Tình hình dịch COVID-19 sáng 12/11: Thế giới có trên 52,4 triệu ca mắc

Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất vẫn là Mỹ với 247.290 ca tử vong, trong khi số ca nhiễm là 10.705.362 ca. Tiếp đó là Ấn Độ với 128.164 ca tử vong trong số 8.684.039 ca bệnh.
Tình hình dịch COVID-19 sáng 12/11: Thế giới có trên 52,4 triệu ca mắc ảnh 1Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Melbourne, Victoria, Australia, ngày 19/10/2020. (Nguồn: THX/TTXVN)

Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 8h00 ngày 12/11 (giờ Việt Nam), toàn thế giới đã ghi nhận 52.418.482 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, trong đó có 1.288.787 ca tử vong.

Số ca được điều trị khỏi bệnh là 36.663.581 người.

Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất vẫn là Mỹ với 247.290 ca tử vong, trong khi số ca nhiễm là 10.705.362 ca. Tiếp đó là Ấn Độ với 128.164 ca tử vong trong số 8.684.039 ca bệnh. Brazil đứng thứ 3 với 163.406 ca tử vong trong số 5.749.007 bệnh nhân.

Xét trên tỷ lệ dân số, Bỉ là quốc gia bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất, theo đó cứ 100.000 người dân thì có 117 người không qua khỏi. Tiếp đến là Peru (với tỷ lệ 106 người), Tây Ban Nha - 85 người và Brazil - 77 người.

Xét theo khu vực, châu Âu đang là tâm dịch của thế giới với hơn 13,4 triệu người mắc COVID-19, trong đó có hơn 316.000 ca tử vong. Mỹ Latinh và Caribe là khu vực bị ảnh hưởng nghiêm trọng thứ hai thế giới, với hơn 415.000 ca tử vong trong hơn 11,7 triệu ca nhiễm.

Trong khi đó, Bắc Mỹ có khoảng 251.000 ca tử vong trong hơn 10,5 triệu ca nhiễm. Châu Á có gần 179.000 ca tử vong trong hơn 11,1 triệu ca nhiễm; Trung Đông ghi nhận hơn 66.300 ca tử vong; châu Phi - gần 46.000 ca tử vong, và số ca tử vong do COVID-19 tại châu Đại Dương là hơn 1.000 ca.

[Các quốc gia tiếp tục các nỗ lực phòng, chống và điều trị COVID-19]

Ngày 11/11, Chính phủ Argentina thông báo Tổng thống nước này Alberto Fernandez đã buộc phải thực hiện quy trình cách ly bắt buộc sau khi Quốc vụ khách phụ trách các vấn đề chiến lược của Văn phòng Tổng thống - ông Gustavo Beliz bị nhiễm SARS-CoV-2 từ một người thân trong gia đình.

Trước khi xuất hiện triệu chứng và phải làm xét nghiệm, ông Beliz đã cùng Tổng thống Fernandez tham gia chuyến công tác tới tỉnh biên giới Jujuy.

Tình hình dịch COVID-19 sáng 12/11: Thế giới có trên 52,4 triệu ca mắc ảnh 2Vắcxin ngừa COVID-19 do hãng Pfizer (Mỹ) phát triển. (Nguồn: Reuter/TTXVN)

Kết quả xét nghiệm lần đầu được thực hiện ngay trong ngày đối với Tổng thống Fernandez đã cho kết quả âm tính, song theo quy định ông vẫn phải cách ly trong 14 ngày và tiếp tục các xét nghiệm mới trong những ngày tới.

Cùng phải thực hiện quy trình cách ly phòng ngừa còn có Ngoại trưởng Felipe Sola, Bộ trưởng Nội vụ Eduardo de Pedro, Bộ trưởng Phụ nữ Elizabeth Gomez Alcorta, Bộ trưởng Văn hóa Tristan Bauer, Tổng thư ký Phủ Tổng thống Julio Vitobello và Quốc vụ khanh phụ trách truyền thông Juan Pablo Biondi.

Tại Mỹ, thêm một nhân viên Nhà Trắng có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2. Theo đài CNN và tờ New York Times, Giám đốc phụ trách các vấn đề chính trị của Nhà Trắng, ông Brian Jack đã được chẩn đoán mắc COVID-19 vào cuối tuần qua, sau khi ông tham dự một sự kiện trong Ngày Bầu cử 3/11 tại Nhà Trắng.

Theo tờ New York Times, một cố vấn khác cũng dương tính với SARS-CoV-2, song không xác định danh tính người này cũng như liệu quan chức này có tham dự các sự kiện đêm bầu cử tại Nhà Trắng hay không.

Chính quyền bang New York sẽ chính thức áp lệnh giới nghiêm vào 22h hàng ngày đối với các phòng tập thể thao, quán bar, nhà hàng có phục vụ rượu kể từ ngày 13/11.

Quyết định trên được Thống đốc Andrew Cuomo đưa ra sau khi số ca mắc COVID-19 tiếp tục gia tăng trên khắp bang và số ca tử vong vì dịch trong ngày 10/11 là 21 ca.

Tại châu Á, Bộ Y tế Malaysia cảnh báo hệ thống y tế nước này có nguy cơ sụp đổ nếu số ca mắc mới hằng ngày tiếp tục tăng ở mức 3-4 con số. Trong ngày 11/11, Malaysia ghi nhận 822 ca mắc COVID-19 mới.

Như vậy, trong 4 ngày qua, số ca nhiễm mới ở nước này đã giảm từ mức 4 con số, duy trì ở mức 3 con số. Tuy nhiên, tiêu điểm đã chuyển hướng từ bang Sabah ở miền Đông sang các bang thuộc khu vực Tây Malaysia.

Cụ thể, trong 822 ca nhiễm mới ngày 11/11, chỉ có 259 ca ở bang Sabah, nhưng số ca nhiễm tại các bang thuộc khu vực Tây Malaysia lên tới 550, bao gồm 403 ca phát hiện ở 2 bang Selangor và Nigeri Sembilan.

Tại châu Phi, Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa quyết định gia hạn tình trạng thảm họa quốc gia đến ngày 15/12 tới nhằm tiếp tục duy trì các quy định và biện pháp cần thiết trong cuộc chiến chống dịch COVID-19.

Ông Ramaphosa cũng thông báo quyết định kéo dài hoạt động của Quỹ COVID-19 quốc gia cho đến hết tháng 1/2021, qua đó tiếp tục duy trì việc cung cấp thực phẩm miễn phí cho khoảng 6 triệu người thất nghiệp tại nước này.

Liên quan các biện pháp ứng phó với dịch COVID-19 trước nguy cơ có thể xảy ra làn sóng dịch thứ 2, ông Ramaphosa cho biết Nam Phi đang phối hợp với Tổ chức Y tế thế giới (WHO) xây dựng kế hoạch ngăn chặn nguy cơ dịch tái bùng phát, trong đó bao gồm việc lập các đội phản ứng nhanh do WHO điều hành.

Theo kế hoạch này, các đội phản ứng nhanh sẽ đóng vai trò tăng cường cho đội ngũ y tế sở tại trong việc truy dấu tiếp xúc, củng cố năng lực tiếp nhận của các cơ sở y tế, đặc biệt là khả năng ứng phó nhanh và hiệu quả trong việc dập các ổ dịch mới bùng phát. Tính đến hết ngày 11/11, Nam Phi có 742.394 ca mắc COVID-19, trong đó bao gồm 20.011 trường hợp tử vong.

Tuy nhiên, 92% bệnh nhân nhiễm virus SARS-CoV-2 tại nước này đã khỏi bệnh, qua đó đưa Nam Phi vào danh sách các quốc gia có tỷ lệ bệnh nhân COVID-19 hồi phục cao nhất thế giới.

Tại châu Âu, sau gần 10 tháng ban bố tình trạng khẩn cấp kể từ ngày 31/1, tổng số ca mắc COVID-19 tại Italy đã lên đến 1.028.424 trường hợp, trong đó ghi nhận 42.953 ca tử vong.

Bộ Y tế Italy ngày 11/11 công bố số ca mắc COVID-19 mới trong 24 giờ qua là 32.961, nâng tổng số ca mắc COVID-19 tại nước này lên 1.028.424 trường hợp. Trong đó, số ca tử vong tăng thêm 623 người trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca tử vong lên 42.953 trường hợp. Số bệnh nhân được chăm sóc tích cực hiện là 3.081 ca, so với giai đoạn đỉnh điểm tháng 3-4 là 4.068 trường hợp.

Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, giới y bác sĩ Italy cho rằng tình hình hiện đang rất nguy cấp. Trong một thư ngỏ, các y bác sỹ cảnh báo: “Các bệnh viện đang gần như sụp đổ do thiếu nhân viên, thiếu giường bệnh trước tình trạng số lượng bệnh nhân tăng bất thường và tình hình lây nhiễm COVID-19 gia tăng nhanh chóng.”

Liên quan vắcxin phòng COVID-19, Cơ quan giám sát dịch tễ quốc gia Brazil (Anvisa) ngày 11/11 thông báo cho phép nối lại công tác thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 đối với loại vắcxin tiềm năng do hãng dược Sinovac của Trung Quốc sản xuất. Quyết định trên được đưa ra 2 ngày sau khi tuyên bố đình chỉ chương trình thử nghiệm này do một tình nguyện viên “gặp sự cố nghiêm trọng” hôm 29/10.

Thông cáo của Anvisa cho biết nguyên nhân cái chết của tình nguyện viên đã được xác định là tự tử và không liên quan đến loại vắcxin đang được thử nghiệm.

Cơ quan quản lý y tế Brazil giải thích họ đã không được thông báo về nguyên nhân tử vong của tình nguyện viên khi đưa ra quyết định, và chỉ được trung tâm y sinh Butatan, đơn vị đang tiến hành thử nghiệm loại vắcxin trên, cung cấp chi tiết vào ngày hôm sau. Anvisa nhấn mạnh, sau khi đánh giá các dữ liệu mới được nhà tài trợ trình bày, cơ quan này cho rằng có đầy đủ lý do để tiếp tục cho phép chương trình thử nghiệm tiêm chủng.

Hiện vắcxin CoronaVac của hãng dược Sinovac đang được thử nghiệm giai đoạn 3 tại Brazil, Thổ Nhĩ Kỳ, Bangladesh, Indonesia và Trung Quốc./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục