Trong diễn biến mới nhất về cuộc chiến của các hãng công nghệ Mỹ chống các hoạt động do thám của Chính phủ Mỹ, ngày 9/9, tập đoàn công nghệ Microsoft đã kêu gọi một tòa án phúc thẩm liên bang ngăn cản yêu cầu của chính phủ trong việc buộc hãng này cung cấp dữ liệu thư điện tử (e-mail) của người dùng được lưu trữ trong các máy chủ đặt ở Ireland.
Microsoft cho rằng hành động này xâm phạm đến quyền riêng tư của khách hàng.
Phát biểu tại Tòa phúc thẩm liên bang ở New York (Mỹ), đại diện của Microfost, Luật sư Joshua Rosenkranz cảnh báo việc cho phép chính phủ tiếp cận các e-mail được lưu trữ tại trung tâm dữ liệu ở Ireland sẽ "bật đèn xanh" cho các nước khác sử dụng các đạo luật của mình để tiếp cận các e-mail của công dân Mỹ được lưu trữ ngay tại Mỹ.
Theo lập luận của ông Rosenkranz, Đạo luật năm 1986 về thông tin liên lạc được lưu trữ mà phía chính phủ đưa ra trong trường hợp này có hiệu lực trước thời điểm các nhà cung cấp như Microsoft bắt đầu lắp đặt các máy chủ ở nước ngoài và không có điều khoản nào trong đạo luật này ghi rõ văn kiện này chi phối cả các hoạt động của các công ty này bên ngoài nước Mỹ.
Trong khi đó, phía chính phủ lại lập luận địa điểm cụ thể của các e-mail được lưu trữ là "không liên quan" bởi Microsoft là một công ty của Mỹ và phải tuân thủ luật pháp nước này. Luật sư chính phủ Justin Anderson khẳng định Đạo luật năm 1986 quy định chính phủ có thể tiếp cận thông tin điện tử của các công ty Mỹ nếu có "giấy phép hợp lệ", bất chấp địa điểm mà các dữ liệu được lưu trữ.
Trước đó, hồi tháng 12/2013, một thẩm phán tòa án New York đã yêu cầu Microsoft cung cấp dữ liệu e-mail của một người dùng, bị nghi liên quan đến hoạt động buôn bán ma túy, tại các máy chủ ở thủ đô Dublin của Ireland cho phía chính phủ để phục vụ công tác điều tra.
Microsoft đã phản đối lệnh này, cho rằng chính quyền không có quyền yêu cầu các dữ liệu bên ngoài nước Mỹ và đưa vụ việc ra một tòa án quận Manhattan, New York. Tuy nhiên, tháng 4/2014, tòa án trên đã kết luận yêu cầu của chính phủ đối với Microsoft là hợp pháp và việc hãng này từ chối hợp tác "gây ảnh hưởng lớn tới năng lực thực thi pháp luật trong công tác thu thập bằng chứng phạm tội."
Gần 100 tổ chức và cá nhân đã bày tỏ sự ủng hộ Microsoft, trong đó có các "ông lớn" trong lĩnh vực công nghệ, truyền thông và viễn thông như Apple, Washington Post và Verizon Communications.
Giới quan sát nhận định vụ kiện trên sẽ gây ra những hậu quả kinh tế nặng nề vì các nhà cung cấp Mỹ sẽ gặp khó khăn hơn trong việc bán các dịch vụ ra nước ngoài nếu Chính phủ Mỹ có đặc quyền tiếp cận các thông tin khách hàng nước ngoài. Nhiều khách hàng tiềm năng cũng sẽ đánh đồng đặc quyền trên với chương trình do thám trên diện rộng gây tranh cãi của Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ (NSA), gây thiệt hại cho các nhà cung cấp dịch vụ nước này./.