Mexico phủ nhận việc sẵn sàng ký thỏa thuận di cư với Mỹ

Đại sứ Mexico tại Mỹ chỉ trích chính sách đơn phương của Mỹ nhằm ngăn chặn tất cả người di cư có thể xin tị nạn và đề nghị Mỹ đẩy nhanh quá trình xét duyệt đơn xin tị nạn của người di cư.
Người di cư chờ được cấp giấy tờ tại Cơ quan di trú quốc gia Mexico ở Tapachula, bang Chiapas ngày 12/6/2019. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Người di cư chờ được cấp giấy tờ tại Cơ quan di trú quốc gia Mexico ở Tapachula, bang Chiapas ngày 12/6/2019. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 18/7, Đại sứ Mexico tại Mỹ, Martha Barcena tái khẳng định Mexico City không sẵn sàng ký kết một thỏa thuận với Washington để trở thành “nước thứ ba an toàn” đối với người di cư.

Bà Barcena cũng chỉ trích chính sách đơn phương của Mỹ nhằm ngăn chặn tất cả người di cư có thể xin tị nạn, đồng thời cho biết cơ quan chức năng của Mexico đã thông báo với phía Mỹ đề nghị đẩy nhanh quá trình xét duyệt đơn xin tị nạn của người di cư, không thể để họ chờ đợi tới ba năm tại Mexico để biết có được chấp nhận tị nạn hay không.

Hôm 7/6 vừa qua, Mexico và Mỹ đã đạt được một thỏa thuận giảm lượng người di cư Trung Mỹ vượt qua lãnh thổ Mexico để tới Mỹ. Theo một phần của thỏa thuận, Mexico sẽ có thời hạn 45 ngày để triển khai các biện pháp ngăn chặn hiệu quả dòng người di cư Trung Mỹ.

[Mexico phản đối quy định hạn chế xin tị nạn mới của Mỹ]

Thỏa thuận di cư trên là nhằm tránh biện pháp thuế quan của Mỹ đối với hàng hóa xuất khẩu của Mexico, cũng như đề xuất biến Mexico trở thành “nước thứ ba an toàn” đối với người di cư.

Theo Ngoại trưởng Mexico Marcelo Ebrard, trong trường hợp nước này không hành động hiệu quả trong việc giảm lượng người di cư qua biên giới để tìm đường tới Mỹ, thì đề xuất “nước thứ ba an toàn” của Mỹ sẽ được đưa trở lại bàn đàm phán.

Trước thời hạn chót một ngày, vào ngày 21/7, Ngoại trưởng Ebrard sẽ gặp người đồng cấp Mỹ Mike Pompeo tại Mexico để thảo luận về các vấn đề nhập cư và thương mại, cũng như bàn về Kế hoạch phát triển tổng thể Trung Mỹ, sáng kiến do Mexico đưa ra với mục đích giải quyết gốc rễ hiện tượng người di cư Trung Mỹ, chủ yếu từ các nước El Salvador, Honduras và Guatemala./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục