Vắcxin ngừa COVID-19: Mặt trận mới ở Trung Đông của Nga và Trung Quốc

Dịch COVID-19 mở ra một mặt trận mới giữa Nga-Trung và các nước phương Tây ở Trung Đông - nơi Moskva và Bắc Kinh đang nỗ lực mở rộng ảnh hưởng kể từ khi Washington thu hẹp can dự những năm gần đây.
Vắcxin ngừa COVID-19: Mặt trận mới ở Trung Đông của Nga và Trung Quốc ảnh 1Vắcxin phòng COVID-19 của AstraZeneca/Oxford. (Ảnh: PAP/TTXVN)

Theo mạng tin Themedialine, đại dịch COVID-19 đã mở ra một mặt trận mới giữa Nga, Trung Quốc và các nước phương Tây tại Trung Đông - nơi Moskva và Bắc Kinh đang nỗ lực mở rộng ảnh hưởng kể từ khi Washington thu hẹp can dự trong những năm gần đây.

Mục tiêu của trận chiến mới là bán vắcxin cho các nước trong khu vực.

Chính sách đối ngoại của các bên tham gia, bao gồm cả bên cung cấp và bên nhận vắcxin, đang được định hướng nhằm vào vắcxin. Ở một số quốc gia Trung Đông, sử dụng loại vắcxin nào chỉ là bước khởi đầu của các quyết định chính trị liên quan đến việc tiêm vắcxin cho người dân.

Trong bối cảnh vắcxin phòng COVID-19 chắc chắn không đủ cho mọi quốc gia, các tổ chức y tế toàn cầu đã lên tiếng cảnh báo về khả năng các nước nghèo sẽ bị bỏ lại phía sau. Chẳng hạn, Yemen và Syria sẽ phải gần như dựa hoàn toàn vào Covax, một sáng kiến được khởi động vào năm ngoái bởi các tổ chức đa quốc gia, trong đó có Liên minh vắcxin (Gavi), Liên minh Đổi mới phòng chống dịch bệnh, và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).

Cuối tuần trước, Gavi đã công bố một kế hoạch phân phối hơn 330 triệu liều vắcxin Oxford-AstraZeneca của Anh và Thụy Điển cho các quốc gia đang phát triển trong nửa đầu năm 2021. Covax dự kiến trong quý 1 vừa qua cũng sẽ cung cấp cho các nước nghèo 1,2 triệu liều vắcxin Pfizer-BioNTech do Mỹ sản xuất.

Người phát ngôn của Gavi cho biết: “Quá trình phân phối gần 150 triệu liều vắcxin Pfizer và AstraZeneca sớm nhất là trong quý 1 do sự thuận lợi về các quy định và hệ thống y tế và quản lý tại các nước tiếp nhận cũng đã sẵn sàng.”

Vắcxin Oxford-AstraZeneca vẫn đang trong quá trình đợi phê duyệt. Các nhà thầu sản xuất SK Bioscience của Hàn Quốc và Viện Huyết thanh của Ấn Độ cũng đang đợi để được cấp phép tham gia. Tuy nhiên, hiện Yemen đã có kế hoạch nhận 2.316.000 liều từ SK Bioscience trong nửa đầu năm 2021.

[Vắcxin ngừa COVID-19 đặt ra những thách thức hậu cần]

Abdulghani al-Iryani, một nhà nghiên cứu cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Sana’a, nói rằng Yemen sẽ chấp nhận hết, bởi tiền vắcxin là do Covax trả. Việc phê duyệt sẽ không thành vấn đề, không liên quan đến thẩm định kỹ thuật mà chỉ là về thủ tục giấy tờ. “Nếu WHO nói rằng vắcxin này tốt, chính phủ Yemen sẽ sử dụng nó,” ông nói.

Afghanistan và Syria, hai quốc gia đang được Covax xem xét tài trợ mua vắcxin, dự kiến sẽ nhận tương ứng hơn 3 triệu liều và 1 triệu liều vắcxin của SK Bioscience trong nửa đầu năm nay. Trong khi đó, Iraq và Iran dự kiến cũng sẽ nhận vắcxin AstraZeneca do Ấn Độ sản xuất, bao gồm trên 2 triệu liều cho Baghdad và hơn 4,2 triệu liều cho Tehran. Đó là nói về vắcxin do phương Tây sản xuất. Với Trung Quốc và Nga, hai loại vắcxin đang được nỗ lực quảng bá là Sinopharm và Sputnik V.

Theo chuyên gia Galia Lavi thuộc Viện Nghiên cứu An ninh Quốc gia (INSS) ở Tel Aviv, Trung Quốc đã bán và tài trợ vắcxin cho các quốc gia Trung Đông và Bắc Phi (MENA). Hiện đã có Ai Cập đang tiêm chủng COVID-19 sử dụng vắcxin Sinopharm, trong khi Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, Bahrain, Iraq, Jordan và Thổ Nhĩ Kỳ đều đã "bật đèn xanh" cho loại vắcxin này.

Chuyên gia Lavi tin rằng thông qua vắcxin, Bắc Kinh đang đặt mục tiêu dài hạn tăng cường ảnh hưởng trong khu vực. Bà nói: “Trung Quốc muốn cải thiện hình ảnh bị ảnh hưởng bởi sự bùng phát COVID-19 và phản ứng chậm của họ, đồng thời tăng cường kết nối với các quốc gia trong khu vực này… Trong tương lai, Trung Quốc hy vọng những quốc gia đó sẽ ghi nhớ ai đã giúp họ và hỗ trợ Trung Quốc trong các vấn đề quan trọng đối với Bắc Kinh.”

Trong khi đó, Zvi Magen - một thành viên cấp cao của INSS và là cựu đại sứ Israel tại Nga- mô tả vắcxin Sputnik V của Nga là một trong những "đồ chơi cho chính sách đối ngoại," được sử dụng để tìm kiếm sự ủng hộ của các nước. Ông nói: “Cho dù là công nghệ, vũ khí hay vắcxin, tất cả đều có mẫu số chung là hàng hóa mà Nga có thể cung cấp và chúng quan trọng đối với hình ảnh và mối quan hệ của Nga với các quốc gia khác đó.”

Cũng giống như Trung Quốc, vắcxin của Nga nói chung không được tin dùng ở phương Tây. Do vậy, các nước MENA như Iran và Syria là những thị trường quan trọng.”

Iran đã phê duyệt vắcxin Sputnik V, tất nhiên còn có lý do nhà Lãnh tụ tối cao Ali Khamenei đã cấm sử dụng vắcxin của Mỹ và Anh. Arash Azizi, một nhà nghiên cứu tại Đại học New York và là tác giả của cuốn “Nhà tư lệnh trong bóng tối: Soleimani, Mỹ và tham vọng toàn cầu của Iran,” cho rằng các lệnh trừng phạt là một lý do khiến Iran không chấp nhận vắcxin do Mỹ sản xuất, nhưng việc ông Khamenei từ chối dù phải trả giá bằng mạng sống của người dân là một dấu hiệu nữa cho thấy người dân Iran có thể lo sợ chính phủ không quan tâm đến họ.

Vắcxin ngừa COVID-19: Mặt trận mới ở Trung Đông của Nga và Trung Quốc ảnh 2Ảnh minh họa (Nguồn: AFP/TTXVN)

Iran là một trong những nước bị ảnh hưởng sớm và nặng nề bởi đại dịch COVID-19. Chuyên gia Azizi cho rằng xã hội Iran bị tác động bởi sự hợp tác chặt chẽ giữa Tehran và Moskva trong cuộc nội chiến Syria, vì Syria là một quốc gia có ảnh hưởng ở Trung Đông và đã mời Nga can thiệp vào lãnh thổ của mình.

“Điều này cho thấy các thành phần trong cả ban lãnh đạo Iran và Nga đều có mong muốn xích lại gần nhau hơn trong một số mặt trận chống phương Tây. Nhưng mối quan hệ này cũng luôn đầy mâu thuẫn”. Ông Azizi lấy ví dụ Nga cũng có quan hệ chặt chẽ với Israel và đã làm ngơ khi Israel tấn công các mục tiêu của Iran ở Syria.

Iran không gần gũi với Trung Quốc như với Nga. Bắc Kinh đã cam kết đầu tư vào Iran nhưng không thực hiện được nhiều như những gì họ đã hứa. “Nền kinh tế của Trung Quốc thuộc top đầu thế giới. Kinh tế Iran lại rất khó khăn do các biện pháp cấm vận".

Chuyên gia Azizi cho rằng đây không phải là một mối quan hệ bình đẳng. Do sự phụ thuộc vào kinh tế Mỹ, “Trung Quốc sẽ không bao giờ ưu tiên mối quan hệ với Iran hơn mối quan hệ với Mỹ.”

Iraq đã phê duyệt vắcxin của Trung Quốc, đồng thời cũng phê duyệt vắcxin Pfizer của Mỹ và Oxford-AstraZeneca của Anh-Thụy Điển. Một nhà phân tích chính trị người Iraq đề nghị giấu tên cho biết Iraq không kén chọn nhà sản xuất vắcxin. “Pfizer đã được sử dụng và thử nghiệm và chính phủ Iraq đã mở cửa cho tất cả các lựa chọn vắcxin. Ai sẵn sàng giao hàng là chúng tôi sẽ chọn,” chuyên gia này nói.

Iraq bị kẹt trong cuộc tranh giành giữa Nga, Trung Quốc và phương Tây. Năm 2019, người dân Iraq đã biểu tình phản đối ảnh hưởng của Iran. Tất nhiên, Baghdad cũng bị ảnh hưởng của Washington sau cuộc xâm lược năm 2003.

Chuyên gia trên nhận định: Nga, Trung Quốc, Iran là một nhóm, nhóm còn lại là Mỹ và phương Tây. Một trong những vấn đề chính ở Iraq là họ không có bản sắc, hoặc là nghiêng về Iran vì Iran hợp tác với và Trung Quốc và Nga về mọi mặt, hoặc là nghiêng về Mỹ. Lựa chọn nào cũng dở./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục