Mặt bằng thương mại 'khát" khách thuê trong thời dịch COVID-19

Tình trạng mặt bằng bán lẻ "khát" người thuê không chỉ diễn ra ở những khu vực, tuyến đường trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh mà ngay tại nhiều quận-huyện, nhiều mặt bằng nhỏ lẻ cũng khó tìm khách thuê.
Mặt bằng thương mại 'khát" khách thuê trong thời dịch COVID-19 ảnh 1Nhiều cửa hàng trên đường Đồng Khởi có giá thuê mặt bằng khá đắt đỏ đã phải đóng cửa, treo biển cho thuê lại. (Ảnh: Ngọc Hà/TTXVN)

Trước ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19, nhiều doanh nghiệp tại Thành phố Hồ Chí Minh "ồ ạt" trả mặt bằng bán lẻ để cắt giảm chi phí, bù lỗ hoặc chuyển sang trạng thái kinh doanh "chờ đợi," "cầm cự." Không chỉ vậy, nhiều hộ gia đình, cá nhân có mặt bằng cho thuê, mặc dù cam kết và thực hiện giảm giá thuê vẫn không thể "níu chân" đối tác.

Tuy nhiên, bên cạnh khó khăn chung của các đơn vị, cá nhân kinh doanh, cho thuê mặt bằng, thị trường bất động sản Thành phố Hồ Chí Minh vẫn chứng kiến không ít cơ hội đối với loại hình bất động sản công nghiệp, nhất là trong bối cảnh làn sóng đầu tư nước ngoài đã và sẽ tiếp tục chảy vào Việt Nam, trong đó có Thành phố Hồ Chí Minh.

Trong 8 tháng năm 2020, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng của Thành phố Hồ Chí Minh đạt 826.844 tỷ đồng, giảm 3,3% so với cùng kỳ năm trước. Riêng trong tháng 8/2020 không có lượt khách quốc tế nào đến thành phố.

Tổng doanh thu du lịch 8 tháng chỉ đạt gần 47.500 tỷ đồng, giảm tới 42% so với cùng kỳ năm 2019. Điều này dẫn tới việc nhiều hàng quán, trung tâm mua sắm "ế khách," tại nhiều khu vực, việc trả mặt bằng diễn ra phổ biến.

Làn sóng trả mặt bằng

Theo khảo sát của phóng viên, hiện nay trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh nguồn cung mặt bằng bán lẻ đang dồi dào và giá đã giảm nhẹ so với thời điểm cuối năm 2019. Tuy nhiên, trong xu hướng chung của làn sóng trả mặt bằng thì việc cho thuê mặt bằng bán lẻ trở nên khó khăn hơn bao giờ hết.

Anh Minh Tâm, một nhân viên môi giới bất động sản quận Phú Nhuận và quận Bình Thạnh cho hay chưa bao giờ việc môi giới mặt bằng cho thuê lại diễn ra chậm, khó khăn như vào thời điểm này.

Quận Phú Nhuận có vị trí đắc địa trong lĩnh vực kinh doanh bán lẻ, dịch vụ, nhà hàng, khách sạn... và từng có giá thuê không hề rẻ nhưng kể từ khi diễn ra dịch COVID-19, giá nhiều mặt bằng đã hạ xuống ở mức "mềm, thấp" chưa từng thấy. Thậm chí nhiều mặt bằng còn rao bán với giá thấp hơn so với giá mặt bằng chung của thị trường nhưng sức mua chậm.

Tương tự, anh Hoàng Thanh, nhân viên môi giới bất động sản tại khu vực quận 1 và quận 3 cho biết làn sóng trả mặt bằng bán lẻ đến từ nhiều lý do như người thuê không thương lượng được mức giá hợp lý trên tinh thần chia sẻ khó khăn của chủ cho thuê.

Trong tình hình thị trường ảm đạm, sức mua giảm sút, đơn vị kinh doanh nhiều ngành nghề, lĩnh vực như quần áo thời trang, túi xách, giày dép, điện thoại... buộc phải tinh gọn hệ thống để giảm chi phí mặt bằng.

Điển hình là mặt bằng tại địa chỉ 187B đường Hai Bà Trưng (Quận 3) vốn là cửa hàng kinh doanh nhiều năm liền của thương hiệu thời trang Blook, nhưng từ đầu năm 2020 đã được dán hàng chục số điện thoại cho thuê mặt bằng.

Trước khi có dịch COVID-19, vị trí đắc địa này dễ dàng có người thuê chỉ sau thời gian ngắn dán thông báo cho thuê mặt bằng.

Một vị trí mặt bằng khác tại ngã tư Nguyễn Bỉnh Khiêm và Nguyễn Thị Minh Khai có vị trí đẹp, gần trường học, cũng như khu vực tập trung nhiều tòa cao ốc văn phòng. Tuy nhiên, sau khi thương hiệu Thegioididong trả mặt bằng sau Tết Nguyên đán 2020 thì mặt bằng này hiện vẫn chưa có người thuê.

Trên thực tế, tình trạng mặt bằng bán lẻ "khát" người thuê không chỉ diễn ra ở những khu vực, tuyến đường trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh mà ngay tại nhiều quận-huyện, nhiều mặt bằng nhỏ lẻ cũng khó tìm khách thuê. Đây được xem là "hiệu ứng domino" khi dịch bệnh ảnh hưởng đến tâm lý người dân người và do thắt chặt chi tiêu, kéo theo sự sụt giảm của thị trường hàng hóa tiêu dùng và mặt bằng bất động sản cho thuê.

[Giá cho thuê giảm tới 50%, đất vàng vẫn mỏi mắt tìm khách thuê]

Chị Mỹ Hà, chủ một cửa hàng quần áo thời trang nữ cho biết mấy tháng nay đã trả mặt bằng thuê cửa hàng và chuyển sang mô hình kinh doanh online. Sau 6 tháng đầu năm 2020 cầm cự, tiền thuê mặt bằng, đến nay hoạt động kinh doanh của cửa hàng bị thâm vốn, vắng khách mua dẫn tới phải quyết định trả mặt bằng.

Chung cảnh ngộ, chị Thảo Trang, chủ cửa hàng trái cây nhập khẩu trên đường 3/2 (quận 10) cho rằng với diễn biến thị trường hiện nay và trong những tháng tới, đơn vị kinh doanh đều phải tính toán và giảm chi phí đầu vào để duy trì hoạt động ổn định. Trong chi phí đầu vào thì tiền thuê mặt bằng chiếm tỷ lệ vốn lớn bao gồm tiền thuê hàng tháng và tiền cọc thế chân.

"Trong nhiều năm mở rộng hoạt động kinh doanh với việc thuê hai mặt tiền gần nhau trên tuyến đường này, hiện nay cửa hàng buộc phải tinh gọn quy mô và chỉ thuê một mặt tiền. Dù biết chỉ với một mặt tiền nhỏ hẹp, khách hàng sẽ không có không gian thoải mái để lựa chọn hàng hóa, ảnh hưởng đến việc bán buôn, nhưng các đơn vị kinh doanh không thể không làm vậy," chị Thảo Trang chia sẻ thêm.

Kinh doanh dịch vụ "ế ẩm"

Không chỉ thị trường cho thuê mặt bằng bán lẻ, mà nhiều đơn vị kinh doanh cơ sở lưu trú, dịch vụ ăn uống... cũng bị "đóng băng."

Theo Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, ngành du lịch thành phố chịu tác động nghiêm trọng, trực tiếp đến nhiều doanh nghiệp và người lao động trong lĩnh vực du lịch. Trong tháng 8/2020 không có lượt khách quốc tế nào đến thành phố.

Trong 8 tháng năm 2020, khách quốc tế mới đến thành phố chỉ đạt 1,3 triệu lượt, giảm tới 76,4% so với cùng kỳ. Doanh thu từ du lịch 8 tháng đầu năm 2020 chỉ đạt hơn 47.400 tỷ đồng, giảm tới 48,2% so với cùng kỳ năm trước.

Về từng ngành nghề cụ thể, đại diện lãnh đạo Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh cho biết doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống 8 tháng năm 2020 đạt gần 44.000 tỷ đồng (giảm 41,7%), ngành dịch vụ ăn uống giảm 40,8%, lữ hành 72%...

Trong thời gian tới, dự báo các doanh nghiệp sẽ gặp nhiều khó khăn và trở ngại gấp bội khi mà hiện nay, có khoảng 90-95% doanh nghiệp lữ hành tạm ngưng hoạt động, nhân viên luân phiên chia ca làm việc trực tuyến tại nhà, nghỉ không lương. Riêng công suất phòng tại những cơ sở lưu trú trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh giảm tới 91,5% so với cùng kỳ năm 2019.

Một số doanh nghiệp cho rằng do không có tài sản thuế chấp nên gặp khó khi tiếp cận gói vay tín chấp của ngân hàng, trong khi vẫn phải trả chi phí cho việc duy trì hoạt động như tiền thuê mặt bằng. Do đó, hầu hết doanh nghiệp nhỏ và vừa phải tính đến phương án trả mặt bằng, hoặc tìm kiếm những mặt bằng vừa túi tiền hơn.

Mặt bằng thương mại 'khát" khách thuê trong thời dịch COVID-19 ảnh 2Nhiều cửa hàng trên đường Đồng Khởi có giá thuê mặt bằng khá đắt đỏ đã phải đóng cửa, treo biển cho thuê lại. (Ảnh: Ngọc Hà/TTXVN)

Kết quả khảo sát trên nhiều khu phố tập trung đông cộng đồng người Hàn Quốc tại phường Tân Phong, quận 7 cho thấy nhiều mặt bằng đóng cửa trong vài tháng nay, chưa kể nhiều đơn vị kinh doanh cơ sở lưu trú, ẩm thực, dịch vụ làm đẹp, massage... đã và đang lần lượt gỡ bảng hiệu, trả mặt bằng.

Lý giải nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, một chủ mặt bằng cho thuê tại quận 7 cho hay sự thiếu vắng khách Hàn Quốc được xem là nguyên nhân dẫn đến nhiều đơn vị kinh doanh dịch vụ phải chuyển đổi mục đích sử dụng mặt bằng. Bởi lẽ, giá cho thuê mặt bằng ở khu vực này có vị trí lên đến 5.000 USD/tháng nhưng trong bối cảnh hiện nay nhiều đơn vị không duy trì được hoạt động kinh doanh và đảm bảo doanh số.

Theo Công ty Savills Việt Nam, nhà mặt tiền tại khu vực trung tâm thành phố phụ thuộc vào lĩnh vực thương mại, du lịch bị hoàn trả mặt bằng do chịu ảnh hưởng nặng nề của chính sách hạn chế đi lại giữa các quốc gia. Dự báo, giá thuê mặt bằng sẽ tiếp tục giảm trong thời gian tới.

Cùng với đó, điều khoản trong hợp đồng thuê sẽ thay đổi về giá thuê, thời hạn thuê và những yêu cầu nghiêm ngặt trong việc bảo vệ sức khỏe của khách hàng.

Các bên cũng sẽ xem xét kỹ lưỡng hơn đối với việc soạn thảo văn bản pháp luật để giải quyết cụ thể việc giảm giá thuê hoặc trả chậm trong trường hợp xảy ra những khủng hoảng tương tự./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục