Theo ước tính, cả nước hiện có khoảng 254.000 người nhiễm HIV trong cộng đồng và mỗi năm có 12.000-14.000 trường hợp nhiễm mới HIV.
Trong số những người mới phát hiện nhiễm HIV trong năm 2015, nữ chiếm 34,1%, nam chiếm 65,9%; lây truyền qua đường tình dục chiếm phần lớn với 50,8%, lây qua đường máu chiếm 36,1%, mẹ truyền sang con chiếm 2,8% và không rõ nguyên nhân chiếm 10,4%...
Tại hội nghị tổng kết hoạt động phòng chống HIV/AIDS năm 2015 do Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) tổ chức ngày 14/1 tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết thời gian qua, công tác phòng chống HIV/AIDS tại Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu. Tuy nhiên, trong bối cảnh nguồn lực chủ yếu dựa vào viện trợ quốc tế đang bị cắt giảm nhanh, hoạt động này đang phải đối mặt với nhiều khó khăn.
Theo Thứ trưởng, thời gian tới, công tác phòng chống HIV/AIDS cần ưu tiên hoạt động dự phòng và chăm sóc, điều trị HIV/AIDS.
Theo báo cáo của Cục Phòng, chống HIV/AIDS, năm 2015, khoảng 10 triệu lượt người thuộc đối tượng đích của chương trình được truyền thông phòng chống HIV/AIDS (tăng gần 3 triệu lượt so với cùng kỳ năm trước).
Chương trình phân phát bơm kim tiêm được triển khai tại 53 tỉnh, thành phố, tiếp cận gần 100.000 người nghiện tiêm chích ma túy. Hoạt động phân phát bao cao su cũng được triển khai tại 50 tỉnh, thành phố cho các nhóm nguy cơ cao.
Hiện nay, cả nước có 1.000 phòng xét nghiệm sàng lọc HIV; 100 phòng xét nghiệm khẳng định tại 61/63 tỉnh, thành phố; 86 phòng xét nghiệm CD4 tại 51 tỉnh, thành phố và 6 cơ sở xét nghiệm tải lượng virus HIV.
Điều trị Methadone được triển khai mạnh mẽ tại 57 tỉnh với 239 cơ sở điều trị Methadone và trên 43.000 người được điều trị Methadone; thuốc Methadone được cấp phát đến tận tuyến xã, phường.
Điều trị ARV được triển khai ở tất cả 63 tỉnh, thành phố với 325 cơ sở điều trị, 562 trạm y tế triển khai cấp phát thuốc ARV...
Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS Nguyễn Hoàng Long cho biết HIV/AIDS hiện là vấn đề sức khỏe công cộng quan trọng, là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây gánh nặng bệnh tật ở Việt Nam. Số tích lũy HIV dương tính tiếp tục tăng cao với trên 200.000 người nhiễm HIV cần được chăm sóc, điều trị thường xuyên, liên tục, suốt đời.
Bên cạnh đó, do nguồn lực hạn chế nên mức độ bao phủ các dịch vụ phòng chống HIV/AIDS vẫn hạn chế, kể cả dự phòng, can thiệp giảm tác hại, xét nghiệm và điều trị cũng chưa đạt mức có thể khống chế được đại dịch HIV/AIDS.
Việt Nam tiếp tục phải đối mặt với khó khăn do nguồn lực cho phòng chống HIV/AIDS chủ yếu dựa vào viện trợ quốc tế đang cắt giảm, trong khi nguồn tài chính trong nước chưa kịp bù đắp thiếu hụt tài chính.
Đồng thời, thời gian vừa qua, các tổ chức quốc tế cắt giảm hoặc không chi trả lương và trợ cấp cho người thực hiện cung cấp các dịch vụ, dẫn đến thiếu hụt nhân lực. Hiện nay, nhân lực thay thế chưa được đào tạo về chuyên môn nghiệp vụ...
Năm 2016, ngành y tế tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp của Chiến lược quốc gia phòng, chống HIV/AIDS đảm bảo thực hiện mục tiêu khống chế tỷ lệ nhiễm HIV trong cộng đồng dân cư dưới 0,3%, hướng đến mục tiêu 90-90-90 (phấn đấu đến năm 2020 có 90% số người biết được tình trạng nhiễm HIV của mình, 90% số người đã chẩn đoán nhiễm HIV được điều trị thuốc ARV liên tục và 90% số người được điều trị ARV kiểm soát được tải lượng virus ở mức thấp và ổn định); đồng thời huy động sự tham gia của các ban, ngành, đoàn thể và toàn xã hội vào công tác phòng chống HIV/AIDS.
Bên cạnh đó, ngành y tế tiếp tục đẩy mạnh và mở rộng các hoạt động chuyên môn (như dự phòng, can thiệp giảm tác hại, giảm kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV, tư vấn, xét nghiệm...); củng cố và tăng cường mở rộng mạng lưới phòng, chống HIV/AIDS các tuyến theo hướng lồng ghép và phân cấp; đổi mới tài chính dựa vào tài chính trong nước…/.