Những "ông trùm" sẵn sàng chi lớn để thâu tóm TikTok

Sau khi Tổng thống Mỹ ký đạo luật buộc chủ sở hữu Trung Quốc phải bán ứng dụng TikTok, một số "ông trùm" tài chính và công nghệ Mỹ đang chuẩn bị "núi" tiền USD để mua ứng dụng này.

Biểu tượng ứng dụng TikTok. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Biểu tượng ứng dụng TikTok. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo phóng viên TTXVN tại Washington, một số "ông trùm" tài chính và công nghệ Mỹ đang chuẩn bị "núi" tiền USD để mua TikTok sau khi Tổng thống nước này Joe Biden ký đạo luật buộc chủ sở hữu Trung Quốc phải bán ứng dụng TikTok.

Tờ New York Post ngày 2/5 đưa tin, đứng đầu trong số những nhân vật này phải kể tới cựu Bộ trưởng Tài chính Mỹ Stevan Mnuchin; cựu Giám đốc điều hành (CEO) của Acltivision Blizzard - ông Bobby Kotick; CEO của Open AI Sam Altman; Trưởng quỹ Pershing Square - tỷ phú Bill Ackman và những "cá mập triệu USD" như Kevin O’Leary.

Theo đạo luật do Tổng thống Biden vừa ký ban hành, ByteDance (công ty mẹ của Tiktok ở Trung Quốc) có một năm để thoái vốn khỏi TikTok hoặc ứng dụng này bị cấm hoàn toàn tại nước Mỹ.

Tuy nhiên, việc mua bán này sẽ gặp nhiều khó khăn khi Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết việc ByteDance thoái vốn khỏi Tiktok cần phải được bộ phê duyệt. Ngoài ra, Bộ Thương mại Trung Quốc phản đối mạnh mẽ bất kỳ thương vụ mua bán nào.

Điều đó có nghĩa là người mua tiềm năng sẽ chỉ có được tên thương hiệu và cơ sở người dùng, đồng thời phải xây dựng lại công nghệ mà Tiktok sử dụng. Người mua cũng sẽ phải huy động hàng tỷ USD để có thể mua được Tiktok.

Mặc dù mức định giá của TikTok không được công khai nhưng một số nhà phân tích đã định giá Tiktok ở mức 100 tỷ USD nhờ thuật toán mà ứng dụng này sử dụng.

Theo dữ liệu của công ty nghiên cứu thị trường Pitchbook, ByteDance được định giá 220 tỷ USD vào năm ngoái.

Trong khi đó, một bài phân tích trên tờ Financial Times cho rằng, phản ứng của Mỹ đối với Tiktok trái ngược với cách Trung Quốc xử lý với hãng xe điện Tesla.

Hôm 28/4, tỷ phú Elon Musk - CEO của hãng Tesla - đã có cuộc gặp Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường tại Bắc Kinh và đạt được một thỏa thuận với "gã khổng lồ" công nghệ của Trung Quốc Baidu để tiếp cận hệ thống bản đồ và dẫn đường của Baidu.

Tham vọng của Tesla là chuyển đổi công ty từ một hãng sản xuất phần cứng sang một tập đoàn sản xuất cả phần mềm.

Việc lái xe tự động sẽ đóng vai trò quan trọng trong quá trình chuyển đổi này và Tesla cần tiếp cận với các dữ liệu của Trung Quốc.

Cách xử lý của Bắc Kinh đối với Tesla sẽ giúp thúc đẩy đầu tư nước ngoài và những khoản đầu tư của Tesla cũng thúc đẩy sự phát triển ngành công nghiệp xe điện của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Trong bối cảnh Washington tiến gần hơn tới việc cấm ứng dụng TikTok, một cuộc thăm dò dư luận do Reuters/Ipsos thực hiện cho thấy, 50% số người được hỏi tại Mỹ ủng hộ việc cấm TikTok, trong khi 32% số ý kiến phản đối lệnh cấm và số còn lại không chắc chắn.

Cuộc thăm dò chỉ khảo sát người trưởng thành ở Mỹ và không phản ánh quan điểm của những người dưới 18 tuổi, những người chiếm một phần đáng kể người dùng TikTok tại Mỹ.

TikTok đã chi hơn 1,5 tỷ USD cho các nỗ lực bảo mật dữ liệu và đã cam kết sẽ không chia sẻ dữ liệu của 170 triệu người dùng tại Mỹ với Chính phủ Trung Quốc.

Trong cuộc điều trần tại Quốc hội Mỹ vào năm ngoái, đại diện TikTok khẳng định họ “không quảng bá hoặc xóa nội dung theo yêu cầu của chính phủ Trung Quốc”./.

(TTXVN/Vietnam+)