Phần đầu phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về dự án Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh quy định danh hiệu vinh dự nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng.” Qua thảo luận, các ý kiến đồng tình với việc cần thiết phải sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh. Pháp lệnh quy định danh hiệu vinh dự Nhà nước "Bà mẹ Việt Nam anh hùng" năm 1994, chủ yếu mới xem xét, áp dụng cho các Bà mẹ có 3 con là liệt sỹ trở lên hoặc chỉ có 1 con hoặc 2 con nhưng đều là liệt sỹ.
Việc xem xét mở rộng đối tượng, tiếp tục tôn vinh các Bà mẹ đã có nhiều cống hiến, hy sinh vì sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế là phù hợp với truyền thống, đạo lý "Uống nước nhớ nguồn," "Đền ơn đáp nghĩa" của dân tộc Việt Nam.
Dự thảo Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung gồm 3 điều: Điều 1: Sửa đổi, bổ sung Điều 2, Điều 4 của Pháp lệnh quy định danh hiệu vinh dự Nhà nước "Bà mẹ Việt Nam anh hùng;" Điều 2: Hiệu lực thi hành; Điều 3: Trách nhiệm thi hành.
Thảo luận về việc sửa đổi, bổ sung các trường hợp công nhận danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng," Điều 2, Pháp lệnh hiện hành (1994) quy định 4 trường hợp được tặng hoặc truy tặng, đó là: Có 2 con là liệt sỹ và có chồng hoặc bản thân là liệt sỹ; có 2 con mà cả 2 con là liệt sỹ hoặc chỉ có 1 con mà người con đó là liệt sỹ; có từ 3 con trở lên là liệt sỹ; có 1 con là liệt sỹ, chồng và bản thân là liệt sỹ.
Theo dự thảo Pháp lệnh, Điều 2 quy định những trường hợp được công nhận danh hiệu vinh dự Nhà nước "Bà mẹ Việt Nam anh hùng": Có 2 con trở lên là liệt sỹ; chỉ có 1 con mà người con đó là liệt sỹ; chỉ có 2 con mà 1 con là liệt sỹ và 1 con là thương binh hoặc bệnh binh suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên; có 1 con là liệt sỹ và có chồng hoặc bản thân là liệt sỹ; hoặc có 1 con là liệt sỹ và bản thân là thương binh suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên.”
Tờ trình Pháp lệnh nêu rõ việc bổ sung các trường hợp nêu trên thể hiện sự trân trọng những cống hiến, hy sinh, tiếp tục tôn vinh các "Bà mẹ Việt Nam anh hùng" có các điều kiện tương tự, gần sát với các nhóm đối tượng đã được tôn vinh theo Pháp lệnh năm 1994, phù hợp yêu cầu thực tiễn.
Qua thảo luận, nhiều ý kiến của các đại biểu đề nghị cân nhắc thêm trường hợp bệnh binh suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên (khoản 3 Điều 2) vì cho rằng bệnh binh khi mất không được xem xét để phong tặng liệt sỹ như thương binh suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên.
Mặt khác nếu mở rộng đến đối tượng bệnh binh suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên, thì cũng nên xem xét đến trường hợp người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên (theo quy định của Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng, 2 đối tượng này được hưởng chế độ ưu đãi như nhau). Tuy nhiên một số ý kiến tán thành với phạm vi như Tờ trình đã nêu.
Sau khi thảo luận, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã biểu quyết thông qua Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh quy định danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”. Pháp lệnh sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2013.
Ngay sau nội dung thảo luận về dự án Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh quy định danh hiệu vinh dự nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng,” Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi). Các đại biểu đã thảo luận, cho ý kiến v ề một số nội dung: Bản chất hợp tác xã ; cơ chế chính sách hỗ trợ, ưu đãi của Nhà nước; tổ chức liên minh hợp tác xã; quy định quyền của hợp tác xã được thành lập công ty; quy định phân phối thu nhập của hợp tác xã; quản trị hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã.
Thời gian còn lại của buổi sáng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện lực. Phí điều tiết hoạt động điện lực là nội dung còn ý kiến khác nhau tại phiên thảo luận.
Theo Tờ trình, Chính phủ đề nghị sửa đổi Dự thảo Luật theo hướng giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội bổ sung phí điều tiết hoạt động điện lực vào Danh mục phí và lệ phí của Pháp lệnh phí và lệ phí. Tuy nhiên, qua thảo luận, đa số ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội không tán thành với việc quy định p hí điều tiết hoạt động điện lực trong dự án Luật. Nhiều ý kiến tại phiên thảo luận đề nghị cần quy định nội dung phòng chống thiên tai và bảo vệ môi trường vào dự án Luật này.
Phát biểu kết luận nội dung thảo luận dự án sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện lực, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu rõ: Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất không đưa quy định phí điều tiết hoạt động điện lực và cơ quan điều tiết điện lực vào dự án Luật; nhất trí quy định về nguyên tắc nội dung phòng chống thiên tai và bảo vệ môi trường trong dự án Luật.
Chiều 18/10, phiên họp thứ 12, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII sẽ họp phiên bế mạc./.
Sáng 18/10, tiếp tục Chương trình phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thảo luận và thông qua Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh quy định danh hiệu vinh dự nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng;” cho ý kiến về dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi) và dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện lực.
Quỳnh Hoa (TTXVN)