Mong muốn cùng chung tay đưa Vinashin vượt khó

“Bộ Giao thông Vận tải mong muốn Chính phủ, các bộ, ngành tiếp tục tăng cường chỉ đạo, giúp đỡ Vinashin từng bước vượt qua khó khăn."
“Bộ Giao thông Vận tải mong muốn Chính phủ, các bộ, ngành liên quan tiếp tục tăng cường sự chỉ đạo, ủng hộ và giúp đỡ Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam (Vinashin) từng bước vượt qua khó khăn, khủng hoảng trong giai đoạn hiện nay.”

Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Hồ Nghĩa Dũng chia sẻ với phóng viên TTXVN như vậy khi đề cập tới vấn đề tái cơ cấu tại Vinashin.

- Xin Bộ trưởng cho biết sau khi được Chính phủ và các bộ ngành cùng chung tay để tái cơ cấu lại, thực trạng của Vinashin hiện nay ra sao?

Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng: Theo báo cáo của Tập đoàn, sau khi được Chính phủ và các bộ ngành cùng chung tay để tái cơ cấu lại, về mặt tổ chức, Tập đoàn đã hoàn thành việc chuyển quyền điều hành 5 dự án và 12 đơn vị về Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam và Tổng công ty Hàng hải Việt Nam theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 926/QĐ-TTg ngày 18/6/2010 về việc tái cơ cấu Vinashin.

Các dự án về Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã khởi động trở lại, hơn 1.000 công nhân của Nhà máy đóng tàu Dung Quất nghỉ việc đã trở lại làm việc và đến tháng 1/2011, nhà máy này sẽ hạ thủy tàu chở dầu 104.000 tấn. Hầu hết các tàu trong đội tàu viễn dương chuyển về Tổng công ty Hàng hải Việt Nam cũng hoạt động trở lại.

Về sản xuất kinh doanh, Tập đoàn đã hỗ trợ một phần vốn cho các đơn vị đóng tàu lớn, hiện đang thực hiện các dự án đóng tàu xuất khẩu; giải quyết cơ bản công ăn việc làm, các vấn đề nợ lương, nợ bảo hiểm xã hội cho người lao động.

Đến ngày 31/10, Tập đoàn đã bàn giao được 32 tàu với tổng giá trị 278 triệu USD. Riêng thời điểm từ khi Chính phủ chỉ đạo tái cơ cấu Vinashin đến tháng 10 năm nay, Tập đoàn đã bàn giao được 10 tàu đóng mới cho khách hàng với tổng giá trị hợp đồng đạt trên 50 triệu USD. Tập đoàn đã phát động phong trào thi đua, hoàn thành kế hoạch sản xuất năm 2010, quyết tâm phấn đấu từ nay đến hết năm 2010 sẽ bàn giao thêm 35 tàu với số tiền thu về còn lại tại mốc bàn giao tàu khoảng 152 triệu USD.

Tôi cho rằng với những giải pháp tái cơ cấu của Chính phủ và các bộ, ngành nêu trên đối với Tập đoàn, cùng với sự cố gắng nỗ lực của tập thể lãnh đạo và cán bộ công nhân viên, Vinashin bước đầu đã ổn định được tư tưởng cho cán bộ công nhân viên. Đặc biệt, đa số người lao động tin tưởng vào các biện pháp tái cơ cấu Tập đoàn của Chính phủ và các bộ, ngành liên quan. Nhiều lao động nghỉ việc nay đã trở lại làm việc tại các nhà máy.

- Tuy nhiên, Vinashin vẫn còn những tồn tại và vướng mắc cần phải tháo gỡ về vốn, cơ cấu tổ chức, người lao động, sắp xếp lại hoạt động sản xuất kinh doanh… Vậy Bộ trưởng đánh giá về vấn đề này như thế nào?

Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng: Tôi cũng nghĩ rằng hoạt động sản xuất, kinh doanh tại các đơn vị đóng tàu của Tập đoàn tuy bước đầu được cải thiện và đang tiếp tục được đẩy mạnh, nhưng Tập đoàn vẫn còn rất nhiều khó khăn cần phải giải quyết khẩn trương.

Đó là đảm bảo vốn và vật tư thiết bị đáp ứng kịp thời cho hoạt động sản xuất hàng ngày; khôi phục sản xuất tại một số nhà máy bị đình trệ, có công nhân nghỉ việc; bố trí và tổ chức lại sản xuất kinh doanh toàn Tập đoàn; thiết lập mô hình tổ chức mới và tiến hành cải tiến hệ thống quản lý sản xuất kinh doanh, quản trị của Tập đoàn để loại bỏ sự trì trệ, hành chính quan liêu, tùy tiện, đảm bảo tính khoa học, hiệu quả trong quản lý điều hành và quản lý sản xuất….

Trước mắt Tập đoàn thu hẹp phạm vi ngành nghề kinh doanh, cắt giảm đầu tư, quản lý sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn, tập trung sức để duy trì ngành đóng, sửa chữa tàu, hoàn tất các dự án, các sản phẩm đang thực hiện dở dang. Bên cạnh việc cố gắng bảo đảm tối đa việc làm, đời sống cho người lao động và giữ đội ngũ công nhân kỹ thuật, Tập đoàn tìm mọi cách khai thác, sử dụng có hiệu quả và hạn chế tối đa việc thất thoát, lãng phí tài sản đã và đang đầu tư.

Chính phủ và các bộ, ngành liên quan đang chỉ đạo Tập đoàn khẩn trương hoàn thành phương án tái cơ cấu tổ chức và sản xuất kinh doanh, đi kèm theo là các phương án tái cơ cấu về tài chính và hoạt động đầu tư của tập đoàn, trong đó có các đánh giá và đề xuất phương án giải quyết các khó khăn vướng mắc nêu trên.

Sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Vinashin sẽ có căn cứ và phương hướng thực hiện việc tái cơ cấu khẩn trương, quyết liệt, đồng bộ với thời gian nhanh nhất có thể. Ngoài ra, việc kiện toàn bộ máy lãnh đạo và công tác tổ chức cán bộ của Tập đoàn và các đơn vị thành viên cũng phải được thực hiện triệt để, nhằm đáp ứng yêu cầu tái cơ cấu toàn Tập đoàn, duy trì, củng cố sản xuất kinh doanh và tiến tới phát triển ổn định, bền vững.

Bên cạnh đó, Bộ Giao thông Vận tải mong muốn Chính phủ, các bộ, ngành liên quan tiếp tục tăng cường sự chỉ đạo, ủng hộ và giúp đỡ Vinashin từng bước vượt qua khó khăn, khủng hoảng trong giai đoạn hiện nay.

- Theo Bộ trưởng, Vinashin đã đề ra những định hướng gì để vượt qua khó khăn và hoạt động hiệu quả trong thời gian tới?

Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng: Theo tôi, trong thời gian tới, Vinashin cần khẩn trương cơ cấu lại Tập đoàn theo đúng tinh thần Nghị quyết Trung ương 3 (khóa IX) và Kết luận số 45-KL/TW ngày 10/4/2009 của Bộ Chính trị về thí điểm mô hình Tập đoàn kinh tế và chỉ tập trung vào 3 lĩnh vực chính là công nghiệp đóng và sửa chữa tàu thủy với quy mô phù hợp; công nghiệp phụ trợ phục vụ cho việc đóng và sửa chữa tàu thủy; đào tạo, nâng cao tay nghề cho đội ngũ cán bộ, công nhân công nghiệp tàu thủy.

Bên cạnh đó, Tập đoàn phải sớm ổn định tổ chức sản xuất kinh doanh, từng bước củng cố uy tín thương hiệu Vinashin, cương quyết không để vỡ nợ, gây tác động xấu đến sự phát triển của ngành công nghiệp đóng tàu, mức độ tín nhiệm vay, trả nợ quốc tế và môi trường đầu tư của đất nước.

Để thực hiện được chủ trương nêu trên, Vinashin đang triển khai xây dựng đồng bộ các báo cáo, đề án về tái cơ cấu tổ chức, sản xuất kinh doanh; tái cơ cấu tài chính, đầu tư; Chiến lược phát triển Tập đoàn đến 2015 và định hướng đến 2020; Kế hoạch sản xuất kinh doanh 5 năm 2011-2015, Kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2010-2011, tập trung vào lĩnh vực đóng và sửa chữa tàu, công nghiệp phụ trợ, đào tạo nghề và giải quyết chính sách lao động, việc làm của Tập đoàn; xây dựng Điều lệ tổ chức và hoạt động, Quy chế quản lý tài chính, Quy chế quản lý nội bộ của Vinashin; rà soát công nợ toàn Tập đoàn, xây dựng phương án cơ cấu nợ nhằm sắp xếp, xử lý để ổn định về tài chính Vinashin trong thời gian tới.

Hiện nay, Đề án tái cơ cấu tổ chức và Điều lệ tổ chức và hoạt động của Vinashin đã được Bộ Giao thông Vận tải thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ, Văn phòng Chính phủ đang lấy ý kiến của các bộ, ngành liên quan để Thủ tướng Chính phủ có thể xem xét, phê duyệt trong thời gian sớm nhất.

Đề án dự kiến đến năm 2012, sau khi tái cơ cấu, Vinahin sẽ còn khoảng 60 doanh nghiệp thành viên. Các doanh nghiệp còn lại sẽ được xử lý dưới các hình thức chuyển nhượng vốn, bán, sáp nhập, giải thể phù hợp với quy định của pháp luật, bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước, doanh nghiệp và người lao động.

Trước mắt, Vinashin sẽ xây dựng phương án bán, chuyển nhượng phần góp vốn của Tập đoàn tự đầu tư tại các dự án, doanh nghiệp mà Vinashin không giữ chi phối hoặc góp vốn bằng thương hiệu theo quy định của pháp luật.

Tôi cũng cho rằng Vinashin cần phải làm tốt việc thực hiện rà soát để cắt giảm, đình hoãn, chuyển giao các dự án, chỉ giữ lại các dự án đầu tư thật sự cấp thiết, có hiệu quả trong lĩnh vực đóng và sửa chữa tàu. Mặt khác, chủ động tìm chủ tàu mới để bán đối với những dự án tàu đang đóng bị hủy hợp đồng; ngừng triển khai đầu tư đóng, sửa chữa tàu nhưng chưa có khả năng thu xếp vốn. Một việc nữa mà Vinashin cần phải triển khai trong thời gian tới là khẩn trương xây dựng, trình duyệt kế hoạch sản xuất, kinh doanh năm 2011-2012 và xúc tiến tìm kiếm các hợp đồng đóng tàu mới cho kế hoạch 2011-2012.

- Xin cảm ơn Bộ trưởng!

Uông Lam (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục