Máy bay không người lái của Mỹ có những hạn chế gì?

Mặc dù máy bay không người lái có ưu thế đáng kể khi có thể bay liên tục trong hơn một ngày, cho phép thực hiện các nhiệm vụ giám sát kéo dài, song chúng thường khá đắt đỏ, lại có thể dễ bị tấn công.
Máy bay không người lái RQ-4 Global Hawk của Không lực Mỹ ở căn cứ không quân Eielson, Alaska (Mỹ) ngày 16/8/2018. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo AFP, máy bay không người lái của Mỹ là một công cụ quan trọng trong các cuộc chiến chống lại các tổ chức nổi dậy như Taliban và Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, tuy nhiên, việc Iran bắn hạ một trong những chiếc máy bay không người lái của Mỹ cho thấy những hạn chế của chúng trước những kẻ thù tinh vi.

Mặc dù máy bay không người lái có ưu thế đáng kể khi không gây tổn thất về mạng người và có thể bay liên tục trong hơn một ngày, cho phép thực hiện các nhiệm vụ giám sát kéo dài, song chúng thường khá đắt đỏ, lại có thể dễ bị tấn công ở trên không, và khi bị hạ gục có thể khiến những phần cứng nhạy cảm rơi vào tay kẻ xấu.

Michael O'Hanlon, một thành viên cao cấp và giám đốc nghiên cứu về chính sách đối ngoại tại Viện nghiên cứu Brookings, cho biết máy bay không người lái của Mỹ “thường không hoạt động bí mật; chúng thường không gây ấn tượng về mặt khí động lực."

Ông nói: “Tôi cho rằng các lực lượng phòng không tinh vi sẽ tiếp tục có những cơ hội tốt để bắn hạ một chiếc máy bay như RQ-4 bất cứ khi nào nó xuất hiện ở vị trí do thám vùng lãnh thổ hoặc các tài sản khác của họ,” ám chỉ chiếc máy bay không người lái của Mỹ bị Iran hạ gục hồi tuần trước gần eo biển chiến lược Hormuz.

Các chuyên gia cho biết vụ bắn hạ này cho thấy khả năng phòng không của Tehran có thể tạo ra một thách thức đối với ưu thế trên không của Mỹ. Becca Wasser, nhà phân tích thuộc Trung tâm nghiên cứu Rand Corp, cho biết: "Việc bắn hạ máy bay không người lái cho thấy Iran đang tiết lộ một khả năng và chọn gửi đi thông điệp về khả năng đó đến Mỹ. Việc Iran có thể bắn hạ máy bay không người lái chứng tỏ rằng họ đã phát triển hoặc mua được các năng lực khá quan trọng và có kỹ năng sử dụng các hệ thống này.”

Bà Wasser lưu ý đến một tuyên bố của Iran rằng họ đã sử dụng hệ thống tên lửa đất đối không (SAM) tự chế để bắn hạ máy bay không người lái. Bà nói: "Nếu đúng như vậy, điều này sẽ rất quan trọng vì khả năng sản xuất trong nước có thể giúp Iran sao chép và cung cấp cho các lực lượng ủy quyền trong khu vực để đe dọa quân đội của Mỹ và các đối tác."

[Logic trong cuộc đối đầu Mỹ-Iran tại Trung Đông]

Theo Cân bằng quân sự - một ấn phẩm thường niên của Viện nghiên cứu chiến lược quốc tế (IISS) - Iran có 32 tên lửa đất đối không S-300 do Nga sản xuất đã được Moskva giao từ năm 2016.

Chúng được coi là một mối đe dọa nghiêm trọng. Iran cũng đã phát triển các phiên bản cho mình từ các hệ thống tên lửa này, bao gồm cả Bavaria 373, SAM Tabas và SAM Raad, thường được trưng bày tại các cuộc diễu hành quân sự.

Các quan chức cấp cao và sỹ quan quân đội Iran đã rất hoan nghênh việc bắn hạ máy bay Mỹ và cảnh báo sẽ chống lại sự trả đũa của Mỹ.

Tư lệnh hải quân Iran, Đô đốc Hossein Khanzadi, cho biết: "Kẻ thù đã điều máy bay giám sát và do thám tiên tiến nhất, thông minh nhất và tinh vi nhất của họ tới khu vực cấm và mọi người đều chứng kiến vụ bắn hạ chiếc máy bay không người lái này. Tôi nói một cách tự tin rằng phản ứng triệt hạ này có thể được lặp lại và kẻ thù nên biết điều này."

Tuy nhiên, Arthur Holland Michel, đồng giám đốc của Trung tâm nghiên cứu về máy bay không người lái tại Bard College, cho biết: "Những chiếc máy bay không người lái này, nhìn chung, không được thiết kế để hoạt động ở các không phận đang xảy ra tranh chấp.”

Quân đội Mỹ đã không đáp trả ngay lập tức yêu cầu bình luận về những lo ngại liên quan đến tính dễ bị tổn thương của các máy bay không người lái đối với hệ thống phòng không.

Theo đó, ông Michel nhắc lại việc máy bay không người lái Predator từng bị bắn hạ ở Balkans và Iraq, trong khi đó, một chiếc RQ-170 tàng hình đã bị mất tích ở Iran hồi năm 2011, còn phía Tehran tuyên bố họ đã sử dụng chiếc máy bay này để chế tạo một bản sao cho riêng mình.

Tuy nhiên, ông Michel cho rằng máy bay không người lái của Mỹ đã tỏ ra “vô cùng quan trọng” trong “các hoạt động chống khủng bố và chống nổi dậy.”

Các lực lượng của Mỹ đã sử dụng máy bay không người lái để thu thập thông tin tình báo, giám sát các lực lượng thù địch và theo dõi các trận chiến cũng như các cuộc tấn công diễn ra trong thời gian thực ở những quốc gia như Iraq và Afghanistan.

Ông nói: “Chúng thực sự đã phô diễn giá trị của mình trong việc theo dõi từng mục tiêu, di chuyển liên tục trong thời gian dài.”

Việc máy bay Mỹ bị hạ gục - cũng như các cuộc tấn công nhắm vào tàu chở dầu mà Mỹ cáo buộc Iran là kẻ chủ mưu - đã chứng kiến căng thẳng giữa hai nước leo thang, làm dấy lên lo ngại về một cuộc xung đột bất ngờ mà cả hai bên đều muốn tránh.

Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ra lệnh tấn công các mục tiêu của Iran vào tuần trước, nhưng ông lại hủy quyết định này đúng "10 phút" trước khi các cuộc tấn công được thực hiện, và Washington hiện đã áp đặt các lệnh trừng phạt đối với lãnh tụ tối cao của Iran Ayatollah Ali Khamenei và một loạt nhà lãnh đạo quân sự.

Trong trường hợp chiến tranh nổ ra, nghịch lý thay, máy bay không người lái của Mỹ có thể trở nên an toàn hơn. Ông O'Hanlon nói: "Trong thời chiến, chúng sẽ vận hành tốt hơn, đặc biệt là những máy bay có thể hoạt động ở độ cao lớn hơn, bởi vì chúng có thể gây nhiễu hoặc phá hủy radar của kẻ thù. Tuy nhiên, điều này không hiệu quả trong thời bình."

Mỹ cũng sở hữu một số máy bay không người lái tàng hình, chẳng hạn như RQ-170 và RQ-180. Ông Michel nói: "Nếu bất kỳ máy bay không người lái nào của Mỹ tham gia chống lại Iran trong một môi trường đang tranh chấp, đó sẽ là hai ứng cử viên tiềm năng nhất. Chúng được thiết kế để hoạt động trong khu vực không phận xảy ra giao tranh,"  nhưng vẫn chưa được đưa vào thử nghiệm để "chống lại một đối thủ thực sự tinh vi, ít nhất là theo như công khai”.

Dan Gettinger, đồng giám đốc Trung tâm nghiên cứu máy bay không người lái tại Đại học Bard, cho rằng số phận của máy bay không người lái “chắc chắn sẽ được tính đến trong các hoạt động tương lai.”

Ngoài ra, các chuyên gia cho rằng việc Iran có thể bắn hạ máy bay không người lái của Mỹ không đồng nghĩa với việc họ có khả năng xây dựng “tường lửa” chống lại lực lượng không quân của quân đội hùng mạnh nhất thế giới, nơi có sức mạnh hỏa lực và chiến tranh điện tử vượt trội.

Hồi cuối năm 2015, ngay sau khi Moskva đồng ý bán các hệ thống S-300 cho Tehran, một động thái mà Israel đã cố gắng để ngăn chặn, người đứng đầu Lực lượng Không quân Israel, Tướng Amir Eshel đã nhận định các tên lửa (của Iran) đặt ra "một thách thức đáng kể nhưng không phải là không thể vượt qua"./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục