Theo phân tích của viện sỹ thông tấn, giáo sư, tiến sỹ Học viện Ngoại giao Nga Sergey Afonsev, không giống như những yếu tố thị trường thường có tác động lâu dài tới sự phát triển của nền kinh tế thế giới và chỉ trở nên rõ ràng sau một thời gian đáng kể, các yếu tố địa chính trị trong hầu hết các trường hợp đều gây ảnh hưởng nhanh chóng và mạnh mẽ.
Cùng với đó, sự đa sắc màu phức tạp của những hình thức hợp tác kinh tế toàn cầu, được nuôi dưỡng trong nhiều thập niên bởi “bàn tay vô hình” của thị trường với sự hỗ trợ của các guồng máy ngoại giao quốc tế, có thể bị phá hủy hoàn toàn trong vài năm bởi những hành động của các đối thủ địa chính trị.
Những hậu quả tiềm tàng của cuộc đối đầu địa chính trị giữa Mỹ và Trung Quốc, bắt đầu từ năm 2018, được phản ánh ngày càng rõ nét hơn qua thước đo kinh tế. Đã có rất nhiều ý kiến bình luận dự đoán về động cơ của giới tinh hoa chính trị Mỹ trong bối cảnh áp lực kinh tế đối với Trung Quốc ngày càng gia tăng, và những biện pháp trả đũa mà Bắc Kinh có thể thực hiện khi xung đột địa chính trị leo thang.
Tương tự như vậy, cũng có câu hỏi đặt ra là liệu các ưu tiên địa chính trị và tham vọng của các bên có thể biện minh cho những tổn thất về kinh tế mà hai nước có khả năng phải gánh chịu hay không.
Hậu quả của cuộc đối đầu địa chính trị giữa Mỹ và Trung Quốc hiện vẫn đang tiếp tục phát triển sẽ ảnh hưởng như thế nào đối với nền kinh tế thế giới? Liệu lợi ích kinh tế của Liên bang Nga khi đó có bị ảnh hưởng?
Để trả lời những câu hỏi này, trước hết, phải xác định các kênh dự kiến ảnh hưởng tới cuộc đối đầu địa chính trị giữa Mỹ và Trung Quốc, cũng như tới các quá trình đang diễn ra trong nền kinh tế thế giới.
Chuỗi giá trị hàng hóa bị đứt gãy
Đầu tiên, xung đột Mỹ-Trung xuất phát từ các động cơ địa chính trị, tác động trực tiếp tới nền kinh tế hai nước, thu hẹp hợp tác thương mại và đầu tư, cũng như phá vỡ chuỗi giá trị gia tăng - vốn được tạo ra nhờ nỗ lực của các công ty Mỹ và Trung Quốc tìm cách tối ưu hóa các yếu tố cạnh tranh của hai nước.
Từ mùa Xuân năm 2020, ngày càng khó có thể coi nhẹ kịch bản, mà theo đó đối đầu địa chính trị giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ ảnh hưởng tới tất cả các phương diện quan trọng trong hợp tác song phương, bao gồm cả lĩnh vực đầu tư và công nghệ. Trước hết, cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung trên thực tế là một biểu hiện của việc tăng cường rào cản thương mại thế giới, do Mỹ thực hiện chính sách “đảo chiều bảo hộ thương mại” gây ra.
Theo số liệu của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), trong giai đoạn từ tháng 7-11/2018, khối lượng thương mại thế giới bị bao vây bởi các rào cản nhập khẩu mới do các nước thuộc Nhóm các nền kinh tế mới nổi và phát triển hàng đầu thế giới (G20) tái thiết lập, tăng 6,5 lần so với giai đoạn được quan sát trước đó (từ tháng 11/2017-tháng 7/2018), đạt mốc chưa từng có tiền lệ là 481 tỷ USD. Con số này trong giai đoạn từ tháng 11/2019 đến tháng 5/2020 ở mức 418 tỷ USD.
Mặc dù vậy, tổng khối lượng thương mại thế giới, mặc dù phải chịu tác động của các biện pháp hạn chế nhập khẩu, vẫn đạt 1.570 tỷ USD vào năm 2019, với thương mại Mỹ-Trung đóng góp gần 47%.
Trái ngược với sự tăng trưởng nhanh chóng về kim ngạch thương mại song phương trong giai đoạn 2012-2017 (khi xuất khẩu của Mỹ sang Trung Quốc tăng 25% và nhập khẩu từ Trung Quốc tăng 27%), các số liệu của những năm gần đây đã đi xuống.
Giai đoạn 2017-2019, xuất khẩu của Mỹ sang Trung Quốc giảm 18% và nhập khẩu giảm 10,5%. Năm 2020, do đại dịch COVID-19 và các mối quan hệ song phương giữa hai nước xấu đi, sự suy giảm có thể còn lớn hơn.
Việc cắt đứt quan hệ với một đối tác thương mại hàng đầu là Mỹ, vốn chiếm 22,3% kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc trong năm 2017 (và 18,1% trong năm 2019), chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến triển vọng tăng trưởng kinh tế của nước này. Tuy nhiên, nền kinh tế Mỹ cũng sẽ bị ảnh hưởng. Các công ty Mỹ đầu tư vào Trung Quốc và đã thiết lập quan hệ hợp tác với các công ty của nước này với mục tiêu triển khai một cách tối ưu về địa lý các chuỗi công nghệ, cho phép đảm bảo khả năng cạnh tranh tối đa của sản phẩm được chế tạo.
Tuy nhiên, bất chấp sức hấp dẫn đáng kể của một chiến lược như vậy, ngay cả trước khi nổ ra cuộc chiến thương mại, lợi nhuận của các nhà đầu tư Mỹ cũng đã giảm đi đáng kể do mức lương thực tế ở Trung Quốc không ngừng tăng lên trong nhiều năm gần đây.
Bên cạnh đó, các công ty Trung Quốc vốn đã lớn mạnh trong nền công nghiệp với hoạt động sao chép (hợp pháp và bất hợp pháp) về công nghệ đang tạo sự cạnh tranh ngày càng mạnh mẽ và tiềm năng của sức nóng cạnh tranh khó có thể bị hạ nhiệt trong tương lai gần.
Theo ước tính của Oxford Economics, các quan hệ kinh tế với Trung Quốc đã bảo đảm việc làm cho hơn 2,55 triệu người Mỹ, bao gồm lao động làm việc trong các lĩnh vực có xuất khẩu hàng hóa sang Trung Quốc và cả những nhân công làm việc các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp từ Trung Quốc.
Đồng thời, sự hội nhập chặt chẽ của các nhà sản xuất Trung Quốc vào chuỗi sản xuất-tiêu thụ của những công ty Mỹ có thể làm cho khoảng cách giữa chúng rất khó bị phá vỡ. Khối lượng giá trị gia tăng được tạo ra ở Trung Quốc thường ít hơn nhiều lần so với giá thành của các linh kiện Mỹ mà công ty Trung Quốc sử dụng với vai trò nhà sản xuất sản xuất sản phẩm cuối cùng.
Tác động đối với các nước thứ ba
Các hiệu ứng kinh tế gián tiếp còn ảnh hưởng đến nền kinh tế của các nước thứ ba trong vai trò là đối tác thương mại và đầu tư của Mỹ và Trung Quốc. Những hiệu ứng này có thể biểu hiện ở sự thay đổi về khối lượng và cơ cấu nhu cầu nhập khẩu đối với sản phẩm của các quốc gia tương ứng, trong việc điều chỉnh lại các kế hoạch đầu tư và dự án cung cấp viện trợ kinh tế cho phát triển.
Xung đột Mỹ-Trung cũng có thể chấm dứt sự tham gia của các công ty thuộc nước thứ ba trong chuỗi giá trị gia tăng hình thành trước đây với sự tham gia của các công ty Mỹ và Trung Quốc bị phá vỡ.
Bên cạnh đó là những tác động gián tiếp của các biện pháp trừng phạt ảnh hưởng đến các nước thứ ba, ví dụ như các biện pháp trừng phạt thứ cấp của Mỹ nhằm vào những công ty hợp tác với công ty Trung Quốc. Trên thực tế, lo ngại về nguy cơ bị áp đặt các biện pháp hạn chế đã dẫn đến việc đình chỉ hợp tác trên quy mô lớn giữa nước bị áp đặt trừng phạt và các công ty của nước thứ ba.
Mặt khác, bất kỳ sự thay đổi nào về tốc độ tăng trưởng của hai nền kinh tế lớn nhất thế giới trong điều kiện các mâu thuẫn địa chính trị ngày càng gia tăng, dù bằng cách này hay cách khác đều sẽ ảnh hưởng đến biến động giá cả của các hàng hóa thiết yếu và chỉ số chứng khoán toàn cầu. Kênh chứng khoán chịu ảnh hưởng của các mâu thuẫn địa chính trị có thể trở thành một trong những nguồn gốc bất ổn đối với các nước có thị trường đang phát triển.
Dự kiến các nước là đối tác kinh tế của Trung Quốc sẽ bị thiệt hại đáng kể. Tốc độ tăng trưởng chậm lại của nền kinh tế Trung Quốc chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới khối lượng (và giá cả) nhập khẩu sản phẩm thô. Đây là tin bất lợi cho các nhà xuất khẩu nguyên liệu thô của Mỹ Latinh, châu Phi và Thái Bình Dương (bao gồm cả Australia).
Ngoài ra, áp lực ngày càng tăng đối với nền kinh tế Trung Quốc có thể làm suy giảm khối lượng đầu tư của Trung Quốc ra nước ngoài. Theo những thông tin của dự án nghiên cứu dòng vốn đầu tư Trung Quốc China Global Investment Tracker, giá trị đầu tư trực tiếp của Trung Quốc (bao gồm cả đầu tư vào xây dựng) vào Mỹ đã giảm từ 53,12 tỷ USD năm 2016 xuống 4,55 tỷ USD năm 2019.
Cũng trong giai đoạn trên, đầu tư vào các nước tham gia sáng kiến "Vành đai và Con đường" (BRI) đã giảm dần mỗi năm từ 117,43 tỷ USD xuống 106,15 tỷ USD. Đầu tư của Trung Quốc vào Pakistan, quốc gia được coi là đối tác quân sự quan trọng của Bắc Kinh, đã giảm từ 10,64 tỷ USD xuống 5,37 tỷ USD. Đầu tư vào các quốc gia Nam Mỹ giảm từ 19,44 tỷ USD xuống 12,82 tỷ USD, vào các nước phía Nam châu Phi giảm từ 25,95 tỷ USD xuống 20,96 tỷ USD.
[Chính phủ Nga lập cơ quan mới để quản lý cải cách cơ cấu kinh tế]
Nếu tính thêm những hậu quả tiêu cực của đại dịch COVID-19, kỳ vọng của nhiều nước có thị trường đang phát triển vào các khoản đầu tư của Trung Quốc với vai trò là nguồn tăng trưởng kinh tế ngày càng trở nên viển vông.
Tình hình có thể còn tồi tệ hơn nếu trong những tháng sắp tới chế tài trừng phạt trong Luật về quyền tự trị của Khu hành chính đặc biệt Hong Kong (Trung Quốc) và Sắc lệnh hành chính “Về bình thường hóa tình hình tại Hong Kong” do Tổng thống Mỹ Donald Trump ký ngày 14/7 được thực thi. Chính quyền Mỹ dường như sẵn sàng sử dụng chiến thuật gây sức ép toàn diện theo từng giai đoạn. Kịch bản có nhiều khả năng diễn ra nhất là Washington có thể lần lượt áp dụng các biện pháp trừng phạt nhằm vào những ngân hàng quốc gia lớn nhất của Trung Quốc.
Điều này đồng nghĩa với việc các thể chế tài chính của Trung Quốc không chỉ bị tước quyền tiếp cận các khoản tín dụng của những định chế tài chính Mỹ (mà đa phần không quá quan trọng đối với các ngân hàng Trung Quốc) và lệnh cấm giao dịch tiền tệ, mà Mỹ còn có thể xếp các thể chế này là “đối tác nguy hại” và rất có thể sẽ áp đặt những biện pháp trừng phạt thứ cấp đối với các chủ thể kinh tế nước ngoài khi phối hợp hoạt động với một đối tác như thế. Chắc chắn một khung pháp lý cho việc áp dụng các biện pháp trừng phạt thứ cấp như vậy có thể được tạo ra trong thời gian ngắn. Do đó, nhiều nước tham gia các dự án trong khuôn khổ BRI không lâu nữa có thể phải đối mặt với nguy cơ bị Mỹ áp đặt các biện pháp trừng phạt vì hợp tác với các nhà đầu tư Trung Quốc.
Áp lực đối với lĩnh vực công nghệ Trung Quốc cũng đang ngày càng tăng. Các cáo buộc đánh cắp công nghệ, cũng như những biện pháp hạn chế trong lĩnh vực xuất khẩu của Mỹ đang áp dụng chỉ là những nét chấm phá đầu tiên của bức tranh đang được những người ủng hộ ý tưởng duy trì “ngôi vị dẫn đầu nền công nghệ toàn cầu của Mỹ” vẽ nên.
Và khi áp lực trở nên ngày càng lớn thì Trung Quốc sẽ gặp khó khăn trong việc duy trì nhịp độ phát triển lĩnh vực công nghệ cao, còn các công ty hàng đầu của Trung Quốc ngày càng khó có khả năng chống lại cái gọi là địa vị “đối tác nguy hại” do Mỹ áp đặt.
Tăng trưởng kinh tế toàn cầu giảm tốc
Vào cuối năm 2019, khi cuộc khủng hoảng liên quan đến đại dịch COVID-19 còn chưa phát triển, sự gia tăng của các mâu thuẫn thương mại quốc tế được coi là một trong những yếu tố chính đe dọa triển vọng tăng trưởng kinh tế.
Các tính toán thời kỳ đó cho rằng việc nền kinh tế thế giới sa vào chủ nghĩa bảo hộ và các cuộc chiến thương mại quy mô lớn bùng nổ có thể khiến GDP toàn cầu mất ít nhất 1,5 điểm phần trăm. Trong khi đó, xung đột giữa Mỹ và Trung Quốc đóng góp vào sự suy giảm này ước tính là 0,8-0,9 điểm phần trăm. Vào thời điểm hiện tại, các đánh giá này có thể phải điều chỉnh.
Nguyên nhân thứ nhất là bởi cuộc đối đầu giữa Mỹ và Trung Quốc bao hàm cả những vấn đề về đầu tư-công nghệ, đang ngày càng vượt xa phạm vi của một cuộc chiến thương mại.
Thứ hai, việc các xung đột diễn ra giữa đại dịch COVID-19 làm thay đổi một cách căn bản các dự báo về sự phát triển của nền kinh tế thế giới, làm cho các cú sốc địa chính trị càng thêm trầm trọng.
Trong những điều kiện như vậy, dự báo sẽ có hai kịch bản. Nếu xung đột Mỹ-Trung chỉ giới hạn ở việc thỏa thuận thương mại giai đoạn một được ký kết vào đầu năm 2020 bị đổ bể và các rào cản thương mại và đầu tư song phương mới được áp dụng, mà chưa sử dụng các công cụ trừng phạt, thì nền kinh tế Trung Quốc trong năm 2020 có thể sẽ mất khoảng 1,3 điểm phần trăm tăng trưởng GDP (chưa kể thiệt hại do COVID-19).
Tổn thất của nền kinh tế Mỹ sẽ nhỏ hơn đáng kể (trong khoảng 0,3-0,4 điểm phần trăm tăng trưởng GDP). Nhưng nếu tính đến những hậu quả tiêu cực gián tiếp đối với các nước khác, thì toàn bộ nền kinh tế thế giới có nguy cơ mất khoảng 0,8 điểm phần trăm tăng trưởng.
Tuy nhiên, trong bối cảnh của cuộc khủng hoảng COVID-19, những tổn thất bổ sung này sẽ làm trầm trọng hơn đáng kể tình trạng suy thoái trong nền kinh tế toàn cầu, với mức giảm ước tính là 4,9% - theo dự báo hồi tháng 6/2020 của IMF. Đồng thời, IMF cũng dự báo kinh tế Trung Quốc sẽ đứng bên bờ vực suy thoái.
Cuộc đối đầu Mỹ-Trung nếu leo thang và dẫn tới việc hai bên phải áp đặt trừng phạt lẫn nhau thì sẽ gây ra những hệ lụy lớn hơn. Tổn thất của Mỹ do đứt gãy chuỗi giá trị gia tăng với Trung Quốc trong trường hợp này có thể lên tới 0,6 điểm phần trăm, thì đối với Trung Quốc, thiệt hại trong ngắn hạn có thể lên tới 1,6-1,8 điểm phần trăm.
Nếu tính tới quy mô của nền kinh tế Mỹ, để Trung Quốc có thể ngay lập tức tìm thị trường tiêu thụ khác thay thế hay đối tác về chuỗi sản xuất và nguồn đổi mới công nghệ là việc không hề dễ dàng. Trong trường hợp Mỹ biến các công ty Trung Quốc bị áp đặt trừng phạt trở thành những “đối tác nguy hại” thì ảnh hưởng đối với các đối tác ở nước thứ ba sẽ khá nghiêm trọng. Nhìn chung, việc kịch bản này trở thành hiện thực sẽ làm cho tăng trưởng GDP toàn cầu giảm từ 1-1,1 điểm phần trăm.
Theo quan điểm của phía Nga, sức ép đối với thị trường nguyên liệu toàn cầu do nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại là yếu tố rủi ro chính trong bối cảnh đối đầu Mỹ-Trung. Điều này có thể dẫn đến giảm thu ngân sách và nguồn lực dành cho phát triển. Ví dụ như việc thực hiện dự án “Sức mạnh Siberia” có triển vọng hoàn vốn rất khó khăn, ngay cả với giá khí đốt tự nhiên hiện nay. Bên cạnh đó, đồng ruble từ đầu năm 2020 đã cho thấy mức độ ổn định tương đối kém trước các biến động tiêu cực của thị trường thế giới. Dòng vốn giảm cũng là một yếu tố tiêu cực khác.
Những hiệu ứng này có thể được bù đắp một phần bằng cách tăng cường hợp tác với các công ty Trung Quốc quan tâm tới việc mở rộng đối tác tùy thuộc vào mức độ gia tăng sức ép từ phía Mỹ. Tuy nhiên, tầm quan trọng của yếu tố này sẽ hoàn toàn được quyết định bởi mức độ sẵn sàng tham gia của các nhà sản xuất Nga vào chuỗi giá trị gia tăng do các công ty Trung Quốc tạo ra, cũng như việc các cơ quan quản lý của Nga sẵn sàng cho phép tạo ra các chuỗi giá trị này ở quy mô lớn trên lãnh thổ nước Nga.
Cho đến nay, các cơ quan quản lý của Nga vẫn có thái độ rất thận trọng với những chuỗi đa phần được định hướng vào việc tạo ra các sản phẩm phục vụ thị trường nội địa Nga kiểu này, và không phải vô cớ mà họ nhận thấy từ đó mối đe dọa đối với các công ty trong nước. Lập trường này hiện đang được chuyển tải một cách thành công vào những giải pháp của nhà nước, cũng như các nghị quyết được thông qua ở bình diện Liên minh Kinh tế Á-Âu.
Việc thực hiện các dự án hợp tác công nghệ, có thể đảm bảo tạo ra những sản phẩm mới đủ khả năng cạnh tranh trên các thị trường thế giới được đánh giá là thích hợp hơn cả trong bối cảnh hiện nay.
Trở ngại chủ yếu là số lượng các công ty Nga có trình độ công nghệ đạt chuẩn mà hợp tác với các đối tác Trung Quốc tiềm năng lại không nhiều, trong bối cảnh các mối đe dọa trừng phạt đang nhằm vào những công ty Nga, và trong thời gian sắp tới có thể là cả vô số công ty công nghệ của Trung Quốc.
Trong những điều kiện này, các hiệu ứng tiêu cực của cuộc đối đầu giữa Mỹ và Trung Quốc đối với nền kinh tế Nga rất có khả năng sẽ chiếm ưu thế so với những hiệu ứng tích cực, ảnh hưởng của chúng trong việc kìm hãm tăng trưởng GDP của Nga có thể là 0,2-0,3 điểm phần trăm.
Các đánh giá trên đã cho thấy những hậu quả khi quan hệ kinh tế Mỹ-Trung xấu đi cùng với những tác động lâu dài tới nền kinh tế toàn cầu.
Trong các cuộc thảo luận của giới chuyên gia nghiên cứu Nga-Trung trong thời kỳ đầu khi nước Nga phải chịu sức ép trừng phạt (2014-2015), khi đó quan điểm chung của người Nga là hy vọng sớm khôi phục các quan hệ kinh tế đã phải chịu hậu quả của các chế tài trừng phạt, còn người Trung Quốc khi đó vẫn đặt niềm tin vào mối quan hệ Mỹ-Trung sẽ không theo xu hướng tiêu cực như đang xảy với Nga. Kỳ vọng của họ đã không thể trở thành hiện thực.
Vào năm 2018, một số chuyên gia nghiên cứu Trung Quốc còn cho rằng hai nền kinh tế (Mỹ-Trung) có độ phụ thuộc lẫn nhau cao và vẫn còn hy vọng vào việc giải quyết một cách nhanh chóng các mâu thuẫn với đối tác Mỹ.
Tuy nhiên, kinh nghiệm cho thấy theo quan điểm của các đối thủ được định hướng bởi những nhiệm vụ địa chính trị ưu tiên, thì sự phụ thuộc lẫn nhau như vậy không phải là điều kiện giúp giảm thiểu khó khăn mà lại làm cho xung đột càng thêm trầm trọng.
Sự đối địch Mỹ-Trung sẽ mang tính chất lâu dài và gây ảnh hưởng tiêu cực tới nền kinh tế thế giới./.