Trang mạng chinausfocus.com đưa tin sự bùng phát bất ngờ đại dịch viêm đường hô hấp cấp do virus corona chủng mới (COVID-19) trong năm 2020 là một phép thử lớn về khả năng quản trị, bộc lộ những điểm yếu của nhiều quốc gia trong quản lý nhà nước và điều phối quôc tế, đồng thời cho thấy trật tự toàn cầu còn lâu mới hoàn hảo khi đối mặt với thực tế của thế kỷ XXI.
Mặc dù nhân loại đã đạt đến tầm cao chưa từng có về khoa học và công nghệ, nhưng vẫn "mong manh dễ vỡ" một cách đáng kinh ngạc khi bất ngờ phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng y tế.
Mặt khác, mối quan hệ Trung-Mỹ xấu đi đã cản trở hợp tác quốc tế đa phương và sự hỗ trợ đáng kể từ các nước lớn.
Sự hỗn loạn bầu cử ở Mỹ đã lắng xuống. Nhìn vào các tuyên bố chính sách của Joe Biden có thể thấy ông tương đối có lý khi tin rằng Mỹ nên tích cực tham gia vào các vấn đề quốc tế.
Tuy nhiên, nhiều người đã cảnh báo Trung Quốc không nên giả định mối quan hệ Trung-Mỹ sẽ dễ dàng trở lại con đường hợp tác.
[Tương lai quan hệ Trung-Mỹ và sự tác động tới trật tự thế giới]
Một số người thậm chí còn tin rằng một nước Mỹ do ông Biden lãnh đạo sẽ coi những thách thức từ Trung Quốc thậm chí còn nghiêm trọng và toàn diện hơn, đồng thời đặt trọng tâm vào cạnh tranh nhiều hơn.
Mặc dù vẫn còn sớm để nói như vậy, nhưng hầu hết mọi người đều dự đoán chính quyền ông Biden sẽ làm việc nhiều hơn với phía Trung Quốc để tìm cách giải quyết những khác biệt.
Các quốc gia khác cũng không muốn thế giới trở nên chia rẽ hơn do kết quả của cuộc xung đột Trung-Mỹ. Mong muốn duy trì chủ nghĩa đa phương và hợp tác toàn cầu vẫn chiếm ưu thế trên thế giới.
Sự thay đổi có ý nghĩa nhất trong thế giới hậu Chiến tranh Lạnh là sự bùng nổ của toàn cầu hóa được thúc đẩy bởi các lý tưởng đa phương.
Việc mở rộng thị trường toàn cầu và phân phối hiệu quả các nguồn lực đã đưa nhân loại bước vào một thời gì tăng trưởng cao liên tục, chưa từng có.
Tăng trưởng kinh tế thế giới cũng thúc đẩy đáng kể sự tiến bộ xã hội, giúp giảm tỷ lệ nghèo đói.
Tuy nhiên, toàn cầu hóa cũng đang được xem xét kỹ từ những quan điểm mới khi nó bị chỉ trích vì làm mất việc làm và dẫn đến chênh lệch giàu nghèo lớn hơn ở một số quốc gia.
Những tiếng nói chống toàn cầu hóa hay phi toàn cầu hóa cũng đã dấy lên trong cộng đồng quốc tế.
Thế nhưng, chúng ta không có giải pháp nào thay thế tốt hơn, việc từ bỏ toàn cầu hóa sẽ dẫn tới sự phân mảnh của thế giới và thậm chí còn gây ra nhiều hỗn loạn hơn.
Những tiếng nói chính thống đang kêu gọi tiếp tục toàn cầu hóa, đồng thời thừa nhận nhu cầu cải cách và cải thiện, đòi hỏi sự hợp tác ổn định giữa các nước lớn như Trung Quốc và Mỹ.
Theo quan điểm của Trung Quốc, hai vấn đề cần được giải quyết cùng với toàn cầu hóa.
Một là khía cạnh chính trị. Quỹ đạo của toàn cầu hóa đã không hoàn toàn phù hợp với mục đích ban đầu của "các nhà thiết kế" tiên phong là Mỹ và châu Âu.
Điều họ muốn không chỉ là toàn cầu hóa của một nền kinh tế thị trường mà còn là phương tây hóa tất cả hệ thống chính trị. Rõ ràng, phương tây hóa tất cả hệ thống chính trị đã không được hoàn thành.
Giữa Trung Quốc và Mỹ, sự khác biệt chính trị là vấn đề cốt lõi của sự tranh cãi và giờ đây là nguồn cơn gây căng thẳng. Mỹ tỏ ra thất vọng khi hình thức thay đổi chính trị mà họ mong muốn đã không diễn ra cùng với sự tăng trưởng kinh tế đáng chú ý của Trung Quốc.
Nhưng vấn đề thực sự là việc Mỹ cố gắng đưa các giá trị chính trị vào toàn cầu hóa là sai lầm. Toàn cầu hóa chính trị đã mất đi động lực, đặc biệt là sau khi phải trả giá đắt trong nỗ lực sớm thất bại nhằm chuyển hóa Afghanistan và Iraq.
Trong nỗ lực thúc đẩy toàn cầu hóa trong tương lai, các mục tiêu chính trị không thực tế gắn liền với nó cần phải được điều chỉnh.
Trung Quốc cũng cần nâng cao tính thuyết phục của mình trong việc giúp cộng đồng quốc tế hiểu và đánh giá cao hơn về những thành tựu và hệ thống Trung Quốc.
Điều này sẽ nuôi dưỡng sự nhận thức mạnh mẽ của cộng đồng cũng như sự đồng thuận rằng mỗi quốc gia được hưởng lợi bởi bất kỳ hệ thống nào mà họ cho là đúng.
Bằng cách ủng hộ toàn cầu hóa kinh tế, Trung Quốc đã thực hiện những thay đổi chấn động địa cầu cả về xây dựng quốc gia và xã hội.
Tuy nhiên, Mỹ và một số quốc gia khác tỏ ra khó chịu về những thành tựu của Trung Quốc, tin rằng Trung Quốc đã lợi dụng quá trình này thông qua cạnh tranh không lành mạnh.
Chính quyền Tổng thống Trump đã đối xử thô lỗ với Trung Quốc bằng việc tăng thuế quan, mặc dù thỏa thuận giai đoạn 1 đã xoa dịu chút ít cuộc đối đầu này. Ông Biden cũng đã đặt ra những câu hỏi về cải cách cơ cấu ở Trung Quốc - nước cương quyết phản đối sự "bắt nạt" của Mỹ và chống lại sự tách rời, đặc biệt trong lĩnh vực khoa học và công nghệ.
Căng thẳng giữa Trung Quốc và Mỹ cũng như bầu không khí đối đầu đã gây ra những rủi ro lan rộng trong cộng đồng quốc tế.
Những vấn đề như vậy cần được giải quyết hợp lý bởi cả hai quốc gia trong bầu không khí vui vẻ.
Trung Quốc đang nỗ lực cải thiện nhận thức về tuân thủ ở trong nước, nâng cao năng lực thực thi pháp luật và cải thiện môi trường thị trường thông qua cải cách.
Tuy nhiên, Trung Quốc sẽ chống lại các hành vi đơn phương, ngay cả khi nước này cần nâng cao năng lực của chính mình để tham gia vào các vấn đề thế giới và đóng góp vào toàn cầu hóa kinh tế.
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị trong một bài phát biểu hôm 7/11 tại trường Đại học Thanh Hoa đã cho rằng việc củng cố và cải thiện quản trị toàn cầu là việc làm cấp bách.
Theo Vương Nghị, khi đối mặt với những thách thức chung, sự lựa chọn giữa đoàn kết hay chia rẽ, mở cửa hay tách biệt, hợp tác hay đối đầu sẽ thử thách trí tuệ, lương tâm và lòng dũng cảm của nhân loại.
Trung Quốc đã từng bước phát triển từ một nước học hỏi ban đầu trở thành một nước có vai trò quan trọng trong toàn cầu hóa kinh tế.
Hiện Trung Quốc đang phấn đấu trở thành một trong những lực lượng hàng đầu khuyến khích hợp tác quốc tế.
Sự đồng thuận và xây dựng cơ chế của cộng đồng quốc tế về biến đổi khí hậu là một ví dụ điển hình, và Trung Quốc đã trở thành một bên tham gia quan trọng và là một lực lượng thúc đẩy.
Sự thể hiện xuất sắc của Trung Quốc trong việc ngăn chặn đại dịch COVID-19 đã tạo điều kiện thuận lợi và năng lực để nước này thúc đẩy phòng thủ toàn cầu chống đại dịch, vốn cũng sẽ là một lĩnh vực ưu tiên trong hợp tác Trung-Mỹ trong tương lai.
Nếu chính quyền tiếp theo của Mỹ có thể đầu tư nghiêm túc vào hợp tác quốc tế, Trung Quốc và Mỹ sẽ có thể tìm ra những con đường mới cho việc hợp tác chung.
Cùng nhau, hai nước có thể giúp nhân loại đánh bại đại dịch và trở lại con đường hợp tác bình thường, và họ có thể đóng một vai trò quan trọng trong việc cải thiện quản trị toàn cầu và thúc đẩy tiến bộ lành mạnh. Đây cũng là điều mà các nước khác hy vọng nhìn thấy./.