Mối quan hệ trắc trở giữa Thủ tướng Merkel và Tổng thống Putin

Bất chấp những căng thẳng và mâu thuẫn, trong những năm qua, quan hệ giữa Đức và Nga đã được định hình bằng chủ nghĩa thực dụng chính trị và lợi ích kinh tế.
Mối quan hệ trắc trở giữa Thủ tướng Merkel và Tổng thống Putin ảnh 1Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Nga Vladimir Putin. (Nguồn: AP)

Theo spiegel.de, cho đến nay, mối quan hệ giữa Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Nga Vladimir Putin luôn được định hình bởi chủ nghĩa thực dụng chính trị.

Vụ việc thủ lĩnh phe đối lập Nga Alexei Navalny bị đầu độc có thể sẽ làm thay đổi đáng kể bầu không khí của mối quan hệ này.

Có một giai thoại được kể đi kể lại nhiều lần, nhưng rất phù hợp để mô tả mối quan hệ đặc biệt giữa Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Nga Vladimir Putin. Để hiểu về giai thoại này, người ta phải biết rằng Thủ tướng Merkel rất sợ chó.

Năm 1995, bà Merkel bị một con chó săn tấn công gần ngôi nhà của mình, từ đó bà luôn giữ khoảng cách với những con vật. Đó là một sự cố mà dường như đã không được Tổng thống Nga chú ý tới.

Tháng 1/2007, Thủ tướng Merkel đã có chuyến thăm Nga và gặp gỡ Tổng thống Putin tại dinh thự của ông cạnh Biển Đen. Vào lúc tất cả các máy quay đều đang hướng về vị khách quý từ nước Đức, Putin đã mở cửa, và chú chó đen Labrador Koni của ông đã chạy vào phòng, đến ngửi chân Thủ tướng Merkel và nằm xuống ngay cạnh chân bà.

Trong những hình ảnh ghi lại cảnh tượng đó, người ta thấy rõ nét mặt căng thẳng của Thủ tướng Merkel, rõ ràng bà cảm thấy khó chịu về điều này. Kể từ đó, trước mỗi chuyến đi bà đều yêu cầu một điều, đó là không được để các con vật lại gần mình.

Hành động của Tổng thống Nga khi tiếp đón Thủ tướng Đức đã minh chứng cho mối quan hệ giữa hai nhà lãnh đạo này: rất chặt chẽ và tôn trọng nhau nhưng lại rất xa cách.

[Lãnh đạo Đức, Nga điện đàm về các vấn đề nóng trên thế giới]

Cả hai đều biết rõ sức mạnh và ảnh hưởng của đối phương. Mối quan hệ phức tạp giữa hai nhà lãnh đạo có thể sẽ thay đổi đáng kể sau vụ Navalny bị đầu độc, nhất là khi quá trình điều tra đã khẳng định chắc chắn rằng một chất kịch độc thuộc nhóm chất độc đặc biệt Novichok đã được sử dụng để tấn công Navalny.

Ở Berlin, người ta nghi ngờ rằng các cơ quan thuộc chính phủ Nga đã tiến hành vụ tấn công này. Xét cho cùng, chỉ có các cơ quan chính phủ mới có thể tiếp cận nguồn chất độc hóa học đặc biệt nguy hiểm và được quân đội Nga bảo vệ rất chặt chẽ này, mặc dù có thể không bao giờ thu được bằng chứng cuối cùng và xác thực nhất về vụ việc.

Phản ứng của Thủ tướng Merkel trước vụ việc này mạnh mẽ một cách bất thường. Bà cho biết rõ ràng đã có một âm mưu giết người nhằm vào Navalny bằng cách sử dụng chất độc thần kinh Novichok. Bà đã lên án mạnh mẽ hành động vô nhân đạo này và cho rằng có "những câu hỏi nghiêm trọng" trong vụ việc mà chỉ có chính phủ Nga mới có thể trả lời.

Có một điều gì đó không tốt đã tích tụ lại trong những năm và những tháng qua trong mối quan hệ phức tạp Merkel-Putin. Người ta có thể nhận thấy rằng, sự lạnh nhạt của Thủ tướng Đức cũng là kết quả của một sự thất vọng lớn.

Bà đã luôn nỗ lực để đối thoại với Moskva cũng như nỗ lực để xây dựng một mối quan hệ tốt đẹp hơn với cá nhân Tổng thống Putin. Nhưng những nỗ lực này, theo quan điểm của bà, đã nhiều lần bị Tổng thống Putin chà đạp một cách tàn nhẫn.

Quan điểm của Thủ tướng Merkel về nước Nga cũng được định hình trên những tình cảm nhất định của bà đối với đất nước này. Cho tới nay, người ta biết rằng bà Merkel là người yêu tiếng Nga. Bà đã đọc nhiều sách của các nhà văn Nga nổi tiếng như Tolstoi hay Dostoyevsky; và đĩa nhạc đầu tiên mà bà đã mua là trong một chuyến thăm tới Moskva.

Tuy nhiên về mặt chính trị, Thủ tướng Đức và Tổng thống Nga là hai thế giới hoàn toàn khác nhau. Bà Merkel đã ăn mừng vì sự sụp đổ của Bức tường Berlin vào năm 1989, dẫn tới việc nước Đức thống nhất hoàn toàn sau hơn bốn thập kỷ bị chia cắt. Từ đó bà đã định hướng bản thân đi theo các giá trị tự do của phương Tây.

Putin thì ngược lại, có lẽ ông đã trải qua những giờ phút sụp đổ của Cộng hòa Dân chủ Đức và Khối Đông Âu khi còn đang công tác tại Dresden (Đức) với tư cách là sỹ quan Cơ quan tình báo KGB, và với ông đó là một nỗi ô nhục lớn.

Về chính sách đối ngoại, Thủ tướng Merkel đã xây dựng mối quan hệ với Nga rất khác so với người tiền nhiệm Gerhard Schroeder- người được coi là bạn thân của Tổng thống Putin và được ông Putin gọi là "nhà dân chủ hoàn hảo."

Trong các chuyến thăm của mình tới Nga, Thủ tướng Merkel luôn đề cập một cách rõ ràng những vi phạm về nhân quyền ở nước này, và đôi khi sẵn sàng tranh luận với Tổng thống Putin trong các cuộc họp báo chung.

Gần đây nhất, bà đã gọi điện cho Tổng thống Putin và yêu cầu ông không được can thiệp vào tình hình Belarus. Cũng chính bà Merkel là người đã gây áp lực để duy trì các lệnh trừng phạt của Liên minh châu Âu (EU) đối với Nga, mặc dù có nhiều ý kiến trong chính đảng Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU) của bà yêu cầu nới lỏng các biện pháp trừng phạt, đặc biệt là những bang ở phía Đông của nước Đức, nơi có mối quan hệ kinh tế chặt chẽ với Nga.

Bất chấp những căng thẳng và mâu thuẫn, trong những năm qua, quan hệ giữa Đức và Nga đã được định hình bằng chủ nghĩa thực dụng chính trị và lợi ích kinh tế.

Năm 2008, bà Merkel đã phản đối kế hoạch của Mỹ cho phép Gruzia và Ukraine trở thành thành viên của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) - bà đã cân nhắc lợi ích của Nga trong trường hợp này. Trong dự án đường ống dẫn khí trên biển Baltic, Dòng chảy phương Bắc 2, Merkel cũng đã nhiều lần chống lại sự phản kháng quyết liệt từ các đối tác của mình trong EU cũng như sức ép từ Mỹ để quyết tâm triển khai dự án.

Bằng những hành động đó, bà đã duy trì được sự tin tưởng từ Putin. Điều đó đã tạo điều kiện tốt để Đức (thường kết hợp cùng với Pháp) có thể đóng vai trò trung gian hòa giải các cuộc xung đột, như cuộc xung đột ở Ukraine.

Ảnh hưởng ngày càng tăng của Nga ở Trung Đông cũng được Berlin đánh giá một cách rất thực dụng. Trong chuyến thăm Nga hồi tháng 1/2020, Thủ tướng Đức đã đồng thuận với Tổng thống Nga về hàng loạt vấn đề tại Trung Đông.

Nhưng ngay cả trước khi xảy ra vụ tấn công vào Navalny, dường như trong quan hệ với Tổng thống Putin, Thủ tướng Merkel luôn bị thua thiệt và chấp nhận cam chịu, điều đó được thể hiện rõ trong một buổi chất vấn tại Quốc hội Liên bang Đức hồi tháng 5 vừa qua.

Trước đó, các cơ quan chức năng Đức đã điều tra và kết luận rằng Cơ quan tình báo quân đội Nga GRU đã tiến hành chiến dịch tấn công mạng lớn nhằm vào Quốc hội và Chính phủ Đức năm 2015. "Tôi có thể nói thành thật rằng điều đó khiến tôi rất đau lòng," Thủ tướng Merkel phát biểu trước Quốc hội Đức. Nhưng bà cho biết bà vẫn nỗ lực mỗi ngày để "có một mối quan hệ tốt hơn với Nga."

Với bà Merkel, vụ tấn công mạng nhằm vào Quốc hội và Chính phủ Đức chỉ là một khía cạnh trong "chiến lược chiến tranh hỗn hợp" của Nga. Không chỉ các tin tặc Nga mà cả vụ công dân Gruzia Zelimkhan Khangoshvili bị ám sát tại công viên Kleiner Tiergarten ở Berlin hồi tháng 8/2019, đã làm ảnh hưởng sâu sắc tới mối quan hệ Đức-Nga.

Đức đã trục xuất hai nhà ngoại giao Nga. Sau đó, phát biểu trước Quốc hội Liên bang, Thủ tướng Merkel nói rằng vụ việc nên được dừng lại và tiếp tục mối quan hệ với Nga. 

Về cơ bản, hiện nay Chính phủ Đức cho rằng các hành động chống lại Nga phải được xem xét một cách kỹ lưỡng, đặc biệt là phải cân nhắc thiệt hơn về các lợi ích kinh tế và địa chính trị vì vai trò to lớn của Nga là không thể phủ nhận./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục