Mặn sẽ xâm nhập sâu nội đồng Tây Nam Bộ vào cuối tháng này

Giữa tháng Hai này, xâm nhập mặn có giảm bớt là nhờ có nước ngọt từ thượng nguồn sông Mekong về, nhưng đến cuối tháng Hai, xâm nhập mặn sẽ trở lại rất khốc liệt.
Mặn sẽ xâm nhập sâu nội đồng Tây Nam Bộ vào cuối tháng này ảnh 1Trà lúa bị lép hạt, thiệt hại do nhiễm mặn. (Ảnh: Lê Huy Hải/TTXVN)

Giáo sư-tiến sỹ Tăng Đức Thắng, Phó giám đốc Viện khoa học thủy lợi Việt Nam, cho biết mùa khô 2016 là năm có mặn xâm nhập sớm, sâu và khả năng kéo dài đến hết mùa khô nếu không có mưa.

Giữa tháng Hai này, xâm nhập mặn có giảm bớt là nhờ có nước ngọt từ thượng nguồn sông Mekong về, nhưng đến cuối tháng Hai, xâm nhập mặn sẽ trở lại rất khốc liệt.

Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam cảnh báo nhiều vùng khu vực Đồng bằng sông Cửu Long trong thời gian tới cần chú ý hạn mặn. Vùng Gò Công, Trà Vinh từ ngày 15-25/2, các vùng trong phạm vi cách biển từ 25-40 km có khả năng xuất hiện nước ngọt, nhưng từ cuối tháng 2/2016 trở đi đến tháng Năm nếu không có mưa, mặn tăng cao trở lại.

Vùng Đại Ngãi đến rạch Mái Dầm, mặn lên cao từ cuối tháng 1/2016 đến giữa tháng và cuối tháng 2/2016 nước ngọt xuất hiện dồi dào nhưng sau đó mặn tăng cao trở lại cho đến hết tháng 5/2016.

Các huyện thuộc tỉnh Kiên Giang như An Biên, An Minh, Vĩnh Thuận, U Minh Thượng, Gò Quao từ tháng 12/2015 nước ngọt đã rất khó khăn cho sản xuất và sinh hoạt và từ cuối tháng 1/2016 trở đi sẽ không có nước ngọt xuất hiện ở vùng này.

Vùng Đông Hà Tiên cũng sẽ phải chống hạn mặn vào các tháng 3, 4 và tháng 5. Đáng lưu ý, các thành phố có khả năng thiếu nước sinh hoạt từ tháng 2/2016 trở đi là Bến Tre, Trà Vinh, Rạch Giá, Vị Thanh.

Trên sông Vàm Cỏ khu vực trạm Bến Lực trên sông Vàm Cỏ Đông dự báo từ tháng 3-5/2016, nguồn nước nhiễm mặn hoàn toàn, không có khả năng xuất hiện nước ngọt, kể cả vào lúc chân triều.

Tại trạm Tân An trên sông Vàm Cỏ Tây, từ tháng 3 đến đầu tháng 5 nguồn nước ngọt có khả năng xuất hiện một vài ngày vào lúc chân triều thời kỳ kém, thời gian còn lại nước mặn hoàn toàn.

Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam dự báo độ mặn cửa Định An dọc sông Hậu từ tháng 2-5/2016 có nhiều nơi từ cuối tháng 2 sẽ mất khả năng lấy nước ngọt như khu vực lân cận cống Cần Chông tại trạm Tân Hóa. Đặc biệt, dọc sông Cái Lớn, tại trạm Gò Quao, từ cuối tháng 2 trở đi mặn cao, gần như không xuất hiện nước ngọt.

Tại Đồng bằng sông Cửu Long, với mặn xuất hiện sớm, xâm nhập sâu và kéo dài sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng hai loại hình sản xuất là nuôi tôm ven biển và vụ Đông Xuân 2015-2016.

Đến nay, Đồng bằng sông Cửu Long mới chỉ thu hoạch được khoảng 300.000ha, còn 1,3 triệu ha lúa Đông Xuân trong giai đoạn chín và chuẩn bị cho thu hoạch. Nếu không có các giải pháp kịp thời thì hạn và xâm nhập mặn sẽ tiếp tục ảnh hưởng tới diện tích lúa chưa được thu hoạch cũng như sản xuất các vụ tiếp theo./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục