Mở rộng hệ thống canh tác lúa SRI tại Việt Nam

SRI hiện được đánh giá là kỹ thuật thâm canh thỏa mãn được 2 mục tiêu là đạt hiệu quả kinh tế cao và phát triển nông nghiệp bền vững.
Ngày 21/1, tại Hà Nội, Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) và Tổ chức Oxfam (Mỹ) phối hợp tổ chức Hội thảo ''Chia sẻ kinh nghiệm, bài học và hợp tác về hệ thống canh tác lúa cải tiến (SRI) khu vực sông Mekong''.

SRI (System of Rice Intensification) hiện đang được đánh giá là kỹ thuật thâm canh đầy triển vọng tại 20 nước, bởi nó thỏa mãn được cả 2 mục tiêu là đạt hiệu quả kinh tế cao và phát triển nông nghiệp bền vững.

Mô hình hệ thống SRI ứng dụng kỹ thuật mới để giảm mật độ gieo cấy, giảm nước tưới, giảm phân hóa học và thuốc trừ sâu. Theo cách thức thâm canh mới, cây lúa sẽ phát huy tối đa khả năng sinh trưởng, phát triển và có năng suất cao. Ứng dụng hệ thống canh tác lúa cải tiến, nhiều nước trên thế giới đã thu được năng suất đạt hơn 80 tạ/ha.

Theo ông Brian Lund, Trưởng đại diện Oxfam tại Việt Nam, Chương trình "Tăng cường năng lực cho nông dân trồng lúa quy mô nhỏ miền Bắc” là một hợp phần quan trọng trong Chương trình sinh kế cấp vùng do Oxfam thực hiện ở Campuchia, Việt Nam và Lào.

Tại Việt Nam, chương trình được thực hiện với sự hợp tác của Cục Bảo vệ thực vật, tổ chức Oxfam Quebec, Trung tâm Phát triển nông thôn bền vững và Đại học Nông nghiệp Hà Nội.

Với việc chú trọng tăng cường năng lực kỹ thuật cho người nông dân, Chương trình đã hỗ trợ mở rộng ứng dụng SRI tại 6 tỉnh điểm là Hà Nội, Yên Bái, Phú Thọ, Thái Nguyên, Nghệ An và Hà Tĩnh.

Tới thời điểm cuối vụ đông xuân 2009 có trên 264.000 nông dân áp dụng toàn phần và từng phần SRI trên 85.422 ha tại 21 tỉnh miền Bắc; trong đó tại 6 tỉnh chương trình hỗ trợ, số nông dân áp dụng và diện tích áp dụng chiếm 43%. Việc áp dụng SRI làm giảm chi phí đầu vào, tăng năng suất đã làm lợi thêm cho nông dân từ 1,8-3,5 triệu đồng/ha/vụ.

Trong chương trình hội thảo, đại diện một số nước sẽ chia sẻ thông tin, kinh nghiệm về hệ thống SRI,  thảo luận về áp dụng SRI, phát triển mạng lưới nông dân và truyền thông đối với SRI, cũng như vấn đề biến đổi khí hậu và sản xuất lúa sạch./.

Hoàng Tùng (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục