Với việc nhiên liệu hóa thạch ngày càng cạn kiệt và giá dầu mỏ ngày càng tăng cao, Malaysia đang tính đến việc triển khai sử dụng nhiên liệu sinh học trên toàn quốc như là nguồn năng lượng thay thế ưu tiên.
Kế hoạch sử dụng nhiên liệu sinh học đã thực sự được chính phủ Malaysia khởi động vào năm 2006 khi công bố sẽ cắt giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu dầu mỏ và thay thế nó bằng một loại nhiên liệu bền vững hơn và xanh hơn phù hợp với Công ước Liên hiệp quốc năm 2005 về biến đổi khí hậu toàn cầu.
Cho đến tháng 2/2008, khi giá dầu thô trên thế giới đã vượt ngưỡng 100 USD/thùng, dầu diesel sinh học từ nguồn dầu thực vật, bao gồm dầu cọ, được cho là sự lựa chọn tiếp theo tốt nhất của thế giới để giải quyết tình trạng giá dầu mỏ đắt đỏ. Và tất cả mọi nước đều muốn tham gia phong trào xây dựng nhà máy diesel sinh học.
Tại Malaysia, việc nghiên cứu và phát triển đã được thực hiện trong nước và thử nghiệm trên xe bắt đầu vào năm 2009 với sự tham gia của 3.900 xe từ các cơ quan nhà nước như Hội đồng thành phố Kuala Lumpur và các đơn vị vũ trang.
Tháng Năm năm ngoái, chính phủ Malaysia đã giới thiệu dầu diesel sinh học B5 theo các chặng, bắt đầu với Putrajaya, tiếp theo Malacca, Negeri Sembilan, Kuala Lumpur và Selangor.
B5 về cơ bản là một sự pha trộn 95% dầu mỏ diesel thông thường với 5% dầu diesel sinh học chiếc xuất từ cọ dầu.
Chính phủ Malaysia đã chi 200 triệu RM (65,36 triệu USD) để xây dựng các cơ sở pha trộn dầu mỏ với dầu methyl ester từ cọ trên toàn quốc bắt đầu từ tháng Sáu năm ngoái để khởi động việc bán nhiên liệu xanh sau năm năm trì hoãn.
Nước này cũng đảm bảo rằng sẽ tiếp tục giữ giá dầu diesel B5và hiện đang trợ giá với mức bán 1,80 RM/ lít tại các trạm xăng dầu ở khu vực miền Trung với mục tiêu cuối cùng sẽ thay thế cho dầu diesel thông thường.
Bộ trưởng Đồn điền và hàng hóa Malaysia Bernard Dompok cho biết chính phủ nước này đã phân bổ 23,65 triệu RM (7,73 triệu USD) để trợ giá cho B5 từ tháng 6-12/ 2011.
Việc triển khai bán B5 ở Kuala Lumpur được tiến hành ở 247 trạm xăng dầu, trong đó có khoảng một triệu lít diesel sinh học từ dầu cọ đang được sử dụng mỗi tháng. Điều này sẽ góp phần tiết kiệm gần 12,4 triệu lít dầu diesel hóa thạch mỗi năm tại Kuala Lumpur.
Malaysia đang hy vọng sẽ sớm triển khai bán B5 rộng rãi trên cả nước. Ngoài ra , nước này vẫn tiếp tục tiến hành hàng loạt hoạt động nghiên cứu và phát triển để tạo ra nguồn năng lượng tái tạo hấp dẫn cho tương lai, trong đó có tính đến những lựa chọn có giá trị khác để làm dầu diesel sinh học, chẳng hạn như các buồng và cùi cọ đã hái quả./.
Xuân Triển/Kuala Lumpur (Vietnam+)