Manila lôi kéo Australia ủng hộ vấn đề Biển Đông

Ông Aquino phát đi tín hiệu muốn Australia đóng vai trò trong việc huy động sự ủng hộ của quốc tế cho tranh chấp của Philippines với Trung Quốc.
Chuyến thăm của Tổng thống Philippines Benigno Aquino tới Australia từ ngày 23-26/10 được đánh giá là nhằm nâng quan hệ song phương lên tầm cao mới. Tuy nhiên, các bài phân tích trên tờ Sydney Morning Herald và Đài ABC của Australia ngày 23/10 cho thấy Tổng thống Philippines muốn gửi nhiều thông điệp hơn thế trong chuyến thăm chính thức này.

Thực tế, Philippines đang muốn Australia trở thành một trong ba đồng minh quốc phòng hàng đầu của mình.

Trong chuyến thăm, Tổng thống Aquino sẽ thông báo với Chính quyền Thủ tướng Julia Gillard về mong muốn nâng cấp quan hệ, trở thành “đối tác chiến lược” của nhau, từ đó đưa Australia trở thành đồng minh thân cận thứ ba của Philippines, sau Mỹ và Nhật Bản.

Thông qua chuyến thăm, Philippines cũng muốn đánh tiếng tới Trung Quốc về quan hệ của mình với Australia trong bối cảnh căng thẳng về tranh chấp lãnh hải ở Biển Đông chưa được giải quyết.

Ông Aquino đã phát đi tín hiệu rằng ông muốn Australia đóng vai trò trong việc huy động sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế cho tranh chấp của Philippines với Trung Quốc tại bãi cạn Scarborough.

Phát biểu trước chuyến thăm chính thức Australia, ông Aquino nhấn mạnh: “Chúng ta cùng chia sẻ các giá trị. Chúng ta đều là các nền dân chủ và cùng đứng về một phía khi thế giới phải giải quyết các vấn đề gây tranh cãi, ít nhất là kể từ Chiến tranh thế giới thứ hai, Chiến tranh Triều Tiên, Chiến tranh Việt Nam. Chúng ta cùng chung những thách thức như chống khủng bố, chống biến đổi khí hậu...”

Ngoại trưởng Australia Bob Carr từ trước đến nay vẫn khẳng định Canberra sẽ giữ vai trò trung lập trong cuộc tranh chấp ở Biển Đông, đồng thời sử dụng ảnh hưởng của mình để giảm căng thẳng, đặc biệt là giữa Mỹ và Trung Quốc.

Tuy nhiên, ông Aquino muốn một sự tái khẳng định từ Australia rằng tranh chấp lãnh hải nên được giải quyết một cách hòa bình, không có sự đe dọa, phải tuân thủ luật pháp quốc tế, đồng thời gửi một thông điệp tới Trung Quốc về những yêu sách gây hấn của Bắc Kinh đối với các nước ở Biển Đông.

Ông cũng muốn đề nghị Australia sử dụng cương vị ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an trong năm tới để ủng hộ Philippines nếu tranh chấp tại Biển Đông leo thang.

Đánh giá về chuyến thăm Australia của Tổng thống Philippines, giáo sư Carl Thayer, chuyên gia phân tích hàng đầu về tranh chấp Biển Đông thuộc Học viện Quốc phòng Australia, cho biết một tuyên bố về quan hệ đối tác chiến lược sẽ kéo Australia và Philippines lại gần nhau hơn như các đối tác quốc phòng và gửi một tín hiệu quan trọng tới Trung Quốc.

Tuy nhiên, theo ông Carl Thayer, đề nghị trên sẽ mang tính biểu tượng và chính trị nhiều hơn, tức là Philippines đang muốn vẽ một vòng tròn các nước sẽ ủng hộ mình trong cuộc chiến ở Biển Đông.

Australia chỉ chi khoảng 4,5 triệu USD/năm cho mối quan hệ quốc phòng với Philippines, bao gồm cả việc đào tạo 140 quân nhân và chi phí cho các chuyến thăm của quan chức cấp cao.

Australia có hai hoạt động lớn mỗi năm là huấn luyện hải quân và đào tạo trên bộ, liên quan tới các lực lượng đặc nhiệm. Tuy nhiên, hoạt động hải quân (phổ biến các kỹ năng) lại tập trung chủ yếu vào vùng biển Sulu và Celebes ở phía Nam, không liên quan nhiều đến Biển Đông.

Ban đầu hợp tác này là nhằm truy lùng phần tử khủng bố đi lại giữa Indonesia và Nam Philippines cũng như tội phạm xuyên quốc gia. Vì vậy, khi Australia đang phải cắt giảm ngân sách, mối quan hệ song phương sẽ không thể tiến triển vượt bậc mà chỉ đơn thuần là sự xích lại gần nhau hơn mà thôi.

Việc Australia "có ghế" trong Hội đồng Bảo an cũng không giúp Philippines thay đổi được gì nhiều trong vấn đề Biển Đông. Australia sẽ không giữ vai trò quan trọng trong cuộc tranh chấp ở Biển Đông. Ngoại trưởng Australia đã thận trọng tuyên bố về tính trung lập. Hơn nữa, Trung Quốc cũng "có ghế" trong Hội đồng Bảo an và họ có thể phủ quyết bất cứ cuộc thảo luận nào về vấn đề Biển Đông./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục