Lý do EU cần tích cực hơn trong vấn đề hạt nhân Triều Tiên

Với việc Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in có chuyến thăm châu Âu kéo dài 9 ngày (từ 13-21/10), giờ là thời điểm để xem xét đến việc EU đánh giá như thế nào về bối cảnh hiện nay trên bán đảo Triều Tiên.
Lý do EU cần tích cực hơn trong vấn đề hạt nhân Triều Tiên ảnh 1Đại diện cấp cao về chính sách an ninh và đối ngoại của EU Federica Mogherini. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Với việc Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in chuẩn bị có chuyến thăm châu Âu kéo dài 9 ngày (từ 13-21/10), giờ là thời điểm để xem xét đến việc Liên minh châu Âu (EU) đánh giá như thế nào về bối cảnh hiện nay trên bán đảo Triều Tiên.

Theo mạng tin nknews.org, EU có một chính sách rõ ràng trong vấn đề Triều Tiên là "kết hợp trừng phạt với các kênh liên lạc mở" (kết hợp giữa "củ cà rốt" được lồng ghép trong các cuộc đối thoại hoặc viện trợ với "cây gậy," đặc biệt là các lệnh trừng phạt).

Trong suốt 3 năm qua, EU cũng đã cương quyết trong chiến lược sử dụng "cây gậy" khi Bình Nhưỡng nhanh chóng hoàn tất chương trình tên lửa tầm xa có thể mang theo đầu đạn hạt nhân.

Tuy nhiên, khi quan hệ giữa hai miền Triều Tiên cũng như quan hệ Mỹ-Triều được cải thiện, tại châu Âu đã nổi lên những tranh cãi về việc cần có giải pháp tốt nhất trong vấn đề Triều Tiên.

Để có thể hiểu rõ về vấn đề này, trước hết cần tìm hiểu về những mục tiêu chủ chốt mà EU tìm kiếm liên quan đến vấn đề an ninh của Triều Tiên.

Trước tiên, Brussels muốn Triều Tiên phải phi hạt nhân hóa hoàn toàn đồng thời phải ngăn chặn được các hoạt động phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt của Bình Nhưỡng.

Châu Âu có thể không bị đe dọa trực tiếp từ chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên, song Bình Nhưỡng vẫn được xem là một "mối đe dọa hiện hữu" đối với luật pháp quốc tế, đặc biệt là thỏa thuận không phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt.

[Hàn Quốc, Anh thảo luận về các vấn đề Triều Tiên và Brexit]

Triều Tiên cũng được xem là một "ví dụ điển hình" của quốc gia đang muốn trở thành một cường quốc hạt nhân, bao gồm cả Iran, và việc Bình Nhưỡng bán công nghệ hạt nhân và vũ khí hủy diệt hàng loạt (WMD) cho khu vực Trung Đông cũng góp phần làm gia tăng sự mất ổn định đối với khu vực này.

Bên cạnh đó, một kịch bản khác nằm ngoài sức tưởng tượng là khi các nhóm khủng bố (như tổ chức Nhà nước Hồi giáo - IS) cướp được những loại vũ khí mà Triều Tiên bán sang Trung Đông để sản xuất bom bẩn và sử dụng để tấn công các thành phố ở châu Âu.

Mục tiêu chủ chốt khác mà EU muốn đạt được là thay đổi cách hành xử của Bình Nhưỡng để tạo ra một bán đảo Triều Tiên ổn định hơn.

Sự ủng hộ của Brussels cho một bán đảo Triều Tiên ổn định không chỉ là hành động mang tính hình thức. Hàn Quốc hiện đang là 1 trong số 10 đối tác chiến lược duy nhất trên thế giới của EU, cùng chia sẻ các giá trị dân chủ toàn cầu, quyền con người và quy định của luật pháp quốc tế.

Hàn Quốc hiện cũng là quốc gia duy nhất trên thế giới có hiệp định khung về tự do thương mại, thỏa thuận hợp tác xử lý khủng hoảng với EU liên quan đến các vấn đề chính trị, kinh tế và an ninh song phương.

Federica Mogherini, Đại diện cấp cao về các vấn đề đối ngoại của EU nhấn mạnh rằng châu Âu ủng hộ những nỗ lực can dự của Hàn Quốc và bản thân bà đóng vai trò là người truyền đạt quan điểm của các quốc gia thành viên EU.

Ngoại trưởng Hàn Quốc Kang Kyung-hwa đặc biệt rất được tôn trọng ở châu Âu và cũng đóng vai trò làm rõ quan điểm của Seoul với châu Âu.

Ở thời điểm hiện tại, EU vẫn duy trì quan điểm cho rằng phi hạt nhân hóa là cách tốt nhất để có được một bán đảo Triều Tiên ổn định. Điều đó cũng có nghĩa là việc giải quyết triệt để mối đe dọa hạt nhân Triều Tiên cũng sẽ góp phần củng cố thêm an ninh cho Hàn Quốc.

Tuy nhiên, những tiến triển trong vài tháng trở lại đây ở bán đảo Triều Tiên dường như cho thấy có sự mâu thuẫn với lập trường cố hữu của EU.

Brussels kiên định quan điểm cho rằng các lệnh trừng phạt vẫn đang phát huy tác dụng, dẫn đến phi hạt nhân hóa Triều Tiên.

Tuy nhiên, điều này lại đi ngược với sách lược mà chính quyền Moon Jae-in đang thực thi khi sử dụng "củ cà rốt" trong hợp tác kinh tế liên Triều, xây dựng lòng tin, và tăng cường giao lưu hợp tác văn hóa, thể thao để giảm căng thẳng giữa hai nước.

Tóm lại, lập trường chính thức của EU vẫn là các lệnh trừng phạt cần phải được duy trì cho đến khi Triều Tiên giải giáp hạt nhân. Điều này bao gồm cả các lệnh trừng phạt của Liên hợp quốc và quan trọng hơn là cả các lệnh trừng phạt của riêng EU nhằm vào Triều Tiên.

Sự phối hợp giữa các lệnh trừng phạt đa phương đó sẽ ngăn chặn được hầu hết các hình thức can dự trực tiếp với Triều Tiên ngoại trừ các hoạt động hỗ trợ nhân đạo và du lịch.

Hơn nữa, việc EU tăng cường gây sức ép buộc hầu hết các quốc gia trên thế giới tuân thủ các lệnh trừng phạt nhằm vào Triều Tiên và một số nước đã tích cực trong việc giám sát và bắt giữ các chuyến tàu chở hàng bất hợp pháp của Bình Nhưỡng.

Nhóm "Ba nước lớn" (Big Three) gồm Pháp, Đức và Anh đều ủng hộ quan điểm này của EU. Trong khi đó, các quốc gia thành viên EU khác cũng như các nhà ngoại giao, những người hoạch định chính sách đối ngoại ở nhóm "big three" lại kỳ vọng EU có sự thay đổi về chính sách đối với Triều Tiên.

Theo đó, họ mong muốn Brussels sử dụng biện pháp can dự về ngoại giao và sử dụng "củ cà rốt" trong kinh tế chứ không chỉ chú trọng vào các lệnh trừng phạt để "hài hòa" giữa chính sách của EU và Hàn Quốc.

Bên cạnh đó, họ cũng muốn gỡ bỏ dần dần lệnh trừng phạt của LHQ và của cả EU khi chính quyền Bình Nhưỡng từng bước tiến tới phi hạt nhân hóa, đồng thời nối lại đối thoại song phương giữa EU và Triều Tiên vốn bị gián đoạn từ năm 2015.

Hơn nữa, "bộ ba" này cũng muốn EU tích cực hơn nữa trong vai trò là cầu nối đối thoại giữa Mỹ và Triều Tiên. Rõ ràng là các nước như Thụy Điển, Phần Lan và Ba Lan đều đã sẵn sàng đứng ra tổ chức cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều lần thứ nhất (ngày 12/6 vừa qua).

Có hai lý do cơ bản dẫn đến những tranh cãi nảy sinh ngay trong nội bộ châu Âu. Trước hết, đó là tiến trình hòa giải và hòa hợp mà Seoul đang theo đuổi.

Cần nhớ lại rằng EU ban đầu đơn thuần là một cộng đồng kinh tế. Tổ chức này cũng đã đề ra những quy định cho sự tái hòa giải hòa hợp sau Chiến tranh Thế giới thứ hai ở khu vực Tây Âu.

Gần đây nhất, việc các quốc gia ở Trung và Đông Âu gia nhập EU đã đánh dấu sự chia cắt ở châu Âu đã chấm dứt hoàn toàn.

Sự bắt đầu này có thể truy nguyên đến những trao đổi giữa người với người trong Chiến tranh Lạnh và sự hỗ trợ kinh tế mà Ngân hàng Tái thiết và Phát triển châu Âu (EBRD) đã thiết lập năm 1991 để hỗ trợ các quốc gia Trung và Đông Âu.

Sự đồng cảm này đã giúp chính quyền Kim Jong-un tiến hành cải cách kinh tế, chí ít là giữa một số quốc gia Trung và Đông Âu đã nhờ vào sự trợ giúp của EBRD để tồn tại cùng chủ nghĩa cộng sản.

Các nhà lãnh đạo chính trị và doanh nhân ở các nước này cũng đang tiến hành cải cách kinh tế với việc từ bỏ nền kinh tế kế hoạch tập trung để chuyển sang kinh tế thị trường.

Họ hiểu rằng đó hoàn toàn không phải là một sự chuyển đổi dễ dàng đồng thời biết rõ rằng sự hỗ trợ từ bên ngoài, ban đầu là từ EBRD và hiện là từ EU, sẽ là một hành trình dài để giúp quá trình chuyển đổi hoàn tất.

Thêm vào đó, "nhân tố Donald Trump" và những vấn đề mà một tổng thống Mỹ tính khí thất thường tạo ra cho châu Âu cũng đã có những tác động nhất định đến những người hoạch định chính sách và các nhà ngoại giao đặc trách vấn đề Triều Tiên trên toàn thế giới. EU, Pháp, Đức và Anh đã mất nhiều năm để có được một thỏa thuận hạt nhân với Iran.

Trên khắp châu Âu, thỏa thuận này được xem như một thành quả ngoại giao to lớn của EU. Vì vậy, quyết định đơn phương rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran của chính quyền Trump đã tạo một làn sóng giận dữ thực sự ở khắp châu Âu.

Sự không hài lòng hay nói cho đúng hơn là hành động tẩy chay chính sách đối ngoại của Trump đã làm bùng nổ cuộc chiến tranh thương mại giữa Mỹ và EU cũng như việc Trump đe dọa rút khỏi Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

Trong suốt năm 2017, EU đã sử dụng mọi nguồn lực tài chính, kinh tế, chính trị để hỗ trợ chiến lược "gây sức ép tối đa" của Mỹ. Giờ đây, EU cần tập trung vào mối đe dọa từ Nga, sự mất ổn định ở Bắc Phi hoặc đối phó với Trung Quốc hơn là ủng hộ Donald Trump, người được cho là đang muốn EU tan rã.

Cuộc tranh cãi trong nội bộ châu Âu đang lên tới "đỉnh điểm" khi Brussels chuẩn bị tổ chức cuộc gặp thượng đỉnh EU-Hàn Quốc lần thứ 9 nhân kỷ niệm 55 năm ngày hai bên thiết lập quan hệ ngoại giao.

Đây là cuộc gặp thượng đỉnh đầu tiên giữa hai bên kể từ khi ông Moon Jae-in trở thành tổng thống. Mặc dù EU dường như không muốn có sự thay đổi về lập trường liên quan đến các lệnh trừng phạt nhằm vào Triều Tiên ít nhất là cho đến thời thời điểm hiện tại nhưng trong một vài tháng tới có thể sẽ khác.

Với những bước đi cụ thể tiến tới phi hạt nhân hóa sẽ khiến EU không thể từ chối việc gỡ bỏ lệnh trừng phạt đối với Triều Tiên. Hơn nữa, những thành quả có được của mối quan hệ liên Triều, cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều lần thứ hai, viễn cảnh Kim Jong-un tới Seoul và một tuyên bố hòa bình sẽ có thể góp phần xóa bỏ những tranh cãi trong nội bộ châu Âu hiện nay.

Động thái tích cực của nền kinh tế thứ hai thế giới và những thành quả ngoại giao có thể sẽ góp phần thúc đẩy sự cải thiện mối quan hệ giữa hai miền Triều Tiên./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục