Tiếp thị thuốc tràn làn, cảnh báo dư lượng kháng sinh trong thủy sản

Chuyên gia EU-Mutrap cảnh báo, phải chú trọng đến nhóm hóa chất và kháng sinh mà con người chủ động đưa vào sản xuất thủy sản, trong đó cần hiểu danh mục nào được phép hoặc cấm sử dụng.
Tiếp thị thuốc tràn làn, cảnh báo dư lượng kháng sinh trong thủy sản ảnh 1Ảnh chỉ mang tính minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU sẽ mở ra cơ hội lớn cho ngành thủy sản của Việt Nam, tuy nhiên với những tiêu chuẩn kỹ thuật ​khắt khe đòi hỏi các doanh nghiệp trong nước phải nắm bắt được quy trình sản xuất, đặc biệt là tập trung kiểm soát chặt các loại hóa chất, kháng sinh.

Đây là thông tin được đưa ra tại Hội thảo "Quy định quốc tế và Việt Nam về hóa chất và kháng sinh sử dụng trong sản xuất thủy sản" do Dự án hỗ trợ chính sách Thương mại và đầu tư của châu Âu (EU-Mutrap) tổ chức sáng nay (27/5), tại Hà Nội.

Theo ông Nguyễn Tử Cương, chuyên gia EU-Mutrap cho biết, việc hội nhập sâu với thế giới cũng mở ra cơ hội về thị trường nhưng để tận dụng được điều đó, doanh nghiệp phải tuân thủ luật chơi chung và đáp ứng các quy định về thương mại.

Riêng đối với ngành thủy sản, ông Cương lưu ý các doanh nghiệp phải chú trọng đến nhóm hóa chất và kháng sinh mà con người chủ động đưa vào sản xuất, trong đó cần hiểu danh mục nào được phép hoặc cấm sử dụng.

"Nếu doanh nghiệp xuất khẩu có sử dụng các hóa chất, kháng sinh trong sản xuất thủy sản cần truy cập website của các nước nhập khẩu để đánh giá thử nghiệm và khảo nghiệm của từng loại qua đó nắm được liều dùng, đường dùng và thời gian ngừng sử dụng trước khi thu hoạch," ông Cương lưu ý.

Hiện thủy sản của Việt Nam đã xuất khẩu tới 150 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có 4 thị trường nhập khẩu lớn và ổn định là EU, Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc. Tuy nhiên, từ năm 2010-2015, Việt Nam đã có 323 lô hàng bị cảnh báo không đảm bảo an toàn thực phẩm tại các thị trường này.

Trong khi đó, Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) cho biết, mới cấp phép lưu hành cho 642 sản phẩm thuốc thú y thủy sản, trong đó có 501 sản phẩm được sản xuất trong nước và 141 sản phẩm nhập khẩu.

Nhưng trên thực tế, có rất nhiều sản phẩm ngoài danh mục được bán và sử dụng một cách tràn lan, thậm chí nhiều công ty còn cử nhân viên tiếp thị và bán thuốc thú ý ngay tại cơ sở nuôi trồng, gây khó khăn cho việc quản lý của địa phương, chưa kể người nuôi trồng tự mua và sử dụng một cách tùy tiện, dẫn đến khả năng tồn dư kháng sinh trong thủy sản rất lớn.

Trước thực tế đó, theo ông Bùi Trọng Khiêm, Chi Cục Quản lý chất lượng Nông lâm thủy sản Hải Phòng, để thủy sản của Việt Nam an toàn hơn cho sức khỏe của người tiêu dùng thì doanh nghiệp và người nuôi trồng cần tập trung kiểm soát chặt chẽ các loại hóa chất, kháng sinh nhiễm vào thủy sản nuôi.

Cụ thể là mối nguy thủy ngân lây nhiễm từ môi trường sống của thủy sản chủ yếu là cá kiếm và mối nguy nhiễm Histamin của nhóm cá thịt đỏ do nhiệt độ bảo quản không đạt và ​thời gian bảo quản kéo dài.

"Tuyệt đối không sử dụng kháng sinh, chất kích thích tăng trưởng trong sản xuất thức ăn và không sử dụng nguyên liệu như tinh bột, đậu nành, bột cá... quá hạn trong sản xuất thức ăn," ông Khiêm khuyến cáo./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục