Mô hình homestay đưa du khách đến gần hơn với đồng bào Cơ Tu

Homestay A Lăng Như sẽ là một sản phẩm có sức hấp dẫn đặc biệt với thị trường du khách quốc tế, du khách ưa trải nghiệm các sản phẩm gắn với cộng đồng, với tự nhiên, với sinh thái.
Mô hình homestay đưa du khách đến gần hơn với đồng bào Cơ Tu ảnh 1Homestay được thiết kế là nhà sàn 2 tầng có sức chứa khoảng 30 khách với các giường và rèm riêng biệt. (Ảnh: Quốc Dũng/TTXVN)

Với nụ cười nồng hậu, anh Đinh Văn Như thân thiện chào đón khách bằng câu tiếng Anh còn hơi gượng gạo, chưa trôi chảy: “Hello! Welcome to my homestay!”

Anh Như là chủ của Homestay A Lăng Như, mô hình du lịch cộng đồng đầu tiên của đồng bào Cơ Tu tại Đà Nẵng.

Để du khách biết rừng, biết suối, biết người Cơ Tu

Anh Đinh Văn Như có dáng người nhỏ nhắn, da nâu, mắt sáng, trông thân thiện trong chiếc áo thổ cẩm truyền thống.

Vừa dẫn khách đi tham quan mô hình mới mở của mình, anh vừa hồ hởi kể chuyện: "Tôi có ý tưởng về homestay này từ cách đây vài năm nhưng đến năm 2018 mới làm đề án báo cáo xã, huyện. Sau đó Ủy ban Nhân dân huyện Hòa Vang cho gia đình tôi vay vốn ưu đãi, chúng tôi vay mượn, tích góp thêm và xây dựng từ tháng 5 đến tháng 10/2019 hoàn thành giai đoạn 1.

Homestay A Lăng Như thuộc thôn Dàn Bí (xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng) có khuôn viên rộng rãi, mặt tiền là đường bêtông chính của thôn, phía sau là khe suối và mênh mông đồi núi.

Homestay được thiết kế đơn giản với hình dáng nhà sàn 2 tầng; tầng 1 là sảnh đón khách, khu ăn uống và sinh hoạt chung; tầng 2 là phòng nghỉ lớn có sức chứa khoảng 30 khách với các giường và rèm riêng biệt.

Việc trang trí nội ngoại thất cũng hết sức đơn giản, sử dụng nguyên liệu sẵn có tại địa phương như tre, gỗ, đá và các đồ dùng truyền thống của người Cơ Tu.

[Du lịch cộng đồng Homestay - điểm đến hấp dẫn ở vùng cao Tuyên Quang]

Mô hình homestay đưa du khách đến gần hơn với đồng bào Cơ Tu ảnh 2Người dân Cơ Tu hy vọng mô hình du lịch cộng đồng vừa gìn giữ văn hóa truyền thống, vừa cải thiện cuộc sống, giúp bà con thoát nghèo, phát triển bền vững. (Ảnh: Quốc Dũng/TTXVN)

Homestay có sân cỏ rộng rãi, phù hợp với các hoạt động vui chơi tập thể của du khách và biểu diễn văn hóa của người dân bản địa.

Không chỉ là nơi nghỉ, anh Đinh Văn Như muốn homestay của mình trở thành nơi giới thiệu cho du khách biết những nét đẹp về thiên nhiên, văn hóa, con người Cơ Tu.

Hiện nay 2 thôn đồng bào Cơ Tu ở xã Hòa Bắc là thôn Tà Lang và Dàn Bí đã thành lập Tổ hợp tác du lịch cộng đồng với trên 50 thành viên, do chính anh Đinh Văn Như làm tổ trưởng.

Trong tổ có 7 nhóm ngành nghề chính hoạt động ngay tại homestay là nhóm dệt thổ cẩm, đan lát, trecking, ẩm thực, cồng chiêng...

Anh Như cho biết những thành viên của tổ trước đây không có việc làm ổn định, chỉ đi làm thuê làm mướn, làm nông. Trồng rừng thì mấy năm mới được thu hoạch; gặp mưa bão, thiên tai là gãy đổ, hư hại. Chăn nuôi thì giá cả lên xuống thất thường, thua lỗ nhiều.

Tôi thấy nhà mình thuận tiện về giao thông, địa lý, thiên nhiên nên tìm hiểu và quyết định thực hiện đề án du lịch cộng đồng.

Từ du lịch sẽ kéo theo các dịch vụ khác như tổ dệt thổ cẩm, bà con dệt may các sản phẩm như ví, áo, túi sách... bán cho du khách.

Vừa gìn giữ văn hóa của mình, vừa cải thiện cuộc sống. Tôi hy vọng việc làm mới mẻ này sẽ giúp bà con thoát nghèo, phát triển bền vững.

Tạo mọi điều kiện cho người Cơ Tu phát triển du lịch cộng đồng

Anh Đinh Văn Như tâm sự để có được bước khởi đầu ngày hôm nay, bản thân anh đã trải qua quãng thời gian dài học hỏi, tìm tòi và nhận được sự giúp đỡ của nhiều ban ngành các cấp.

Mô hình homestay đưa du khách đến gần hơn với đồng bào Cơ Tu ảnh 3Anh Đinh Văn Như kiểm tra trang thiết bị homestay để sẵn sàng đón khách. (Ảnh: Quốc Dũng/TTXVN)

Ủy ban Nhân dân huyện Hòa Vang, Sở Du lịch thành phố Đà Nẵng thường xuyên quan tâm đến các hoạt động của tổ hợp tác như: tập huấn công tác phục vụ khách, mở lớp dạy dệt thổ cẩm, đan lát, đưa bà con đi tham quan, học hỏi ở các mô hình khác...

Qua các việc làm cụ thể, thiết thực ấy, anh có cảm hứng để làm du lịch, các thành viên trong các nhóm rất tích cực học hỏi để làm.

Hiện nay anh là người đầu tiên khởi nghiệp, nếu thành công thì bà con Cơ Tu sẽ nhân rộng mô hình này.

Vì vậy anh mong muốn các cấp lãnh đạo tiếp tục quan tâm hỗ trợ thêm vốn, hỗ trợ về tập huấn cho con em đồng bào Cơ Tu để biết cách làm.

Các cơ quan, tổ chức tiếp tục quan tâm quảng bá mô hình du lịch cộng đồng này đến những du khách mong muốn trải nghiệm cuộc sống của đồng bào, ngắm cảnh sông suối, núi rừng.

Là một trong những người đồng hành, gắn bó cùng bà con Cơ Tu phát triển du lịch cộng đồng, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Hòa Vang Bùi Nam Dũng cho biết việc mở ra mô hình chỉ là thành công ban đầu, còn rất nhiều việc phải làm để duy trì, phát triển mô hình này.

Điều cốt yếu là sự đồng bộ hóa trong việc xây dựng hệ sinh thái du lịch cộng đồng như: tăng cường sự đoàn kết, ý thức cộng đồng; xây dựng môi trường văn minh, sạch đẹp, an toàn; sự chuyên nghiệp trong tiếp đón, phục vụ du khách; đưa ra được các trải nghiệm phong phú dựa trên nền tảng văn hóa đặc sắc của đồng bào...

Còn theo Phó Giám đốc Sở Du lịch thành phố Đà Nẵng Nguyễn Xuân Bình, mô hình du lịch cộng đồng người Cơ Tu là một trong những sản phẩm du lịch mới, góp phần làm đa dạng cho ngành du lịch thành phố; không chỉ thuần túy là làm kinh tế mà còn gắn phát triển du lịch với văn hóa, đặc biệt là giới thiệu văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số Cơ Tu.

Đây sẽ là một sản phẩm có sức hấp dẫn đặc biệt với thị trường du khách quốc tế, du khách ưa trải nghiệm các sản phẩm gắn với cộng đồng, với tự nhiên, với sinh thái.

Sở Du lịch đã đồng hành cùng địa phương trong việc xây dựng sản phẩm này. Thời gian tới, Sở tiếp tục hỗ trợ việc quảng bá, giới thiệu mô hình này tới du khách cũng như các nhà đầu tư, cộng đồng dân cư liên quan.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ cũng hết sức quan tâm, khuyến khích mô hình du lịch cộng đồng của người Cơ Tu tại Hòa Bắc.

Ông cho biết để hỗ trợ người Cơ Tu phát triển mô hình này, Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Nẵng đã lên kế hoạch tổ chức lớp truyền nghề điêu khắc gỗ truyền thống miễn phí cho đồng bào người Cơ Tu trong địa bàn thành phố, với kinh phí 200 triệu đồng; giao Ủy ban Nhân dân huyện Hòa Vang phối hợp với các đơn vị mời các nghệ nhân giỏi, giàu kinh nghiệm về truyền nghề cho người dân địa phương.

Ông hy vọng trong thời gian tới, cộng đồng người Cơ Tu ở Đà Nẵng tiếp tục có sự phát triển mạnh mẽ, xuất hiện nhiều hơn nữa các nghệ nhân, các hộ gia đình tiêu biểu trong việc bảo tồn các nét văn hóa truyền thống đặc sắc, làm kinh tế, du lịch giỏi... từng bước đưa các xã Hòa Bắc, Hòa Phú trở thành điểm du lịch hấp dẫn, đặc sắc, có nét riêng của Đà Nẵng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục