Mất khứu giác do COVID-19 có liên quan đến tổn thương não

Theo nghiên cứu, các tổn thương sợi trục thần kinh quan sát được ở một số bệnh nhân cho thấy tình trạng mất khứu giác do COVID-19 gây ra có thể diễn biến nghiêm trọng và thậm chí không thể phục hồi.
Mất khứu giác do COVID-19 có liên quan đến tổn thương não ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: Esquire.com)

Rối loạn khứu giác là triệu chứng đặc trưng để nhận biết khi mắc COVID-19. Một nghiên cứu được công bố ngày 11/4 trên JAMA Neurology chỉ ra rằng COVID-19 có thể gây tổn thương cho người bệnh ở phần não bộ có liên quan đến khứu giác.

Đây được cho là lời giải thích hợp lý về chứng mất khứu giác kéo dài sau khi mắc COVID-19 mà 1,6 triệu người Mỹ hiện nay đang mắc phải.

Theo nghiên cứu trên, những người mắc bệnh COVID-19 có nguy cơ cao bị tổn thương các mạch máu và sợi trục thần kinh - các phần của tế bào thần kinh truyền tín hiệu đến các tế bào khác - trong hệ khứu giác của họ, cũng như vùng não bộ có chức năng nhận biết mùi hương.

Nghiên cứu được thực hiện đối với 23 bệnh nhân COVID-19 đã qua đời và một nhóm đối chứng gồm 14 người đã qua đời mà không mắc COVID-19.

[Nghiên cứu tình trạng mất khứu giác hoặc vị giác ở bệnh nhân COVID-19]

Kết quả cho thấy ở các bệnh nhân mắc COVID-19, tình trạng thoái hóa sợi trục thần kinh có nguy cơ trở nên trầm trọng hơn tới 60%, trong khi tổn thương các vi mạch máu nghiêm trọng hơn khoảng 36%.

Các bệnh nhân COVID-19 cũng cảm nhận rõ về tình trạng rối loạn khứu giác. Tuy nhiên, những người có các triệu chứng COVID-19 nghiêm trọng lại không có dấu hiệu bị tổn thương các tế bào thần kinh và các mạch máu cực nhỏ ở vùng khứu giác.

Theo tác giả của nghiên cứu, các tổn thương sợi trục thần kinh quan sát được ở một số bệnh nhân cho thấy tình trạng mất khứu giác do COVID-19 gây ra có thể diễn biến nghiêm trọng và thậm chí không thể phục hồi.

Hiện chưa rõ COVID-19 gây mất khứu giác của bệnh nhân bằng cách nào. Giới khoa học cho rằng tình trạng này có thể trực tiếp do căn bệnh COVID-19 gây ra hoặc là hệ quả gián tiếp của các triệu chứng như viêm mũi.

Trong khi một giả thuyết cho rằng virus xâm nhập các tế bào thần kinh liên quan khứu giác thông qua màng nhầy, thì cũng có bằng chứng đối lập về việc liệu virus có thể lây lan sang các loại tế bào thần kinh này hay không.

Trong nghiên cứu được đăng trên JAMA Neurology, các nhà nghiên cứu kết luận tổn thương khứu giác không phải do virus SARS-CoV-2 trực tiếp gây ra mà có thể do tình trạng viêm nhiễm sau khi mắc COVID-19 gây ra trong hệ khứu giác.

Theo Nghiên cứu về triệu chứng COVID-19 - một sáng kiến sử dụng ứng dụng điện thoại thông minh để thu thập dữ liệu sức khỏe của khoảng 4,7 triệu người ở Vương quốc Anh và Mỹ, mất khứu giác là một trong những triệu chứng phổ biến nhất của COVID-19, ảnh hưởng đến 60% số bệnh nhân từ 16 đến 65 tuổi.

Đối với những bệnh nhân bị mất khứu giác lâu dài, các phương pháp điều trị đang được thử nghiệm khá đa dạng, như đặt miếng bọt biển làm ẩm huyết tương lên mũi, hay dùng camostat mesylate - một loại thuốc thường được sử dụng để điều trị viêm tuyến tụy.

Tuy nhiên, rất khó để đưa ra kết luận chắc chắn về hiệu quả của các phương pháp điều trị này, do cơ chế ức chế mùi của COVID-19 chưa được hiểu rõ và ở nhiều trường hợp, tình trạng mất mùi do COVID-19 có thể tự cải thiện theo thời gian.

Các nhà khoa học hy vọng rằng những nghiên cứu về tác động của COVID-19 đối với khứu giác cũng có thể làm sáng tỏ cách thức khác mà căn bệnh này ảnh hưởng đến não./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục