng hộ thỏa thuận Paris bằng cách thực hiện một sự “đóng góp tích cực” để giảm sự ấm lên toàn cầu bằng cách loại bỏ phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính. Cam kết này được đưa ra sau một động thái của Ủy ban châu Âu nhằm nỗ lực đảm bảo rằng tất cả các thỏa thuận thương mại EU trong tương lai đều sẽ đề cập đến việc phải phù hợp với các mục tiêu của thỏa thuận Paris.

Ba ví dụ trên đây giải thích lý do tại sao châu Âu lại nhận thấy một cơ hội lớn đến như vậy tại châu Á. Từ các thị trường đang nổi đến các nền kinh tế công nghiệp hóa, khu vực này đang là một ưu tiên kinh tế và chính trị ngày càng lớn với EU và các nhà nước châu Âu khác đang nỗ lực tìm kiếm lợi ích từ các cường quốc lớn khác trong một nỗ lực thúc đẩy lợi ích cạnh tranh trong kỷ nguyên hậu đại dịch./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục