Tổ chức Đối tác Ngân sách Quốc tế (IBP) vừa công bố Chỉ số Công khai ngân sách mở của Việt Nam năm 2015 (OBI 2015). Theo đó, OBI 2015 của Việt Nam ở mức 18/100 điểm.
Đáng chú ý, ở khía cạnh giám sát về ngân sách của cơ quan lập pháp và kiểm toán, Việt Nam được đánh giá là đầy đủ với điểm 61/100 điểm xếp hạng đối với cơ quan lập pháp và 75/100 điểm thứ hạng đối với cơ quan kiểm toán.
Kết quả khảo sát cho thấy việc giám sát trong quá trình lập kế hoạch ngân sách ở Việt Nam là đầy đủ, tuy nhiên, trong quá trình thực thi ngân sách còn hạn chế. Hiện Việt Nam có cơ quan lập pháp là Ủy ban Tài chính và Ngân sách Quốc hội nhưng vẫn chưa có bộ phận nghiên cứu và phân tích ngân sách riêng như thông lệ quốc tế.
Với điểm số 18/100, so sánh với các nước trong khu vực, mức độ minh bạch ngân sách của Việt Nam cao hơn Trung Quốc, Campuchia và Myanmar nhưng thấp hơn nhiều nước Đông Nam Á khác như Philippines, Indonesia, Malaysia và Thái Lan. Mức điểm của Việt Nam năm nay thấp hơn khá nhiều so với mức trung bình toàn cầu (45 điểm) và gần như không thay đổi so với đánh giá năm 2012 (19/100 điểm).
Về sự tham gia của công chúng đối với các vấn đề ngân sách, Việt Nam đạt 42/100 điểm, ở mức độ hạn chế. Tuy nhiên, ở trụ cột này, Việt Nam xếp cao hơn mức trung bình của toàn cầu (25 điểm) và tốt hơn phần lớn các nước trong khu vực như Trung Quốc, Thái Lan, Indonesia, Malaysia.
Để tăng tính minh bạch ngân sách, IBP cũng khuyến nghị Việt Nam cần công bố Đề suất ngân sách của Chính phủ khi dự thảo ngân sách được đưa ra Quốc hội; công bố ở mức độ nào đó về báo cáo kiểm toán, trong vòng sáu tháng và không chậm hơn 18 tháng sau khi kết thúc năm tài khóa. Ngoài ra, Việt Nam cần thực hiện và công bố báo cáo đánh giá ngân sách giữa năm.
Khảo sát ngân sách mở 2015 của tổ chức Đối tác Ngân sách Quốc tế là cuộc khảo sát độc lập quốc tế duy nhất về Chỉ số Công khai ngân sách (OBI) so sánh giữa các nước về ba trụ cột: mức độ minh bạch và công khai ngân sách, sự tham gia của công dân và các thể chế giám sát trong quy trình ngân sách.
Kết quả OBI 2015 cho thấy 98 trên tổng số 102 nước thực hiện khảo sát thiếu các hệ thống đảm bảo việc sử dụng có hiệu quả và hiệu lực của các quỹ công. Bên cạnh đó, 98 quốc gia không có một trong ba trụ cột của bộ chỉ số, 32 quốc gia không có cả ba trụ cột.
Chỉ có bốn quốc gia đạt cả ba trụ cột là Brazil, Na Uy, Nam Phi và Hoa Kỳ với đầy đủ cơ chế minh bạch ngân sách, tạo cơ hội cho công chúng tham gia và có các thể chế giám sát mạnh là nghị viện và kiểm toán tối cao.
Trong khi đó còn 32 quốc gia không đủ thông tin về cả ba trụ cột, và cung cấp rất hạn chế thông tin về ngân sách công hoặc không có thông tin nào, bao gồm Algeria, Bolivia, Campuchia, Trung Quốc, Guinea Papua, Fiji, Iraq, Myanmar, Qatar và Saudi Arabia./.