Mía đường Việt Nam nâng cao khả năng cạnh tranh nguyên liệu mía

Hiệp hội Mía đường Việt Nam sẽ thúc đẩy nâng cao năng suất, chất lượng mía, giảm chi phí sản xuất, hạ giá thành mía nhằm nâng cao thu nhập cho người trồng mía và giảm chi phí đầu vào.
Mía đường Việt Nam nâng cao khả năng cạnh tranh nguyên liệu mía ảnh 1Xe chở mía nguyên liệu về Nhà máy đường KCP Phú Yên. (Ảnh: Thế Lập/TTXVN)

Tại Đại hội lần thứ VI, nhiệm kỳ 2018-2022 của Hiệp hội Mía đường Việt Nam ngày 4/5, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam đánh giá, ngành mía đường Việt Nam đã có vị thế trên thế giới chỉ với 1,5 triệu tấn đường mỗi năm và trở thành ngành công nghiệp.

Tuy nhiên, trước những tác động bởi biến đổi khí hậu, lộ trình thực hiện các cam kết thương mại, cùng với những tồn tại nội tại của ngành như công nghệ, năng suất, hiệu quả… đòi hỏi ngành mía đường Việt Nam phải thích ứng với xu thế mới.

Theo ông Đỗ Thành Liêm, Phó Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam, trong nhiệm kỳ VI (2018-2022), Hiệp hội Mía đường Việt Nam sẽ nâng cao khả năng cạnh tranh mía nguyên liệu, theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng mía, giảm chi phí sản xuất, hạ giá thành mía nhằm nâng cao thu nhập cho người trồng mía và chi phí đầu vào thấp nhất cho công nghiệp chế biến đường.

[Tây Nguyên loay hoay tìm lối đi cho cây mía trước sức ép hội nhập]

Hiệp hội tiếp tục tăng hiệu suất thu hồi, nâng cao khả năng cạnh tranh sản phẩm đường trong nước, trước hết cạnh tranh được với đường nhập lậu, thực hiện đồng bộ các giải pháp về công nghệ và chính sách, đồng thời, thực hiện có hiệu quả các biện pháp chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại.

Hiệp hội cũng từng bước tổ chức lại mạng lưới tiêu thụ bán hàng, hình thành hệ thống logistics, thực hiện liên kết, hợp tác giữa sản xuất với lưu thông. Chủ động hôi nhập kinh tế quốc tế để nâng cao khả năng cạnh tranh khi các hiệp định thương mại có hiệu lực.

Thứ trưởng Trần Thanh Nam yêu cầu, hiệp hội phải là một khối thống nhất về mục tiêu, phương hướng hoạt động trong sản xuất kinh doanh. Hiệp hội cùng với các nhà máy, địa phương cần tiếp tục rà soát, ổn định vùng nguyên liệu mía, đặc biệt trước sự canh tranh với các loại cây trồng khác.

Các nhà máy phải đổi mới công nghệ, nâng cao năng suất, tăng sản phẩm cạnh đường và sau đường. Cùng với đó là tổ chức sản xuất, hình thành mạng lưới kinh doanh theo chuỗi giá trị.

Hiệp hội cũng cần tăng cường phối hợp với các bộ ngành, doanh nghiệp chế biến thực phẩm, hộ nông dân, hợp tác xã… để cùng chia sẻ lợi ích, gánh vác trách nhiệm, đồng thời, chủ động hội nhập kinh tế quốc tế, hình thành được đội ngũ chuyên gia trong ngành mía đường.

Trong nhiệm kỳ V (2014-2018), sản xuất mía đường đã gặp nhiều khó khăn, bất cập nhất so với các nhiệm kỳ trước. Nhưng ngành mía đường vẫn tiếp tục duy trì sản xuất, mở rộng diện tích, nâng công suất thiết kế, đảm bảo đủ nhu cầu tiêu dùng trong nước, góp phần bình ổn thị trường giá cả trong nước.

Đến nay, 95% diện tích mía nguyên liệu đã được các thành viên hiệp hội sản xuất mía đường ký hợp đồng đầu tư, tiêu thụ sản phẩm với người trồng mía. Tiếp tục là ngành đi đầu trong việc tổ chức sản xuất, hình thành chuỗi giá trị gắn sản xuất với chế biến và tiêu dùng; xây dựng hợp tác xã kiểu mới, thúc đẩy hình thành cánh đồng lớn trong sản xuất mía đường.

Sản xuất kinh doanh tuy tiếp tục được duy trì phát triển nhưng chưa bền vững, nhất là nguyên liệu mía. Đa dạng hóa các sản phẩm cạnh đường, sau đường tuy đã có chú trọng đầu tư nhưng vẫn ở quy mô nhỏ.

Đặc biệt, năng lực cạnh tranh ngành mía đường vẫn đang thấp, cụ thể năng suất, chất lượng mía thấp, bình quân mới đạt 61,33 tấn/ha, năng suất đường bình quân đạt 5,64 tấn/ha, thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực. Hiệu suất thu hồi tấn mía/tấn đường vẫn ở mức cao, trên 10 tấn mía/1 tấn đường, nên giá thành mía và giá thành đường của Việt Nam vẫn cao hơn bình quân thế giới và khu vực.

Tại đại hội, ông Phạm Quốc Doanh đã tái đắc cử làm Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam nhiệm kỳ 2018-2022./. 

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục