Tổng thống Donald Trump: Nhân vật làm thay đổi mô hình toàn cầu

Trang mạng Observer Research Foundation có trụ sở ở Ấn Độ có bài viết nhận định Tổng thống Mỹ Donald Trump được coi là nhân tố tạo ra sự thay đổi về mặt mô hình trên phạm vi toàn cầu.
Tổng thống Donald Trump: Nhân vật làm thay đổi mô hình toàn cầu ảnh 1 Tổng thống Mỹ Donald Trump. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Theo trang mạng orfonline.org, trang mạng của cơ quan nghiên cứu Observer Research Foundation có trụ sở ở Ấn Độ mới đây đăng bài viết liên quan đến một cuộc thảo luận về nền chính trị Mỹ dưới thời Donald Trump trong bối cảnh cuộc bầu cử tổng thống Mỹ sẽ diễn ra vào tháng 11/2020.

Bài viết nhận định rằng Tổng thống Mỹ đương nhiệm Donald Trump được coi là nhân tố tạo ra sự thay đổi về mặt mô hình trên phạm vi toàn cầu. Nội dung bài viết như sau:

“Vì sao nền chính trị Mỹ lại quan trọng hơn bao giờ hết trong năm 2020?”. Đây là câu hỏi mà tiến sỹ Narayan Lakshman, Phó Tổng biên tập tờ The Hindu, đặt ra khi ông mở đầu phiên thảo luận mang tên “Nền chính trị năm bầu cử ở Mỹ” tại cơ quan nghiên cứu Observer Research Foundation, diễn ra tại một trung tâm của cơ quan này ở Chennai, thành phố miền Đông Nam Ấn Độ ngày 11/1.

Sau đó, chính ông đưa ra câu trả lời: “Vì chúng phản ánh sự thay đổi về mặt mô hình trên phạm vi toàn cầu.”

Tiến sỹ Lakshman, từng là phóng viên chuyên trách của báo này tại Washington, nhận định: “Tâm thế toàn cầu đang thay đổi. Phong trào chống tự do đang có thêm đà vào thời điểm này.”

Theo quan sát của ông, tâm thế này ở mọi nơi trên thế giới là như nhau, trong giới công nhân Anh bỏ phiếu để nước này rời Liên minh châu Âu (Brexit), tại khu công nghiệp có nhiều nhà máy đã đóng cửa hoặc sắp đóng cửa ở Mỹ đã bỏ phiếu cho Donald Trump trong cuộc bầu cử 2016 hay ở khắp châu Âu.

Theo giải thích của vị tiến sỹ này, Tổng thống Mỹ đương nhiệm Donald Trump, trong cam kết tranh cử hồi năm 2016, đã thề sẽ “hạ gục” những nước hưởng thặng dư thương mại với Mỹ.

Tuy nhiên, điều đáng nói là Trump lại coi sự mất cân bằng thương mại này là những dấu hiệu của sự thao túng thuế quan và tiền tệ, chứ không phải là những khác biệt thực sự trong lợi thế cạnh tranh.

[Tổng thống Mỹ Donald Trump và cơ hội tái đắc cử rộng mở]

Một câu hỏi cần suy xét lúc này là “Liệu Trump, trong nỗ lực làm mới Mỹ và thực hiện giấc mơ ‘Nước Mỹ trước tiên,’ có đang cố gắng hủy bỏ những tác động của quá trình toàn cầu hóa và lợi thế cạnh tranh hay không?”

Mặc dù Trung Quốc là mục tiêu chính của cuộc chiến thuế quan mà Chính quyền Trump phát động, song các nước khác cũng chịu tác động, chẳng hạn như EU và Ấn Độ, nhất là thuế đánh vào sản phẩm thép và nhiều mặt hàng tiêu dùng khác.

Bên cạnh đó, tiến sỹ Lakshman lưu ý rằng nhiều thị trường trên thế giới đã bị ảnh hưởng bởi tình trạng bất trắc mà cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung gây ra.

Giảm thuế và chăm sóc y tế

Dưới thời Chính quyền Trump, giảm thuế và chăm sóc sức khỏe đã trở thành hai lĩnh vực chính sách được công khai nhiều. Ví dụ, chính sách giảm thuế được đưa ra cuối năm 2017, trong đó, những nội dung đáng nói nhất của chính sách này là giảm thuế doanh nghiệp trị giá 1.000 tỷ USD, giảm thuế cho những người có thu nhập trên 1 triệu USD/năm và giảm thuế bất động sản.

Mặc dù các doanh nghiệp Mỹ là đối tượng chính được hưởng lợi và luật thuế cũng thiên về những tầng lớp có thu nhập thấp hơn, song điều đáng lưu ý là những gia đình có thu nhập thấp hơn cũng được hưởng một số lợi ích, ví dụ tín dụng thuế cho trẻ em được mở rộng.

Tiến sỹ Lakshman lý giải rằng Chính quyền Trump đã không ngừng nỗ lực bãi bỏ và thay thế những nội dung chính của chính sách cải cách chăm sóc sức khỏe của Barack Obama vốn được biết đến là Đạo luật Chăm sóc Sức khỏe Hợp túi tiền.

Mặc dù đảng Cộng hòa đã thất bại, song hồi tháng 3/2019, Nhà Trắng đã đệ đơn kiện chính sách chăm sóc sức khỏe của Obama là không hợp pháp.

Điều quan trọng cần lưu tâm ở đây là Trump tỏ ra cảnh giác khi bị coi là ủng hộ chính sách bảo hiểm sức khỏe ở Mỹ vì ông sợ rằng điều này có thể khiến cử tri quay lưng lại với ông và do đó không muốn bị coi là người công khai đưa ra quan điểm của mình.

Chính sách đối ngoại: Trục thù địch

Các mục tiêu chính sách đối ngoại của Trump lâu nay tập trung vào Iran, Trung Quốc và Syria. Ông Lakshman nhận định: “Iran là 'ông ba bị' già nua trong nền chính trị Mỹ, và Trump không ngừng nói về điều này.”

Tiến sỹ Lakshman giải thích rằng từ việc rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran đến việc nối lại các biện pháp trừng phạt và cuộc oanh kích gần đây khiến tướng Iran Soleimani thiệt mạng, “Trump đã thổi bùng những lý do về mối đe dọa an ninh quốc gia và điều này có thể đem lại lợi ích (cho ông) trong cuộc đua sắp tới.”

Cuộc chiến thương mại hiện nay mà Trump phát động đối với Trung Quốc cho được coi là sự đối lập sâu sắc với chính sách bao vây và cô lập chiến lược dần dần mà Obama muốn triển khai.

Còn tại Syria, việc Trump không ngừng hô hào rút binh sỹ khỏi quốc gia Trung Đông này đã tạo nên một không gian chiến lược cho Nga.

Ấn Độ - đối trọng đáng tin

Ấn Độ không phải là nhân tố quan trọng trong bối cảnh chính trị bầu cử Mỹ hiện nay. Trong năm tới, mặc dù Trung Quốc, Iran và Nga có thể đôi khi được đề cập trong các cuộc tranh luận tổng thống, song Ấn Độ thì không.

Tiến sỹ Lakshman giải thích: “Điều này thực sự là do chính sách của Mỹ về Ấn Độ luôn nhận được sự ủng hộ của lưỡng đảng.”

Ấn Độ đóng vai trò quan trọng hơn trong chính sách đối ngoại của Mỹ, cả trên phương diện là một đối trọng với Trung Quốc ở châu Á và là một đối tác kinh tế với tiềm năng to lớn để mở rộng thương mại và đầu tư song phương.

Tuy nhiên, Ấn Độ bị ảnh hưởng bởi quan điểm của Trump về cải cách nhập cư. Số liệu gần đây cho thấy tỷ lệ từ chối đơn xin nhập cư diện H-1B đã tăng từ 6% trong năm 2015 lên 24% trong quý III của năm tài chính hiện nay. (H-1B là diện nhập cư của lao động các ngành chuyên ngành như công nghệ thông tin, y khoa hoặc kỹ thuật song không định cư tại Mỹ).

Điều này có thể là do lệnh hành pháp của Trump “Mua đồ Mỹ và thuê người Mỹ” nhằm nâng cao mức lương là tạo công ăn việc làm nhiều hơn cho công nhân ở Mỹ. Một lĩnh vực chính sách khác mà New Delhi chịu ảnh hưởng dưới thời Chính quyền Trump là thương mại.

Ví dụ, Trump chỉ trích chính sách thuế quan của Ấn Độ và theo đó loại Ấn Độ ra khỏi hệ thống ưu đãi thuế quan phổ cập.

Tiến sỹ Lakshman kết luận: trong phần lớn lĩnh vực chính sách, Trump thực sự muốn xóa bỏ “di sản” của Obama. Điều này đặc biệt đúng trong chính sách chăm sóc sức khỏe và thỏa thuận hạt nhân Iran.

“Trump muốn đóng dấu di sản của mình vào những vấn đề này,” tiến sỹ Lakshman nhận định. Trong bối cảnh mối quan hệ bằng hữu giữa Trump với Tổng thống Nga Vladimir Putin và bằng chứng về sự can thiệp chính trị của Nga mà cuộc điều tra của công tố viên Robert Mueller đã hé lộ, tiến sỹ Lakshman khép lại buổi thảo luận khi đặt câu hỏi: “Cuộc chơi lớn của Nga là gì và nó sẽ thể hiện trên quy mô toàn cầu như thế nào? Liệu sự hội tụ lợi ích giữa Trump và Putin có hủy hoại chất lượng của nền dân chủ Mỹ hay không?”./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục