Petrovietnam phát động trồng cây phục hồi rừng trên đất ngập nước

Theo lãnh đạo Petrovietnam, trước ảnh hưởng nghiêm trọng bởi biến đổi khí hậu, một trong những giải pháp bền vững và thiết thực nhất lúc này là trồng rừng, phục hồi rừng trên đất ngập nước.

Các đơn vị dầu khí ký thỏa thuận với Viện Khoa học lâm nghiệp Nam bộ, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau trồng mới 40 ha rừng và 250.000 cây xanh trên địa bàn tỉnh. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Các đơn vị dầu khí ký thỏa thuận với Viện Khoa học lâm nghiệp Nam bộ, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau trồng mới 40 ha rừng và 250.000 cây xanh trên địa bàn tỉnh. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Ngày 24/4, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (Petrovietnam) tổ chức Lễ phát động trồng cây phục hồi rừng trên đất ngập nước tại xã Trần Hợi và khánh thành cầu giao thông nông thôn tại xã Khánh Bình Tây Bắc (thuộc huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau).

Đây là hoạt động thiết thực hưởng ứng Đề án trồng 1 tỷ cây xanh đến năm 2025 do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, triển khai cam kết của Chính phủ Việt Nam tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26), đồng thời, thực hiện chương trình hành động chống biến đổi khí hậu và Kế hoạch triển khai chương trình trồng 3 triệu cây xanh trong toàn Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam, giai đoạn 2022-2025.

Tại lễ phát động, ông Lê Mạnh Hùng, Chủ tịch Hội đồng thành viên Petrovietnam chia sẻ, trong những ngày này, thế giới và Việt Nam đang đối mặt với tình hình hạn hán khốc liệt, nắng nóng kéo dài khiến nguồn nước nhiều nơi cạn kiệt, ảnh hưởng nặng nề đến môi trường, cây trồng, nước sinh hoạt của người dân tại nhiều địa phương trong đó có tỉnh Cà Mau.

Trước ảnh hưởng nghiêm trọng bởi biến đổi khí hậu, một trong những giải pháp bền vững và thiết thực nhất lúc này là trồng rừng, phục hồi rừng trên đất ngập nước. Đây cũng là hành động mạnh mẽ của Petrovietnam khẳng định ý thức bảo vệ môi trường sinh thái, cảnh quan thiên nhiên và hạn chế ảnh hưởng tiêu cực bởi biến đổi khí hậu, góp phần cùng cả nước đạt được cam kết phát thải ròng bằng không vào năm 2050.

Ông Lê Mạnh Hùng cho rằng một trong những nguyên nhân dẫn đến khô hạn là do những cánh rừng bị tàn phá nặng nề làm giảm khả năng điều tiết nước bề mặt, hạ thấp mực nước ngầm dẫn đến cạn kiệt nguồn nước. Chính vì thế, việc trồng cây, gây rừng là một trong những biện pháp cấp thiết, lâu dài, bền vững khắc phục tình trạng hạn hán.

Bên cạnh đó, việc phủ xanh những cánh rừng bị ngập mặn, nhiễm phèn, ngập nước… góp phần quan trọng trong việc cân bằng hệ sinh thái, bảo vệ môi trường. Việc trồng cây, gây rừng không chỉ là trách nhiệm với xã hội, mà còn đưa lại những lợi ích cho doanh nghiệp khi được công nhận, cấp tín chỉ carbon bù đắp phần phát thải.

Từ lễ phát động này, với sự vào cuộc cả hệ thống chính trị trong toàn Tập đoàn, mỗi cán bộ nhân viên, người lao động sẽ phát huy tinh thần trách nhiệm, xây dựng và bảo vệ môi trường, không gian làm việc xanh, sạch, đẹp, qua đó tô đậm hình ảnh người lao động dầu khí thân thiện, trách nhiệm với xã hội, với cộng đồng, làm giàu thêm bản sắc văn hóa Petrovietnam.

“Tôi kêu gọi toàn thể cán bộ nhân viên, người lao động dầu khí tiếp tục hưởng ứng và cam kết, chủ động trồng cây xanh, giữ gìn cảnh quan môi trường, tạo không gian xanh, sạch, đẹp, nâng cao chất lượng và giá trị các hệ sinh thái trong toàn Tập đoàn. Bên cạnh đó, trồng cây phải đi đôi với chăm sóc, bảo vệ,” Chủ tịch Hội đồng thành viên Petrovietnam Lê Mạnh Hùng nhấn mạnh.

6.JPG
Lãnh đạo Petrovietnam cùng cán bộ nhân viên Tập đoàn tham gia trồng cây tại lễ phát động. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Năm 2022, Petrovietnam đã phát động toàn thể cán bộ nhân viên, người lao động dầu khí trồng 3 triệu cây xanh trên các công trình, địa phương có hoạt động dầu khí giai đoạn 2022-2025.

Trong 2 năm qua các đơn vị thành viên, trực thuộc Petrovietnam đã trồng mới và chăm sóc 615.135 cây xanh, tiêu biểu như: Tổng công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí (PVEP) phối hợp với địa phương/đơn vị trồng hơn 260.000 cây xanh trên 76 ha rừng tại Cà Mau, Thái Bình, Nghệ An; Tổng công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí (PVFCCo) hướng dẫn các đơn vị trực thuộc đánh giá tác động của các loại cây trồng đối với môi trường và đã hỗ trợ 100.000 cây phi lao giống cùng các vật tư đi kèm để chuyển tới các đảo Trường Sa trong chương trình “Xanh hóa Trường Sa.”

Tổng Giám đốc PVEP Trần Hồng Nam cho biết với mục tiêu hướng đến Net Zero vào năm 2050, PVEP đã chủ động xây dựng lộ trình từ 2024-2050 sẽ trồng hơn 1,7 triệu cây, mỗi năm trồng từ 60-300 ngàn cây xanh. Thông qua dự án trồng rừng, đóng góp khoảng 5-7% vào mục tiêu giảm phát thải ròng của PVEP đến năm 2050. PVEP xác định trồng rừng là một trong những biện pháp giúp PVEP đạt mục tiêu giảm phát thải, đồng thời cũng mang lại rất nhiều lợi ích cho cộng đồng.

Cũng tại lễ phát động, PVEP, PVCFC đã ký biên bản ghi nhớ cùng Viện Khoa học lâm nghiệp Nam bộ và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau trồng mới 40 ha rừng và 250.000 cây xanh trên địa bàn tỉnh Cà Mau, bù đắp những cánh rừng bị hạn hán, cũng như xanh hóa đất rừng bị nhiễm phèn, ngập mặn, lan toả đi thông điệp “Phục hồi rừng trên đất ngập nước, vì một Việt Nam xanh.”

Biên bản ghi nhớ đánh dấu sự hợp tác giữa các đơn vị của Petrovietnam với Viện Khoa học lâm nghiệp Nam bộ, nhằm mục đích khai thác lợi thế của mỗi bên trong các hoạt động trồng và bảo vệ rừng, hướng tới các mục tiêu chính như bảo vệ môi trường, đối phó với biến đổi khí hậu, trung hòa carbon và phát triển các cơ chế quy đổi tín chỉ carbon.

Lãnh đạo Petrovietnam bày tỏ mong muốn lãnh đạo tỉnh Cà Mau, Viện Khoa học lâm nghiệp Nam bộ cùng tạo điều kiện phối hợp với Tập đoàn và các đơn vị của Tập đoàn trong công tác trồng và bảo vệ rừng với mục tiêu bảo vệ môi trường, chống BĐKH, trung hòa carbon và quy đổi tín chỉ carbon.

Với chủ đề “Phục hồi rừng trên đất ngập nước”, lãnh đạo Tập đoàn cũng đề nghị các đơn vị tập trung phối hợp với các địa phương tham gia trồng, phủ xanh, phục hồi rừng trồng trên đất ngập mặn, ngập nước tại các tỉnh có hoạt động dầu khí, đảm bảo mục tiêu kép hoàn thành trồng 3 triệu cây xanh đến năm 2025 và lượng hóa việc giảm thải CO2 vào môi trường, làm cơ sở đón đầu xu hướng miễn, giảm thuế/phí môi trường. Bên cạnh đó, các đơn vị rà soát xây dựng kế hoạch, giải pháp triển khai hoàn thành chỉ tiêu phân bổ trong năm 2024 và 2025./.

Tại sự kiện này, PVCFC đã dành tặng nhân dân tỉnh Cà Mau 1 tỷ đồng để mua túi trữ nước ngọt và Công đoàn Dầu khí Việt Nam trao tặng 100 bồn nước với tổng trị giá 100 triệu đồng hỗ trợ bà con nhân dân huyện Trần Văn Thời khắc phục hạn hán, xâm nhập mặn.

Cùng ngày, đoàn công tác Petrovietnam cũng dự Lễ khánh thành cầu tuyến 87 (ấp 2, xã Khánh Bình Tây Bắc, huyện Trần Văn Thời, Cà Mau). Tổng kinh phí xây dựng cầu hơn 500 triệu đồng từ nguồn tài trợ của Petrovietnam.

Đây là một trong 6 công trình giao thông nông thôn do Petrovietnam hỗ trợ cho tỉnh Cà Mau trong giai đoạn 2022-2023 với tổng kinh phí 5 tỷ đồng. Petrovietnam cũng trao tặng 20 suất học bổng, mỗi suất học bổng trị giá 1 triệu đồng cho các em học sinh tại xã Khánh Bình Tây Bắc để khích lệ tinh thần hiếu học của các em.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục