Khó chữa lành vết thương từ cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung

Tổng thống Mỹ Donald Trump đã thực sự làm “rung chuyển” hệ thống thương mại toàn cầu, song thâm hụt thương mại của Mỹ vẫn tăng lên trong nhiệm kỳ của ông.
Khó chữa lành vết thương từ cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung ảnh 1Hàng hóa Trung Quốc được xếp tại cảng Long Beach, bang California, Mỹ ngày 27/2/2019. (Nguồn: THX/TTXVN)

Theo trang mạng Bangkokpost.com, các nhà phân tích cho rằng sau 4 năm cầm quyền, ông Donald Trump vẫn chưa thực hiện được lời hứa xóa bỏ thâm hụt thương mại của Mỹ, ngược lại còn giáng một “cú đòn" gây dư chấn lâu dài vào hệ thống kinh tế đa phương - vốn là nền tảng của thương mại toàn cầu.

Thậm chí, ngay cả khi ông Joe Biden của Đảng Dân chủ giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống sắp tới, hầu hết các cuộc thăm dò dư luận hiện nay đều cho thấy chính sách thương mại của Mỹ có thể sẽ vẫn theo xu hướng bảo hộ và tiếp tục đối đầu với Trung Quốc.

Một trong những chủ đề chính trong chiến dịch tranh cử năm 2016 của Trump là Mỹ - nền kinh tế lớn nhất thế giới - đã bị các đối tác thương mại lợi dụng và ông Trump đã cam kết sẽ điều chỉnh lại các thỏa thuận thương mại toàn cầu và xóa bỏ thâm hụt thương mại của Mỹ.

Ông Trump đã thực sự làm “rung chuyển” hệ thống thương mại toàn cầu, song thâm hụt thương mại của Mỹ vẫn tăng lên trong nhiệm kỳ của ông.

Các nhà phân tích cho rằng ông đã không làm được nhiều.

Theo Giáo sư Eswar Prasad của trường Đại học Cornell, “các chính sách thương mại của ông Trump mang lại không nhiều lợi ích cụ thể cho nền kinh tế Mỹ, mà ngược lại, đã làm suy yếu hệ thống thương mại đa phương, phá vỡ các liên minh lâu đời với các đối tác thương mại của Mỹ và làm tăng sự bất ổn."

[Liệu Trung Quốc đã sẵn sàng cho cuộc "chiến đấu lâu dài" với Mỹ?]

Măc dù thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc - vốn là mục tiêu chính của ông Trump - đã thực sự được thu hẹp, thì nhập khẩu từ Canada và Mexico lại tăng vọt, khiến cho thâm hụt tổng thể trở nên cao hơn.

Theo giáo sư kinh tế Gianluca Orefice của trường Đại học Paris Dauphine, việc Washington tăng thuế nhập khẩu đối với nhiều sản phẩm đã giúp “bảo vệ các nhà sản xuất của Mỹ." Tuy nhiên, các thuế nhập khẩu này cũng “làm tăng các chi phí sản xuất” đối với ngành công nghiệp Mỹ và cho thấy mức độ phụ thuộc của Mỹ vào các nhà cung cấp Trung Quốc.

"Phá hoại thay vì xây dựng"

Kết cấu hạ tầng kinh tế toàn cầu đang trong tình trạng thay đổi sâu sắc. Edward Alden - nhà báo và là tác giả chuyên về chính sách thương mại của Mỹ, hiện là thành viên của Hội đồng Đối ngoại - nhận định: “Rõ ràng, chính sách của ông ấy (Donald Trump) đã gây tổn hại nghiêm trọng tới châu Âu và Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) tới mức khó có thể khôi phục được."

Việc ông Trump từ chối bổ nhiệm các thẩm phán mới đã làm “tê liệt” hệ thống giải quyết tranh chấp của WTO, hạn chế vai trò “trọng tài” của hệ thống thương mại đa phương toàn cầu này.

Theo Sebastien Jean, Giám đốc Viện nghiên cứu kinh tế quốc tế của Pháp (CEPII), “Ông Donald Trump đã chứng minh khả năng phá hoại thay vì “xây dựng."

Đình chiến thương mại Mỹ-Trung hồi tháng 1/2020 chưa giải quyết được triệt để những điểm bất đồng lớn giữa hai bên, ví dụ như đánh cắp sở hữu trí tuệ và ép buộc chuyển giao công nghệ.

Trong khi đó, Eswar Prasad cho rằng "các tuyên bố thất thường và quyết định chính sách của chính quyền Tổng thống Trump đã khiến nước Mỹ bị coi là đối tác thương mại không đáng tin cậy và không chân thành." Điều này dẫn đến việc chỉ có một số nước “chạy theo” Mỹ và ký các hiệp ước thương mại song phương hoặc đa phương, ví dụ như các nước ở Thái Bình Dương đã hướng đến một thỏa thuận sau khi ông Trump rút Mỹ khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Ông Trump từng ca ngợi năng lực “thương lượng” của mình với tư cách là một doanh nhân trước khi đắc cử, nhưng ông lại tỏ ra không mấy hứng thú với các cuộc đàm phán thương mại đa phương phức tạp và căng thẳng. Thay vào đó, ông Trump lại thích chỉ trích các hãng ôtô của Đức và thuế quan của Pháp nhằm vào các gã khổng lồ công nghệ của Mỹ.

Thay đổi động thái

Eswar Prasad cho rằng 4 năm cầm quyền của ông Trump đã dẫn đến “sự suy yếu của hệ thống thương mại đa phương vận hành theo các nguyên tắc của WTO mà chính Mỹ đã thiết lập." Điều này có thể khiến WTO gặp khó khăn hơn để có thể đạt được nhiều kết quả trong hợp tác hỗ trợ và duy trì sự phục hồi kinh tế toàn cầu sau cuộc khủng hoảng COVID-19.

Nhà báo Mỹ Alden tin rằng ông Trump sẽ tái đàm phán thành công Hiệp định Thương mại tự do Bắc Mỹ với Canada và Mexico, một nỗ lực mà cả đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa đều ủng hộ.

Sebastien Jean của CEPII cũng tin ông Trump sẽ thay đổi “động thái” liên quan đến Trung Quốc mà từng khiến Liên minh châu Âu (EU) thay đổi chính sách đối với Bắc Kinh, gồm cả việc một số nước châu Âu đã cùng với Mỹ cấm thiết bị di động 5G của nhà sản xuất Huawei Trung Quốc.

Tổ chức tư vấn châu Âu Bruegel có trụ sở tại Bỉ tin rằng một chiến thắng dành cho ông Biden có thể sẽ đồng nghĩa với sự trở lại của “phong cách ngoại giao lịch thiệp hơn” của Mỹ, tuy nhiên “nội hàm” không có nhiều thay đổi.

Nhà báo Alden cho rằng “khác biệt giữa ông Trump và ông Biden trong vấn đề thương mại là ít hơn so với nhiều vấn đề khác." Trong những năm gần đây, cả đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa đều có lập trường cứng rắn với Trung Quốc, đối thủ cần phải kiềm chế vì chưa đạt tới nền kinh tế thị trường tự do.

Theo Vicky Redwood tại Capital Economics, “dù ứng cử viên nào (Trump hay Biden) giành chiến thắng, cuộc chiến thương mại có thể sẽ vẫn lan rộng. Cuộc chiến này về cơ bản là không thể tránh khỏi do sự trỗi dậy về kinh tế của Trung Quốc cũng như việc nước này duy trì sự can thiệp sâu của nhà nước, chứ không chấp nhận các lực lượng thị trường”./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục