Màn kịch Trump-Kim hay thực tế mới trong chính sách ngoại giao?

Cách cuộc gặp Mỹ-Triều diễn ra vội vã tại khu vực biên giới phi quân sự chia cắt hai miền Triều Tiên cho thấy thực tiễn chính sách ngoại giao đang thay đổi để phù hợp với bản năng của ông Trump.
Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un bước chân qua đường ranh giới phân chia hai miền Triều Tiên tại DMZ, sang phần lãnh thổ của Triều Tiên chiều 30/6. (Nguồn: Yonhap/TTXVN)

Theo trang mạng thehill.com, liệu cuộc gặp bất ngờ cuối tuần qua giữa Tổng thống Donald Trump và Nhà lãnh đạo Kim Jong-un có phải là một bước tiến đầy ý nghĩa hướng tới hòa bình cho một bán đảo Triều Tiên vốn đang chia rẽ, hay đó chỉ là một “màn trình diễn rẻ tiền, đánh lừa thực tế,” câu hỏi rất khó trả lời vào lúc này.

Cách cuộc gặp Trump-Kim diễn ra vội vã tại khu vực biên giới phi quân sự chia cắt hai miền Triều Tiên cho thấy thực tiễn chính sách ngoại giao đang thay đổi như thế nào để phù hợp với bản năng của ông Trump.

Cuộc gặp thượng đỉnh lần thứ ba này (hay hội nghị thượng đỉnh thu nhỏ) giữa Tổng thống Trump và Nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã diễn ra một cách tự nhiên.

Nhiều nhà phân tích Hàn Quốc ủng hộ các chuẩn mực ngoại giao truyền thống đã đổ dồn sự chú ý vào lời mời ông Kim của Tổng thống Trump thông qua tài khoản Twitter cá nhân hôm 29/6 vừa qua và những bức ảnh sau đó: Cuộc gặp trực tiếp đầu tiên trên bán đảo Triều Tiên giữa một Tổng thống Mỹ đương nhiệm và một Nhà lãnh đạo Triều Tiên.

[Mỹ-Triều chấm dứt quan hệ thù địch qua cuộc gặp thượng đỉnh tại DMZ]

Những hình ảnh từ Khu vực phi quân sự (DMZ) trông giống như một hội nghị thượng đỉnh thu nhỏ. Thật vậy, ông Trump đã hỏi ông Kim liệu các nhà đàm phán chủ chốt của Triều Tiên với Mỹ vẫn còn sống hay không, vì có những báo cáo cho rằng họ đã bị thanh trừng sau hội nghị thượng đỉnh thất bại trước đó tại Hà Nội. Điều này nhấn mạnh cách đối phó với Triều Tiên thường đòi hỏi những cử chỉ ngoài luồng cũng như cách ông Kim Jong-un giành chiến thắng lớn trong các sự kiện cuối tuần qua.

Sự bế tắc làm trật bánh hội nghị thượng đỉnh Hà Nội hồi tháng 2/2019 về những gì có thể khiến Triều Tiên từ bỏ vũ khí hạt nhân đã trở thành nỗi xấu hổ cho ông Kim vào thời điểm đó, bởi vì ông không muốn rời Hà Nội mà không có thứ gì trong tay.

Cách mà ông Trump và ông Kim “ve vãn” nhau kể từ đó bằng những lá thư “tuyệt vời,” theo lời của ông Trump, cùng với cách Trump nói hôm 30/6 về “tình bạn tuyệt vời” giữa hai nhà lãnh đạo, một lần nữa mang lại cho chế độ độc tài Triều Tiên cảm giác được công nhận, liệu điều này có xứng đáng hay không.

Việc nâng ông Kim Jong-un lên như một nhà lãnh đạo thế giới dường như sẽ tiếp tục, Tổng thống Trump nói ông sẽ mời ông Kim tới Nhà Trắng, điều đó cho thấy rằng “tập 4 của chương trình thực tế Trump-Kim” sẽ sớm được thực hiện.

Câu hỏi lớn hơn là liệu chính phủ của họ, từ nay cho đến lúc đó, rốt cục có thể tìm ra giải pháp phi hạt nhân hóa hay không, điều này sẽ đòi hỏi sự tham gia của tất cả các bên liên quan ở khu vực này, và hình thức biện pháp thực sự nào để có thể thúc đẩy mục tiêu hòa bình và không có hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên. Nhưng biện pháp chi tiết này, lâu nay khó tìm thấy trong các cuộc đàm phán, sẽ đòi hỏi sự nhượng bộ của cả Mỹ và Triều Tiên.

Mỹ sẽ cần giảm bớt yêu cầu trước đó, được đưa ra tại hội nghị thượng đỉnh Hà Nội, về việc Triều Tiên sẽ phải phá hủy toàn bộ kho vũ khí hạt nhân. Triều Tiên sẽ cần thể hiện một cách rõ ràng rằng họ sẵn sàng từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân, thậm chí ngay cả khi điều đó dường như là không thể.

Sau ba cuộc gặp giữa Tổng thống Trump và Nhà lãnh đạo Kim Jong-un, không rõ liệu Triều Tiên có sẵn sàng từ bỏ vũ khí hạt nhân hay không - bất chấp thông điệp này được chính phủ Hàn Quốc chuyển đến Trump vào tháng Ba năm ngoái, mà đã đưa ông đến với cuộc gặp đầu tiên với ông Kim.

Liệu Triều Tiên có thực sự nghiêm túc về phi hạt nhân hóa, hay chỉ tìm cách kéo dài thời gian để giành được sự công nhận miễn cưỡng và gia nhập câu lạc bộ cường quốc hạt nhân?

Tiếp tục đối thoại với Triều Tiên là một ý tưởng hay và những khoảnh khắc mang tính biểu tượng như hội nghị thượng đỉnh thu nhỏ ở DMZ có thể giúp cho các cuộc đàm phán thực chất hơn. Tuy nhiên, rất ít thay đổi diễn ra kể từ sau các sự kiện xung quanh hội nghị thượng đỉnh Trump-Kim lần đầu tiên ở Singapore hồi tháng Sáu năm ngoái.

Triều Tiên đã ngừng thử hạt nhân; Mỹ và Hàn Quốc đã giảm quy mô của các cuộc tâp trận quân sự; và Triều Tiên vẫn chịu các lệnh trừng phạt kinh tế quốc tế nặng nề.

Liệu giai đoạn thảo luận tiếp theo có thể dẫn đến một nền hoà bình có giá trị hơn là nền hòa bình không thoải mái như hiện nay, hoặc khả năng tất cả cuộc đàm phán cuối cùng sẽ trao tính pháp lý cho chế độ độc tài Kim Jong-un như một cường quốc hạt nhân trong bối cảnh môi trường địa chính trị đang thay đổi?

Hơn nữa, nếu bán đảo Triều Tiên và Đông Bắc Á có thể có được một nền hòa bình cùng với chế độ Triều Tiên hiện nay được đặt vào đúng chỗ, ông Kim không chỉ phải từ bỏ vũ khí hạt nhân mà còn đối mặt với thách thức trong việc tạo ra một câu chuyện mới - hoạt động chính trị trong nước, đối với người dân Triều Tiên - để biện minh hòa bình với Hàn Quốc và Mỹ.

Kể từ sau chiến tranh Triều Tiên, chế độ Bình Nhưỡng đã biện minh cho sự tồn tại của họ là bảo vệ người dân Triều Tiên khỏi đế quốc Mỹ và tay sai thực dân Hàn Quốc.

Dường như không thể tưởng tượng được việc Triều Tiên thay đổi câu chuyện này chỉ trong một đêm và giải thích với người dân của họ rằng họ đang tạo ra một kiểu quan hệ khác với Hàn Quốc và Mỹ, và rằng Triều Tiên đã chống lại việc thay đổi câu chuyện của mình trong giai đoạn sáng kiến hòa bình “Chính sách Ánh Dương” của Hàn Quốc, khi cựu Tổng thống Kim Dae-jung lần đầu tiên thăm Bình Nhưỡng năm 2000.

Tuy nhiên, tiếp tục tiến trình ngoại giao sẽ cho Triều Tiên cơ hội thay đổi dần câu chuyện. Đặc biệt, nếu cuộc gặp sắp tới giữa ông Trump và ông Kim diễn ra tại Nhà Trắng, Mỹ trước tiên nên thiết lập ý định thực sự của Triều Tiên và xem liệu ông Kim có thay đổi câu chuyện của chế độ này ở trong nước hay không. Chỉ khi đó mới có thể đạt được các biện pháp thực chất./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục