Lý do Mỹ và EU nên thiết lập mối quan hệ hợp tác với Nga

Theo bài báo đăng trên Tạp chí chính trị Cicero, việc phải đối mặt với một liên minh vững chắc giữa Nga và Trung Quốc sẽ nằm ngoài khả năng sức mạnh của Mỹ và EU
Lý do Mỹ và EU nên thiết lập mối quan hệ hợp tác với Nga ảnh 1Tổng thống Nga Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. (Ảnh: Global Look Press)

Tạp chí chính trị Cicero mới đây đăng bài phân tích mang tựa đề “Liên minh Nga-Trung - Lời cảnh báo địa chính trị."

Nội dung chính như sau:

Mối quan hệ hợp tác gần gũi giữa Trung Quốc và Nga giờ đây chặt chẽ hơn nhiều so với nhận thức của phương Tây. Vì lợi ích chung, cả Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) phải thiết lập một mối quan hệ tốt đẹp hơn với Moskva. 

Ngày nay, Trung Quốc đang vươn lên một cách mạnh mẽ và sẽ sớm trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Giờ đây, nước này đã trở thành một đối thủ mang tính hệ thống của phương Tây. Bắc Kinh ngày càng tỏ ra tự tin trong chính sách đối ngoại, các yêu sách địa chính trị của họ đang gióng lên hồi chuông cảnh báo về một cuộc xung đột quân sự với Mỹ.

Nhà khoa học chính trị Graham Allison của trường Đại học Harvard (Mỹ) coi sự cạnh tranh này gần như là tự động phát triển thành một cuộc chiến tranh (như trình bày trong cuốn sách “Định mệnh chiến tranh” của ông).

Những năm gần đây, Trung Quốc và Nga đã liên tục xích lại gần nhau hơn. Trong chuyến thăm tới Moskva hồi năm ngoái, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhấn mạnh rằng ông đã gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin gần 30 lần trong 6 năm qua, đồng thời mô tả ông chủ Điện Kremlin là “người bạn tốt nhất” của mình.

Ông Tập Cận Bình nhấn mạnh rằng Moskva và Bắc Kinh đang hợp tác chặt chẽ hơn bao giờ hết. Sự hợp tác chiến lược này sẽ làm thất bại mọi nỗ lực chia rẽ hai nước.

Tấn công đồng USD

Trung Quốc và Nga đã phối hợp chặt chẽ trong việc làm suy yếu vai trò của đồng USD với tư cách là đồng tiền dự trữ chủ đạo của thế giới. Bắc Kinh có tham vọng đưa đồng nhân dân tệ của mình trở thành đồng tiền chủ đạo trên thị trường toàn cầu trong dài hạn, trong khi Moskva lại đang cố gắng né tránh các lệnh trừng phạt mà Mỹ đã nhiều lần áp đặt đối với nước này.

Các hợp đồng cung cấp dầu mỏ dài hạn mà Nga đã ký với Trung Quốc được thanh toán bằng đồng nhân dân tệ, giúp Nga tránh được việc giao dịch bằng đồng USD vốn đã được thiết lập từ lâu trên thị trường dầu mỏ.

Hiện tại, hơn 50% giao dịch thương mại song phương Nga-Trung được thanh toán bằng các đơn vị tiền tệ không phải đồng USD.

[Quan hệ Nga-Trung Quốc: Củng cố đối tác cũ trước thách thức mới]

Mối quan hệ hợp tác giữa Moskva và Bắc Kinh đang phát triển rất năng động trong lĩnh vực năng lượng - lĩnh vực mà Putin đã tìm được đối tác chiến lược mới sau khi phương Tây ra sức trừng phạt Nga do quá trình sáp nhập bán đảo Crimea.

Năm năm sau sự kiện này, đường ống dẫn khí siêu lớn “Sức mạnh Siberia” đã đi vào hoạt động. Đường ống này sẽ cung cấp khí đốt từ Nga tới Trung Quốc trong vòng 30 năm tới. Một đường ống thứ hai xuyên qua dãy núi Altai cũng có thể sớm được triển khai xây dựng.

Ngoài ra, Trung Quốc hiện nắm giữ 20% cổ phần của tập đoàn khí hóa lỏng Novatec của Nga và 9,9% cổ phần tiếp theo của tập đoàn này cũng thuộc sở hữu của quỹ “Con đường tơ lụa” của Trung Quốc.

Các biện pháp trừng phạt của phương Tây cũng khuyến khích Trung Quốc và Nga hợp tác chặt chẽ trong lĩnh vực công nghệ. Thông qua việc hợp tác này, Trung Quốc có thể giải tỏa “cơn khát công nghệ” gần như vô tận của mình, đặc biệt là những công nghệ lưỡng dụng cả lĩnh vực dân sự và quân sự. Đồng thời, các doanh nghiệp Trung Quốc như Huawei hay Alibaba đều đang tích cực mở rộng hoạt động tại địa bàn Nga.

Trung Quốc coi Nga là một nhân tố thiết yếu của cái gọi là “thái bình dưới trướng Trung Quốc” (Pax Sinica) trong lĩnh vực kỹ thuật số.

Trong báo cáo mới nhất về đánh giá rủi ro đối với quốc gia, Cơ quan tình báo trung ương Mỹ (CIA) đã đề cập đến mối đe dọa tấn công mạng từ Nga và Trung Quốc, như các cuộc tấn công gần đây nhằm vào các doanh nghiệp Mỹ Solarwinds và Microsoft. Các cuộc tấn công này là mối đe dọa thường trực đối với các cơ sở hạ tầng quan trọng của phương Tây.

Dự án chung mới nhất của Nga và Trung Quốc là dự án xây dựng một trạm vũ trụ quốc tế chung trên Mặt Trăng. Tại Bắc cực, do tác động của biến đổi khí hậu làm băng tan, các tuyến đường vận tải biển mới đang dần hình thành, điều này truyền cảm hứng cho sự hợp tác địa chính trị và quân sự giữa Nga và Trung Quốc.

Nên cân bằng mối quan hệ với Moskva

Phương Tây cần phải tìm kiếm mối quan hệ hợp tác với Nga, như đã từng làm với Trung Quốc năm 1972.

Quan điểm này hiện cũng đang nhận được nhiều ý kiến đồng thuận từ Washington. Một ví dụ cho điều này đó là chỉ vài ngày sau khi Tổng thống Joe Biden chính thức nhậm chức, Hội đồng Đại Tây Dương của Mỹ đã công bố một tài liệu có tựa đề "Bức điện dài hơn" (ám chỉ tài liệu mang tên "Bức điện dài" của George Kennan từ năm 1946, nói về chính sách của Mỹ đối với Liên Xô).

Tài liệu này đã nhận được sự quan tâm rất lớn ở Washington. Tài liệu này đưa ra lời tư vấn dành cho Tổng thống Joe Biden, đó là Washington nên cân bằng lại quan hệ với Moskva.

Moskva cũng có thể có thái độ tích cực đối với chính sách này của Washington bởi vì bản chất quan hệ với Bắc Kinh phức tạp hơn nhiều so với những biểu hiện bề ngoài về tình hữu nghị và sự chia sẻ.

Bất kỳ ai có hiểu biết về quan hệ hợp tác giữa Nga và Trung Quốc trên thực tế đều biết rằng Nga cảm thấy gần gũi với châu Âu hơn là với đối tác châu Á này.

Trung Quốc nỗ lực tìm kiếm vị trí lãnh đạo toàn cầu

Về mặt địa chính trị, Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh khó chịu của Nga trong khu vực ảnh hưởng truyền thống của Moskva.

Từ lâu, các quốc gia Trung Á đã trở thành ví dụ điển hình cho điều này. Gần đây nhất là Ukraine - nơi Bắc Kinh liên tục tận dụng tình hình chính trị bất ổn của Kiev để mở rộng tầm ảnh hưởng và phạm vi hoạt động của mình.

Rõ ràng,Trung Quốc không coi Nga là một đối tác bình đẳng, mà chỉ là một đối tác chính trong mạng lưới các mối quan hệ xung quanh, nhằm hỗ trợ Trung Quốc trên con đường hướng tới vị trí lãnh đạo toàn cầu. Việc Nga trở lại với truyền thống hướng về châu Âu sẽ mang lại lợi ích cho EU, nhưng đồng thời cũng mang lại lợi ích cho chính nước Nga.

Tổng thống Joe Biden và Tổng thống Vladimir Putin sẽ sớm gặp nhau trong một hội nghị thượng đỉnh quan trọng, tương tự như hội nghị giữa Tổng thống Mỹ Ronald Reagan và Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô Mikhail Gorbachev vào năm 1986 từng đặt nền móng cho việc giảm căng thẳng, giải trừ quân bị và xây dựng lòng tin toàn diện giữa hai bên.

Trung Quốc ngày càng trở nên hùng mạnh hơn. Việc phải đối mặt với một liên minh vững chắc giữa Moskva và Bắc Kinh sẽ nằm ngoài khả năng sức mạnh của Mỹ và EU./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục