Minh bạch thông tin quyết định cho nền sản xuất thực phẩm an toàn

Sáng kiến tổ chức Hiệp hội Thực phẩm minh bạch tạo sự liên kết các nhà sản xuất nhằm đưa ra thị trường thực phẩm sạch, đạt các tiêu chuẩn an toàn đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của người tiêu dùng.
Minh bạch thông tin quyết định cho nền sản xuất thực phẩm an toàn ảnh 1Người tiêu dùng lựa chọn thực phẩm an toàn tại siêu thị. (Ảnh: Mạnh Linh/TTXVN)

Tình trạng thực phẩm bẩn hiện vẫn đang diễn ra khá nghiêm trọng gây ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe nhân dân. Vì thế Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn rất ủng hộ sáng kiến tổ chức Hiệp hội Thực phẩm minh bạch để chủ động liên kết các nhà sản xuất nhằm đưa ra thị trường thực phẩm sạch, đạt các tiêu chuẩn an toàn.

Đó là thông điệp mà Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Trần Thanh Nam phát đi tại Hội thảo chung tay xây dựng nền sản xuất thực phẩm an toàn, minh bạch do Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn phối hợp với Hiệp hội thực phẩm minh bạch (FTA) và Liên minh nông nghiệp Việt Nam tổ chức sáng nay (15/6), tại Hà Nội.

Thực phẩm minh bạch

Tiến sỹ Nguyễn Thị Hồng Minh, Trưởng Ban vận động thành lập Hiệp hội thực phẩm minh bạch cho biết, mục đích của FTA là liên kết chuỗi trách nhiệm với xã hội, môi trường để tạo ngành sản xuất thực phẩm an toàn và cung cấp những sản phẩm đảm bảo chất lượng, tạo cơ hội tiêu dùng thực phẩm sạch an toàn.

Theo bà Minh, thực phẩm bẩn đang trở thành mối nguy ngày càng tăng trong xã hội. Ăn gì, uống gì để đảm bảo vệ sinh đang là câu hỏi và nỗi lo lắng thường xuyên của tất cả mọi người dân. Việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong trồng trọt, thuốc kháng sinh trong chăn nuôi và chất bảo quản trong chế biến thực phẩm đang rất phổ biến và ngoài tầm kiểm soát của các cơ quan có trách nhiệm.

“Trước yêu cầu lớn về thực phẩm sạch, trên kệ hàng của các cửa hàng tiện ích và các siêu thị xuất hiện những sản phẩm có gắn nhãn sạch, nhãn GAP. Nhưng người tiêu dùng vẫn rất hoang mang về các nhãn hàng này, khi có không ít thông tin trên báo chí và mạng xã hội về việc hình thức, đối phó trong thực hiện cũng như việc cấp chứng nhận GAP,” bà Minh nói.

Chuyên gia an toàn thực phẩm Vũ Thế Thành cũng cho rằng, hiện có khoảng 56% người tiêu dùng đi tìm yếu tố minh bạch các sản phẩm thực phẩm sử dụng. Minh bạch có nghĩa là trách nhiệm, không giấu diếm, lập lờ để từ đó xây dựng lòng tin của khách hàng.

Minh bạch thông tin quyết định cho nền sản xuất thực phẩm an toàn ảnh 2Hộ chăn nuôi lợn đạt tiêu chuẩn VietGap ở thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Mạnh Linh/TTXVN)

Chuyên gia Vũ Thế Thành cũng chỉ rõ, minh bạch thông tin là sự tự nguyện cung cấp thêm thông tin về sản phẩm như việc truy xuất nguồn gốc, thành phần, chất lượng sản phẩm… còn quy định là yêu cầu của pháp luật mà các cơ sở phải đáp ứng được với từng loại sản phẩm.

Liên kết sản xuất an toàn

Theo chuyên gia Vũ Thế Thành, cùng với sự gia tăng dân số nhu cầu về thực phẩm cũng ngày càng tăng, từ đó nguồn cung cấp thực phẩm cũng gia tăng mạnh. Trong khi đó, nông nghiệp Việt nam phổ biến vẫn còn đang tình trạng manh mún và đường biên giới với các nước láng giềng trải dài hàng nghìn cây số, nên công tác quản nhà nước về an toàn thực phẩm không bao quát hết.

“Không một nền nông nghiệp nào có thể phát triển một cách bền vững nếu các nhà sản xuất không liên kết trên nền tảng tiêu chuẩn, chất lượng, phát triển thương hiệu và đáp ứng lợi ích người tiêu dùng,” chuyên gia Vũ Thế Thành bày tỏ quan điểm.

Tiến sỹ Nguyễn Thị Hồng Minh cũng cho hay, những cơ sở làm tốt vẫn đang tồn tại, nhưng họ rời rạc và đơn lẻ! Một số đang cố gắng làm sạch tùy vào sức của mình, nhưng họ quá nhỏ bé và thường bị thương nhân, thương lái ép đủ bề nếu họ không đủ sức bứt lên được để có kênh phân phối riêng. Số khác, đành tặc lưỡi cho qua vì bất lực trước sự cám dỗ và nguy hiểm của vòng xoáy lợi ích từ thực phẩm bẩn. Vì vậy, các doanh nghiệp tốt phải liên kết lại với nhau, minh bạch thông tin nông sản cho người tiêu dùng biết.

Trước thực tế đó, Thứ trưởng Trần Thanh Nam cho rằng, khẩu hiệu “Thực phẩm an toàn cần minh bạch” của Hiệp hội thực phẩm minh bạch là một tiêu chí đúng đắn. Vấn đề này phù hợp với nhu cầu của xã hội hiện nay, phù hợp với mong muốn quản lý của chính quyền và xu thế quản lý an toàn thực phẩm thế giới nhất là khi Việt Nam sắp tham gia vào hiệp định TPP và đã ký nhiều Hiệp định Thương mại với nhiều nước khác trên thế giới.

Theo Thứ trưởng Trần Thanh Nam, việc các nhà sản xuất liên kết lại thông qua Hiệp hội thực phẩm minh bạch không chỉ sẽ giúp giải quyết hiệu quả vấn đề an toàn vệ sinh mà còn sẽ giúp khắc phục tình trạng sản xuất manh mún, nhỏ lẻ trong sản xuất nông nghiệp. Qua đó, góp phần đưa nông nghiệp từng bước lên sản xuất lớn và nâng cao vị thế nhà sản xuất, tăng cường khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước và thế giới.

“Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn mong muốn các doanh nghiệp thực phẩm hãy tích cực tham gia vào Hiệp hội, chỉ có liên kết nông nghiệp Việt nam mới có thể phát triển bền vững. Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và các cơ quan thuộc bộ sẽ tích cực hỗ trợ về chính sách và chia sẻ thông tin để đưa cộng đồng doanh nghiệp thực phẩm minh bạch phát triển, ngày càng chiếm ưu thế chủ đạo của nền nông nghiệp Việt Nam,” Thứ trưởng Nam nhấn mạnh./.

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, năm 2015 cả nước có 29.500 trang trại. Trong số đó, 8.800 trang trại trồng trọt, 10.974 trang trại chăn nuôi, 430 trang trại lâm nghiệp, 5.268 trang trại thủy sản và 4.028 trang trại tổng hợp. Đồng thời cả nước có khoảng 741 công ty chế biến thực phẩm.

Song, chỉ có khoảng 1.585 cơ sở trồng trọt đạt GAP, có 26 cơ sở chăn nuôi đạt GAP, có 34 cơ sở thủy sản đạt GAP và có khoảng 554 công ty thủy sản được Cục chế biến Nông lâm thủy sản và Nghề muối (NAFIQAD-Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm.
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục