Số ca tử vong ở Iran cao nhất Trung Đông, Đức cách ly 300.000 học sinh

Iran hiện có 40.121 ca mắc COVID-19 - mức cao nhất tại Trung Đông trong khi đó tình hình dịch bệnh tại các trường học ở Đức đang ở mức đáng báo động khi hiện có trên 300.000 học sinh phải cách ly.
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Mashhad, Iran. (Ảnh: THX/ TTXVN)
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Mashhad, Iran. (Ảnh: THX/ TTXVN)

Ngày 12/11, Bộ Y tế Iran thông báo số ca tử vong do bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 ở nước này đã tăng thêm 457 ca trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca tử vong ở nước này lên 40.121 ca, mức cao nhất tại Trung Đông.

Iran cũng ghi nhận thêm 11.517 ca mắc mới, nâng tổng số ca mắc COVID-19 ở nước này lên 726.585 ca.

Cùng ngày, Croatia thông báo số ca nhiễm mới trong 24 giờ qua tăng ở mức cao nhất kể từ khi dịch bệnh bùng phát hồi tháng Ba - với 3.082 ca. Tuy nhiên, Thủ tướng Andrej Plenkovic cho rằng nhìn chung tỷ lệ gia tăng số ca nhiễm hiện đang chậm lại.

Phát biểu tại cuộc họp nội các, ông thừa nhận Croatia đang trong giai đoạn dịch bệnh khó khăn nhất, song nước này chứng kiến sự gia tăng số ca nhiễm mới đang chậm lại. Ông cũng kêu gọi người dân tuân thủ các quy định phòng chống dịch bệnh.

Hiện nay, người dân Croatia bắt buộc phải đeo khẩu trang tại những không gian công cộng trong nhà và trên các phương tiện giao thông công cộng. Các công ty được khuyến cao nên cho nhân viên làm việc ở nhà.

Chính phủ Croatia đang cố gắng để không phải áp đặt một lệnh phong tỏa hay lệnh giới nghiêm nhằm tránh tác động tiêu cực tới nền kinh tế. Hiện Croatia có tổng cộng 75.922 bệnh nhân COVID-19, trong đó có 925 người đã tử vong.

Trong khi đó, tại Đức, tình hình dịch bệnh tại các trường học đang ở mức đáng báo động khi hiện có trên 300.000 học sinh phải cách ly, tăng mạnh so với 50.000 học sinh ghi nhận hồi cuối tháng 9/2020.

Thông báo của Hiệp hội Giáo viên Đức cho biết số học sinh phải cách ly ở Đức do COVID-19 đã tăng mạnh, trong đó riêng bang Nordrhein-Westfalen đã có khoảng 50.000 em, trong khi hiện cũng có tới khoảng 30.000 giáo viên phải cách ly. Hậu quả là ngày càng có nhiều lớp học, khối học và trường học phải đóng cửa.

[Đức đánh giá dịch bệnh COVID-19 có chiều hướng suy giảm]

Chủ tịch Hiệp hội Giáo viên Đức Heiz-Peter Meidinger cho biết các trường học ở nước này đang trải qua việc đóng cửa theo dạng "lát cắt salami," đồng thời nhận định còn tồn tại nhiều kẽ hở trong công tác phòng dịch ở các trường học trong khi các biện pháp phòng dịch hiện nay chưa đủ hiệu quả để có thể ngăn chặn dịch bệnh lây lan.

Ông hy vọng có thể tránh việc đóng cửa trường học nếu tăng cường hơn nữa các biện pháp phòng ngừa, trong đó việc đeo khẩu trang và tuân thủ quy định về giữ khoảng cách như việc giảm một nửa số lớp và học theo ca.

Bộ trưởng Giáo dục liên bang Anja Karliczek ủng hộ việc yêu cầu học sinh đeo khẩu trang trong lớp học ở tất cả các trường, kể cả trường tiểu học. Đây cũng sẽ là một trong các nội dung được Thủ tướng Angela Merkel và thủ hiến các bang thảo luận trong cuộc họp trực tuyến vào đầu tuần tới.

Trong khi đó, Chủ tịch Hiệp hội Giáo dục và Đào tạo Đức Udo Beckmann cho rằng cần có quy định rõ ràng và minh bạch liên quan việc mắc COVID-19 tại trường học.

Theo ông, quy định hiện nay áp dụng rất khác nhau, ví dụ như một học sinh có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 thì có trường cho học sinh lớp đó nghỉ và cách ly, trong khi có trường chỉ yêu cầu học sinh ngồi cạnh phải nghỉ cách ly. Do vậy, Đức cần có quy định thống nhất trên cả nước về thời gian và đối tượng phải cách ly khi có học sinh mắc bệnh.

Số ca tử vong ở Iran cao nhất Trung Đông, Đức cách ly 300.000 học sinh ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: DPA)

Ngày 11/11, Thủ tướng Merkel cảnh báo nước Đức sẽ phải đối mặt với một mùa Đông khó khăn khi làn sóng lây nhiễm thứ hai bùng phát mạnh, nhấn mạnh rằng chỉ có đoàn kết chung tay chống dịch mới có thể kiểm soát được khủng hoảng.

Bà cho rằng những thông tin khả quan về phát triển vắcxin phòng ngừa COVID-19 vừa được công bố cũng sẽ không giúp cải thiện tình hình hiện nay và trong mùa Đông này, đồng thời kêu gọi người dân nghiêm túc tuân thủ các biện pháp phòng dịch.

Trong khi đó, Bộ trưởng Y tế Đức Jens Spahn cho biết các biện pháp hạn chế được áp đặt nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan có thể sẽ tiếp tục có hiệu lực cho đến hết mùa Đông, với các hoạt động sinh hoạt chưa thể trở lại bình thường vào tháng 12/2020 hay tháng 1/2021 ngay cả khi số ca nhiễm mới giảm.

Theo Viện Robert Koch (RKI), trong 24 giờ qua, Đức lại ghi nhận thêm 21.866 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca bệnh ở nước này lên trên 725.500 ca. Hãng hàng không Đức Lufthansa cùng ngày thông báo đã bắt đầu thử nghiệm tiến hành xét nghiệm nhanh COVID-19 cho tất cả hành khách./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục