Với quyết tâm cao cộng với sự táo bạo trong cách nghĩ, cách làm, ông Đặng Văn Cấp (73 tuổi, xã Ân Tường Đông, huyện Hoài Ân, Bình Định) đã trở thành tỷ phú nông dân nhờ vào hướng đi mới - trồng cây ăn quả xen canh.
Năm 2023, ông vinh dự được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen vì có mô hình sản xuất hiệu quả, ổn định và có sáng kiến mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần vào sự phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.
Ông Đặng Văn Cấp cho hay để có được quả ngọt ngày hôm nay, ông đã trải qua rất nhiều lần thất bại. Từ nghề gạch ngói đến xây dựng… nhưng làm đâu lỗ đó, ông lui về gắn bó với nông nghiệp và chọn cây hồ tiêu để bắt đầu khởi nghiệp.
Thay vì trồng trụ bêtông cho cây tiêu leo thì ông nảy ra ý tưởng trồng dừa để hưởng “lợi kép.” Ông Cấp chia sẻ, tiêu “nương” thân dừa mà xanh tốt, vững vàng trước gió bão. Dừa cũng nhờ có phân bón cho tiêu mà cao ngút, cho trái sai, to đều, không tốn công chăm sóc nhiều. Từ 200 trụ tiêu sơ khai, ông mạnh dạn nhân rộng diện tích, đến nay ông đã sở hữu tới 7.000 trụ.
Ông Cấp nhẩm tính, nếu thời tiết thuận lợi, chỉ riêng số trụ tiêu khủng (chưa kể dừa), gia đình thu hoạch 14 tấn hạt tiêu, doanh thu 1,3-1,4 tỷ đồng, trừ hết chi phí sẽ “bỏ túi” 300-400 triệu đồng/năm.
Từ đây, ông Cấp mới thật sự hiểu hết ý nghĩa của câu tục ngữ “tấc đất tấc vàng” mà ông bà xưa thường hay ví von. Ông tận dụng hết 12ha đất nông nghiệp để trồng cây ăn quả theo hướng xen canh.
Ông chọn bưởi da xanh, loại cây trồng chủ lực của địa phương cho chất lượng vượt trội, đã được đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP.
Bên cạnh đó, ông còn lựa chọn một số cây lạ, hiếm (chưa được trồng phổ biến) như sầu riêng, dâu da… để làm phong phú thêm chủng loại, tăng sức cạnh tranh trên thị trường…
Ông Cấp phấn khởi cho biết sau 4-5 năm trồng, sầu riêng bắt đầu bói quả. Dâu da cũng cho trái sai, ước đạt 7-8 tấn quả/năm, giá bán tại vườn khá ổn định. Đây là tín hiệu tích cực, đáng mừng.
Kết quả có được là nhờ ông chịu khó đi nhiều nơi học hỏi kinh nghiệm, thuê cả chuyên gia về vườn phân tích kỹ điều kiện về đất đai, thổ nhưỡng; ông còn bỏ kinh phí lắp đặt hệ thống tưới thông minh điều khiển từ xa tiết kiệm công sức.
“Mô hình khá ổn định, bền vững lại cho hiệu quả kinh tế cao. Nếu so sánh trên phần diện tích 500m2 (sào Trung Bộ), thì mô hình có lợi nhuận cao gấp 2-3 lần so với trồng lúa,” ông Cấp chia sẻ.
Không chỉ làm giàu cho gia đình mình, ông Cấp còn sẵn sàng chuyển giao công nghệ, chia sẻ chuyên môn cho các hộ dân trong vùng; góp phần giải quyết việc làm cho 6 lao động thường xuyên và 30-40 lao động thời vụ với mức lương tương đối khá.
Mô hình của ông Cấp đã lọt vào top 4 mô hình "sáng" nhất huyện. Trong tương lai, ông hướng đến việc phát triển sản xuất kết hợp du lịch sinh thái bởi hiện nay, lượng khách đến vườn tham quan, trải nghiệm ngày một đông, rất tiềm năng.
Đồng hành cùng người dân, huyện Hoài Ân đã thực hiện nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ để họ phát triển sản xuất, vươn lên làm giàu.
Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hoài Ân Hoàng Anh Thiện cho biết huyện đã đầu tư nâng cấp, xây mới các tuyến đường tạo điều kiện thuận lợi để bà con mua bán, trao đổi sản phẩm, hàng hóa.
Song song với đó, huyện giao Hợp tác xã thanh niên (đơn vị được giao thực hiện Dự án phát triển liên kết theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm cây ăn quả trên địa bàn) hỗ trợ các địa phương, người nông dân, các hộ sản xuất kinh doanh trên địa bàn có đầu ra nông sản ổn định.
Huyện cũng chỉ đạo các địa phương rà soát, thống kê toàn bộ diện tích đất không đảm bảo hoặc kém hiệu quả kinh tế để chuyển sang trồng các loại cây ăn quả có thế mạnh, phù hợp hơn; quan tâm hỗ trợ hệ thống tưới tiết kiệm, cây giống, phân bón…/.
Người nông dân Đồng Tháp kiếm hàng tỷ đồng từ nuôi cá đặc sản trong bể lót bạt
Mô hình nuôi cá chạch lấu kết hợp với cá heo đuôi đỏ trong bể cá lót bạt đặt trong vườn xoài đã mang về nguồn thu nhập cho anh Nguyễn Chí Tâm ở Cao Lãnh (Đồng Tháp) hàng tỷ đồng mỗi vụ.