Malaysia có thể sản xuất đầu máy xe lửa vào năm 2020

Công ty đầu máy xe lửa của Trung Quốc sẽ chuyển giao công nghệ cho Malaysia để nước này có thể tự sản xuất đầu máy vào 2020.

Ngày 11/11, Công ty đầu máy xe lửa CSR Zhuzhou (thuộc Tập đoàn đầu máy xe lửa Nam Trung Quốc) - một trong những tập đoàn lớn nhất của Trung Quốc về đầu máy xe lửa - sẽ chuyển giao công nghệ, chuyên môn và bí quyết cho Malaysia trong vòng năm năm, và cho biết Malaysia có khả năng tự sản xuất được đầu máy xe lửa vào năm 2020.

Để thực hiện điều này, chi nhánh của CSR Zhuzhou tại Malaysia (Công ty CSR Kuala Lumpur Maintenance-CKM) sẽ trực tiếp chuyển giao công nghệ cho phía Malaysia.

Giám đốc của CKM Luke Wang cho biết, đây là kế hoạch của CSR Zhuzhou nhằm giúp Malaysia đỡ phụ thuộc vào chuyên gia nước ngoài trong việc duy tu và bảo dưỡng tàu hỏa trong thời gian qua.

Ông cho biết: "Điều này không những giúp Malaysia có một lực lượng lao động đủ lớn để duy tu, bảo dưỡng tàu mà còn có thể giúp Malaysia có thể tự sản xuất được đầu máy xe lửa trong tương lai."

CKM hiện đang làm công việc bảo dưỡng, sửa chữa và đại tu cho Công ty xe lửa Keretapi Tanah (KTMB) của Malaysia.

Công ty CKM đã nhận được một hợp đồng hai năm với việc bảo dưỡng, sửa chữa và đại tu tàu với trị giá 133 triệu RM (41 triệu USD).

Ba năm trước, Công ty CSR Zhuzhou, một công ty con của Tập đoàn đầu máy xe lửa Nam Trung Quốc đã ký một hợp đồng trị giá 1,9 tỷ RM với KTMB trong đó cung cấp 38 tàu sáu toa theo đơn đặt hàng riêng.

Ông Wang cho biết Công ty CSR Zhuzhou đang đàm phán với Bộ Giao thông vận tải nhằm gia hạn hợp đồng với MRO sẽ hết hạn vào tháng 2/2014.

Tuy nhiên, Liên hiệp nhân viên đường sắt của người Malaysia (RUM) phản đối bất kỳ hình thức gia hạn nào. Theo RUM, Công ty CSR Zhuzhou hay Công ty CKM đã không tuân thủ các yêu cầu theo chương trình bù đắp đã được thỏa thuận với Cơ quan quản lý về công nghiệp chuyên về công nghệ cao của chính phủ Malaysia (MIGHT).

RUM cho biết: "Hợp đồng yêu cầu Công ty CSR Zhuzhou chuyển giao chuyên môn, công nghệ cho phía Malaysia, tuy nhiên công ty này đã không thực hiện như vậy. Chỉ có 30% nhân viên của Công ty này là người Malaysia và chỉ làm những công việc lặt vặt."

Đáp lại, ông Wang cho biết CKM đã đào tạo những công nhân người bản xứ trong lĩnh vực nghiên cứu và phát triển tàu và gửi từng nhóm đi đào tạo tại Trụ sở chính của công ty tại Zhuzhou, Hồ Nam, Trung Quốc để đào tạo về lắp ráp xe lửa."

Ông cũng cho biết, CKM có 131 nhân viên và 72% là người địa phương và chủ yếu là nhân viên kỹ thuật. Ông cho biết thêm: "Chúng tôi đang hợp tác rất chặt chẽ với MIGHT và cung cấp những chương trình đào tạo dài hạn nhằm chuyển giao những công nghệ về công nghiệp tàu hỏa cho Malaysia"./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục