Báo Mỹ: Đừng hy vọng ông Biden chấm dứt các cuộc chiến thương mại

Nếu ứng viên của đảng Dân chủ Joe Biden trở thành tổng thống Mỹ vào tháng 1/2021, việc hàn gắn mối quan hệ thương mại của Mỹ với Trung Quốc sẽ không nằm trong danh sách ưu tiên hàng đầu của ông.
Báo Mỹ: Đừng hy vọng ông Biden chấm dứt các cuộc chiến thương mại ảnh 1Ứng viên tranh cử Tổng thống Mỹ của đảng Dân chủ Joe Biden. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Tạp chí Foreign Policy đã đăng bài viết có tựa đề “Ông Biden sẽ không chấm dứt các cuộc chiến thương mại,” nội dung chính như sau:

Nếu ứng viên của đảng Dân chủ Joe Biden trở thành tổng thống Mỹ vào tháng 1/2021, việc hàn gắn mối quan hệ thương mại của Mỹ với Trung Quốc sẽ không nằm trong danh sách ưu tiên hàng đầu của ông.

Ông Biden đã tuyên bố dứt khoát rằng ông sẽ không tham gia bất kỳ thỏa thuận thương mại mới nào “cho đến khi chúng tôi thực hiện các khoản đầu tư lớn ở trong nước, vào người lao động và các cộng đồng của chúng tôi.”

Đừng mong đợi một nước Mỹ do ông Biden lãnh đạo sẽ tham gia vào Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), tái khởi động các cuộc đàm phán về một thỏa thuận mới với Liên minh châu Âu (EU) hay sẽ sớm theo đuổi các thỏa thuận thương mại với các khu vực khác.

Tuy nhiên, đối với phần còn lại của thế giới, 4 năm hứng chịu thuế quan và các đòn trừng phạt của Tổng thống Mỹ Donal Trump khiến cho việc xây dựng các quan hệ thương mại tốt đẹp hơn trở thành một ưu tiên hàng đầu.

Cách ông Biden xử lý khéo léo tình huống giằng co đó sẽ quyết định liệu nước Mỹ có lấy lại được phần nào vai trò lãnh đạo đã bị "xé tả tơi" trong trật tự kinh tế quốc tế hay không, hay sẽ đứng nhìn trong khi thế giới ngày càng trở nên xấu đi trong các cuộc chiến thương mại ăn miếng trả miếng.

Xét từ góc độ đối nội của Mỹ, các ưu tiên của ông Biden hoàn toàn đúng. Thiếu đầu tư vào việc tái đào tạo lực lượng lao động, việc tiếp cận với giáo dục, cơ sở hạ tầng thiết yếu, cũng như mã số thuế hỗ trợ lao động bị sa thải đã giúp giải thích tại sao người dân Mỹ đã chán nản với thương mại.

Cựu Tổng thống Barack Obama, sau khi ra tranh cử với tư cách là một người hoài nghi về thương mại vào năm 2008, đã theo chân những người tiền nhiệm trong việc theo đuổi một chương trình nghị sự tham vọng để mở rộng thương mại, đặc biệt với châu Á, bất chấp các bằng chứng gia tăng cho thấy nhập khẩu từ Trung Quốc đang hủy hoại các công việc sản xuất của nước Mỹ.

[Mối tương quan giữa quan hệ Mỹ-Trung và chủ nghĩa đa phương]

Bất mãn về thương mại đã giúp ông Trump thắng cử trong cuộc bầu cử năm 2016 tại các bang công nghiệp quan trọng như Michigan, Wisconsin và Pennsylvania.

Năm nay, đảng Dân chủ quyết tâm không mắc lại sai lầm tương tự. Kế hoạch của ông Biden để “xây dựng lại tốt hơn” nói rõ rằng, “mục tiêu của bất kỳ quyết định nào về thương mại phải là xây dựng tầng lớp trung lưu của nước Mỹ, tạo công ăn việc làm, tăng lương và củng cố cộng đồng.”

Tuy nhiên, thế giới không thể chờ đợi trong nhiều tháng hoặc nhiều năm để chính quyền mới ở Mỹ đưa ra các chính sách đối nội và đợi thêm nhiều năm nữa để các chính sách đó phát huy tác dụng.

Sau 4 năm của chính quyền Trump, hệ thống thương mại quốc tế đang sụp đổ. Một danh sách ngắn các ưu tiên khẩn cấp bao gồm: sửa đổi Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) đang bị đổ vỡ, xây dựng một liên minh mạnh mẽ hơn để đương đầu với Trung Quốc về kinh tế, giải quyết các khác biệt với châu Âu về thuế và các quy định về quyền riêng tư đối với các công ty kỹ thuật số và tránh rơi vào một vòng xoáy các cuộc thương chiến mới về việc sử dụng thuế biên giới để trừng phạt các ngành công nghiệp phát thải nhiều carbon.

Một chính quyền của ông Biden không thể chỉ cầu xin thế giới đứng yên, trong khi nước Mỹ sắp xếp lại trật tự trong nước.

Có thể chính các kế hoạch của ông Biden sẽ khiến cho các cuộc xung đột thương mại trở nên tồi tệ hơn, ít nhất trong ngắn hạn. Điều này xuất phát từ các đề xuất kinh tế của ông Biden, bao gồm đối xử ưu đãi với hàng hóa do Mỹ sản xuất, một danh sách dài các khoản trợ cấp đối với các ngành công nghiệp nội địa và lệnh cấm đối với các công ty nước ngoài mua sắm chính phủ.

Đây chính xác là những kiểu thực hành bảo hộ mà các thỏa thuận thương mại trước đây đã bị các chính phủ và tập đoàn lạm dụng bừa bãi và thường dẫn tới vòng xoáy trả đũa của các nước khác.

Ví dụ, ông Biden muốn thực hiện kế hoạch “Mua hàng hóa của Mỹ” trị giá 400 tỷ USD tập trung vào công nghệ năng lượng sạch và cơ sở hạ tầng do Mỹ sản xuất. Điều đó sẽ loại bỏ nhiều nhà cung cấp của châu Âu, châu Á có tính cạnh tranh cao.

Báo Mỹ: Đừng hy vọng ông Biden chấm dứt các cuộc chiến thương mại ảnh 2Ứng viên tranh cử Tổng thống Mỹ của đảng Dân chủ Joe Biden (trái) và Tổng thống Mỹ Donald Trump trong cuộc tranh luận trực tiếp đầu tiên tại Cleveland, bang Ohio. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ông Biden cũng đề xuất một loạt các khoản trợ cấp của chính phủ cho ngành công nghiệp, phá bỏ phần còn lại của các cam kết quốc tế của nước Mỹ theo các quy định của WTO và các thỏa thuận thương mại khác để kiềm chế những sự hỗ trợ kiểu đó.

Kế hoạch của ông Biden kêu gọi các tập đoàn của Mỹ, với sự hỗ trợ của chính phủ, cần “hồi hương” các chuỗi cung ứng quan trọng trong các lĩnh vực như thiết bị y tế, chất bán dẫn và công nghệ viễn thông-một vấn đề mà hai đảng Cộng hòa và Dân chủ hầu như không có nhiều bất đồng.

Một dự luật lưỡng đảng tại Thượng viện Mỹ đã kêu gọi 25 tỷ USD viện trợ chính phủ để đưa ngành sản xuất chất bán dẫn quay trở lại nước Mỹ. Tất cả điều này hứa hẹn một cuộc chiến trợ cấp leo thang, không chỉ với Trung Quốc mà cả các đồng minh thân cận của Mỹ.

Cuối cùng, ông Biden cũng hứa hẹn sẽ không dừng lại cuộc chiến thương mại với Trung Quốc. Ông Biden đã chỉ trích Trung Quốc “tấn công vào sự sáng tạo của người Mỹ” thông qua việc ăn cắp sở hữu trí tuệ, tấn công mạng và trợ cấp không công bằng.

Một số người có thể vẫn ảo tưởng rằng một nước Mỹ do ông Biden lãnh đạo sẽ quay trở lại như cũ về thương mại - đó là duy trì và mở rộng trật tự thương mại dựa trên quy tắc, mặc dù đôi khi điều đó có thể gây tổn hại kinh tế cho một số ngành công nghiệp và người lao động nhất định của Mỹ. Nhưng họ đang dần nhận ra rằng kỷ nguyên thương mại tự do trước thời ông Trump sẽ không bao giờ quay trở lại.

Những người châu Âu, Canada, Australia và các đồng minh khác có thể kiên nhẫn để tránh phải lựa chọn buôn bán với Mỹ hay làm ăn với Trung Quốc, nhất là xét đến việc Bắc Kinh hầu như không làm gì để có được những người bạn mới.

Ngược lại, Bắc Kinh lựa chọn cách thức ngoại giao trừng phạt, sử dụng các vũ khí kinh tế để bắt nạt các nước dám chỉ trích chính phủ Tập Cận Bình về nhân quyền, Hong Kong hay đại dịch COVID-19.

Báo Mỹ: Đừng hy vọng ông Biden chấm dứt các cuộc chiến thương mại ảnh 3Ứng viên Tổng thống Mỹ của đảng Dân chủ Joe Biden. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Những quốc gia đang phải nhận sự đối xử như vậy sẽ cảm thấy vui hơn khi đón nhận một nước Mỹ được tái thiết, ngay cả khi họ sẽ không đạt được tất cả các ước vọng về thương mại. 

Để khiến các đồng minh và đối tác thương mại hài lòng, có lẽ ông Biden cần thể hiện một danh sách ngắn các cử chỉ thiện chí. Trước hết, ông Biden cần tìm cách duy trì và làm sống lại WTO.

Mặc dù đúng là chính quyền Obama chia sẻ những quan ngại của chính quyền Trump về việc WTO không có khả năng kiềm chế Trung Quốc và cơ quan phúc thẩm của tổ chức này đã đi quá giới hạn, chính quyền Biden cần cam kết để cứu vãn thể chế này thông qua cải cách một cách nghiêm túc thay vì hủy hoại nó như cách ông Trump đã làm.

Thứ hai, một chính quyền mới nên từ bỏ cuộc chiến thuế quan với các đồng minh. Với châu Âu, điều đó không chỉ có nghĩa là gỡ bỏ thuế quan với thép và nhôm, mà còn bao gồm cả việc đàm phán để chấm dứt tranh chấp lâu nay về việc trợ cấp đối với các hãng Boeing và Airbus, mà dự kiến có thể leo thang trở lại sau khi WTO chấp thuận khoản áp thuế trị giá lên tới 4 tỷ USD của châu Âu đối với hàng hóa Mỹ.

Với Canada và Mexico, điều đó có nghĩa là tuân thủ Thỏa thuận mới giữa Mỹ-Canada-Mexico, vốn được ông Biden coi là một sự cải thiện hơn so với Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA), mà không đe dọa áp thuế quan mới như ông Trump đã làm với nhôm của Canada và Mexico do liên quan tới vấn đề dòng người nhập cư.

Cuối cùng, ông Biden cần phải thực hiện lời cam kết hợp tác chặt chẽ với các đồng minh về một chính sách thương mại chung đối với Trung Quốc. Điều này nên bao gồm việc cùng với các đồng minh xây dựng một chuỗi cung ứng linh hoạt cho thiết bị y tế và công nghệ, thay vì khăng khăng Mỹ phải sản xuất mọi thứ ở trong nước.

Các ứng viên tổng thống của đảng Dân chủ đã có lịch sử vận động tranh cử với tư cách là những người hoài nghi thương mại, nhưng khi lên cầm quyền lại theo chủ nghĩa tự do thương mại.

Tuy nhiên, ông Biden chắc chắn nhận ra các mối nguy hiểm của đường lối đó: một sự trở mặt về thương mại sẽ làm rạn nứt sâu sắc hơn với phe cánh tả ngày càng mạnh của đảng Dân chủ và có thể khiến ông Biden và đảng Dân chủ dễ bị tổn thương trước những người kế nhiệm ông Trump của đảng Cộng hòa.

Do đó, ông Biden sẽ phải tìm ra một điểm “hấp dẫn” bằng cách công nhận các cam kết quốc tế và tầm quan trọng của vai trò lãnh đạo kinh tế đối với sức mạnh của Mỹ và sự ổn định toàn cầu./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục