Mali nhất trí thành lập chính phủ đoàn kết dân tộc

Ngày 11/7, Tổng thống lâm thời Mali Dioncounda Traore và Thủ tướng Modibo Dierra đã nhất trí thành lập chính phủ đoàn kết dân tộc.

Ngày 11/7, Tổng thống lâm thời Mali Dioncounda Traore và Thủ tướng Modibo Dierra đã nhất trí thành lập chính phủ đoàn kết dân tộc để bảo đảm thực hiện thành công thời kỳ chuyển tiếp ở nước này.

Một quan chức Bộ Đối ngoại và Hội nhập châu Phi của Mali cho biết cả tổng thống và thủ tướng tỏ ý tin tưởng mọi người dân Mali đều có đại diện của mình trong chính phủ đó. Quan chức trên cũng nhấn mạnh đến sự cần thiết phải tăng cường quân đội để có thể bảo đảm sự toàn vẹn lãnh thổ đất nước.

Cùng ngày, các tay súng Hồi giáo đã đẩy lui phiến quân người Tuareg khỏi thành trì cuối cùng ở miền Bắc Mali. Một quan chức địa phương giấu tên cho biết các phiến quân ly khai người Tuareg thuộc Phong trào giải phóng dân tộc Azawad (MNLA) đã bị các tay súng Hồi giáo đẩy lui khỏi Ansogo - thành trì cuối cùng của phiến quân tại miền Bắc Mali.

Quan chức này tuyên bố toàn bộ khu vực này sắp nằm trong tay những người Hồi giáo, song thừa nhận MNLA vẫn còn kiểm soát một phần khu vực này.

Cũng trong ngày 11/7, tại Nouakchott (Mauritania), Tổng tham mưu trưởng quân đội bốn nước vùng Sahel (Algeria, Niger, Mali và Mauritania) đã họp bàn về an ninh, đặc biệt là biện pháp đối phó với mối đe dọa khủng bố ở Sahel và cuộc khủng hoảng ở Mali.

Một ngày trước đó, ngoại trưởng các nước Liên minh Arập Bắc Phi (UMA) đã họp tại Algers (Algeria) và ra thông cáo coi khủng bố, tội phạm có tổ chức, nạn di cư bất hợp pháp, các nhóm tội phạm vũ trang, tài trợ khủng bố dưới mọi hình thức và rửa tiền, là các mối đe dọa đối với hòa bình ở Bắc Phi, châu Phi và vùng Địa Trung Hải. Các nước UMA khẳng định sự cần thiết phải tăng cường nỗ lực ở cấp quốc gia, vùng và quốc tế để đối phó với các mối đe dọa đó.

Trong một diễn biến liên quan, ngày 11/4, Chính phủ Mỹ đã lên án mạnh mẽ hành động phá hoại các lăng mộ của các tay súng Hồi giáo ở miền Bắc Mali và gọi đó là "sự tấn công" vào các di sản văn hóa của châu Phi.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Victoria Nuland tuyên bố Chính phủ Mỹ kịch liệt lên án hành động phá hủy các lăng mộ và các di tích lịch sử, tôn giáo khác ở Timbuktu của các tay súng Hồi giáo, cho rằng "những người tiến hành các hành động đó phải bị đưa ra xét xử." Chính phủ Mỹ cũng yêu cầu chấm dứt ngay lập tức các hành động phá hoại trên và kêu gọi tất cả các bên bảo vệ các di sản văn hóa vô giá trong vùng.

Trước đó, ngày 10/7, các tay súng Hồi giáo thuộc tổ chức Ansar Dine (Những người bảo vệ đức tin) - một nhóm vũ trang có mối liên hệ với tổ chức khủng bố al-Qaeda đang giành quyền kiểm soát miền Bắc Mali trong ba tháng vừa qua, đã phá hủy hai ngôi mộ tại thánh đường Hồi giáo Djingareyber được xây dựng từ thế kỷ 14 ở thành phố Timbuktu, địa danh được Tổ chức Giáo dục Khoa học và Văn hóa Liên hiệp quốc (UNESCO) công nhận là di sản văn hóa thế giới.

Tuần trước, nhóm này cũng đã tấn công nhiều di tích lịch sử và tôn giáo ở Timbuktu, ngay sau khi UNESCO đưa các di tích này vào danh sách các di sản thế giới có nguy cơ bị hủy hoại. Ít nhất 8/16 lăng mộ được xếp hạng đã bị phá hoại với mục đích xóa bỏ những công trình mà nhóm này cho là "phi Hồi giáo". UNESCO đã lên án "hành động phá hoại vô đạo đức" này./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục