Những ngày qua vừa đánh dấu năm năm nền tài chính quốc tế chính thức rơi vào một khủng hoảng tồi tệ nhất kể từ cuộc Đại suy thoái đầu thập niên 30 của Thế kỷ trước.
Dù không làm cho nền tài chính toàn cầu rơi vào sụp đổ hoàn toàn, cuộc khủng hoảng bắt đầu từ 2007 cũng đã làm cho các cường quốc công nghiệp lớn nhất suy yếu.
Những nỗ lực khắc phục khủng hoảng cho đến nay vẫn chưa đem lại những kết quả mong đợi và ở một số khu vực, một số nền kinh tế thậm chí tình hình còn xấu thêm. Trong bối cảnh đó, có những suy đoán về một cuộc khủng hoảng mới đang gõ cửa tất cả các nền kinh tế trên thế giới.
Hiện trạng vẫn ảm đạm
Cuộc khủng hoảng bắt đầu bằng sự kiện sáng 9/8/2007, Ngân hàng Pháp BNP Paribas tạm đình lại ba quỹ đầu tư có liên quan đến các hoạt động cho vay thế chấp dưới chuẩn đáng ngờ trong lĩnh vực bất động sản của Mỹ. Trong những tháng tiếp theo, thủ phạm đã được nhận diện là các hoạt động kinh doanh tín dụng thiếu thận trọng của các ngân hàng Mỹ. Đỉnh cao của khủng hoảng là sự sụp đổ vào tháng 9/2008 của Lehman Brothers, một trong những ngân hàng lớn nhất nước Mỹ.
Biến cố 2007 và nhất là việc ngân hàng Lehman Brothers sụp đổ đã buộc nguyên thủ của nhóm 20 nền kinh tế phát triển và mới nổi (G20) lần đầu tiên họp lại với nhau tìm giải pháp vào tháng 11/2008 theo sáng kiến của Pháp và Anh. Tất cả những vấn đề nóng bỏng của nền kinh tế toàn cầu đã lần lượt được đưa ra thảo luận, từ việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cân bằng và bền vững cho đến việc cải cách triệt để hệ thống tài chính-ngân hàng và cải cách các định chế tài chính quốc tế. Tuy nhiên, theo thời gian, các cuộc tranh luận tại G20 kéo dài mà ít mang lại kết quả, và cho đến nay, cuộc cải cách thực sự cho một nền quản trị toàn cầu vẫn chưa thực hiện được.
Hiện nền kinh tế toàn cầu được cho là đang trong tình trạng xấu nhất kể từ "thời kỳ đen tối" năm 2009. Khu vực đồng euro (Eurozone) đang phải đối mặt với các khoản nợ công khổng lồ, các ngân hàng phải trầy trật để trụ vững và kinh tế hầu như không tăng trưởng. Tăng trưởng kinh tế Mỹ đang tiếp tục sụt giảm. Các "siêu sao" kinh tế trong thế giới các nước đang phát triển như Trung Quốc, Ấn Độ và Brazil thì lại không thể "giải cứu" những nước kia bởi chính họ cũng đang tăng trưởng chậm lại. Tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc chỉ đạt 7,6% trong quý 2 năm nay, mức thấp nhất kể từ đầu năm 2009.
Rất nhiều nhà kinh tế cho rằng các nhà hoạch định chính sách của châu Âu sẽ không tạo được bước tiến đủ nhanh để có thể củng cố các ngân hàng châu Âu và làm giảm chi phí đi vay đối với Italia và Tây Ban Nha. Họ lo ngại tới những tác động toàn cầu nếu tình hình kinh tế châu Âu càng trở nên xấu hơn nữa. Mối quan ngại ngày càng tăng về tình hình kinh tế toàn cầu là hiện nay hầu như không có động lực để khôi phục tăng trưởng kinh tế. Mỹ, nền kinh tế lớn nhất thế giới, từ lâu đã kéo nền kinh tế toàn cầu ra khỏi thời kỳ khủng hoảng, song ba năm sau khi suy thoái chính thức kết thúc, kinh tế nước này đã không thể duy trì được động lực tăng trưởng.
Tạp chí Tài chính và Phát triển của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) số tháng Sáu năm nay đã đưa ra sự đánh giá tổng quan bức tranh kinh tế toàn cầu, trong đó nhấn mạnh răng, 5 năm sau cuộc khủng hoảng kinh tế-tài chính, hiện trạng của kinh tế thế giới vẫn ảm đạm và nguy cơ bất ổn vẫn lớn.
Theo đánh giá này, cho đến khi các thể chế tài chính và các hộ gia đình cân bằng được các khoản thu chi, tiến trình phục hồi của các nền kinh tế phát triển vẫn phải đối mặt nguy cơ trì trệ, còn các nền kinh tế mới nổi và các nước thu nhập thấp tuy vượt qua khủng hoảng kinh tế tương đối nhanh nhưng vẫn rất dễ bị tổn thương do các cú sốc kinh tế từ bên ngoài, trong khi các quy chế của khu vực tài chính toàn cầu vẫn chưa đầy đủ.
Các ngân hàng trung ương lùi bước
Trong bối cảnh khủng hoảng tiếp diễn mà chưa có các giải pháp triệt để, vai trò của các ngân hàng trung ương được ghi nhận như “các thành lũy chống lại sự hỗn loạn.” Mức độ nghiêm trọng của khủng hoảng buộc các ngân hàng tạo ra các phương thức can thiệp mới. Trong thời gian khủng hoảng làm chao đảo toàn thế giới, các định chế tiền tệ chủ yếu này đã làm hết sức để trở thành “những mỏ neo duy trì sự ổn định.” Đặc biệt, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) có tầm quan trọng đặc biệt do rủi ro lớn mà cuộc khủng hoảng nợ ở châu Âu gây ra đối với kinh tế toàn cầu.
Tại Eurozone, tín dụng cho các ngân hàng được cung cấp dễ dàng hơn. Kể từ khi cuộc khủng hoảng bùng nổ, ECB đã tiến hành một loạt biện pháp "không theo chuẩn" để ngăn chặn sự xuống dốc của đồng tiền chung. Bên cạnh việc thực thi biện pháp chính sách tiền tệ thông thường là hạ lãi suất xuống các mức thấp kỷ lục, ECB đã mua trái phiếu của các nước đang ngập trong nợ nần.
Gần đây nhất, ECB đã bơm trên 1.000 tỷ euro (khoảng 1.300 tỷ USD) vào hệ thống ngân hàng thông qua hoạt động tái cấp vốn dài hạn (LTRO), nhằm ngăn chặn tình trạng căng thẳng tín dụng nguy hiểm.
Mới đây, để hỗ trợ các nước trong khu vực hơn nữa, ECB còn có kế hoạch mua lại nợ của các quốc gia gặp khó khăn là điều trước đó không được phép, với một số điều kiện về chính trị. Trước đó, tại Lonson, Chủ tịch ECB Mario Draghi đã nói rõ cam kết "sẽ làm tất cả những gì cần thiết" để bảo vệ đồng euro. Ông đề xuất một loạt những động thái khôn ngoan để làm giảm lãi suất trái phiếu của các nền kinh tế đang gặp khó khăn.
Tuy nhiên, những vấn đề của hệ thống tài chính thế giới và "bão" nợ công hoành hành châu Âu đang đặt ra câu hỏi về vai trò của các ngân hàng trung ương. Giới chuyên gia quốc tế nhận định các ngân hàng trung ương không còn là những "vị cứu tinh" cho nền kinh tế toàn cầu đang gặp khó khăn, thay vào đó sẽ đòi hỏi sự tham gia tích cực hơn của các cơ quan chính phủ khác với những công cụ chính sách thích hợp hơn.
Các cuộc họp của Ngân hàng Trung ương Anh, ECB và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) hồi đầu tháng đều đưa ra những lý lẽ ủng hộ các biện pháp kích thích bổ sung, song lại gây thất vọng khi không nêu cụ thể những biện pháp bổ sung đó là gì. Nguyên nhân khiến các thể chế tài chính này giảm bớt vai trò của mình trong nỗ lực đẩy lùi cuộc khủng hoảng là nhằm gây sức ép đối với các nhà hoạch định chính sách, đồng thời bản thân các công cụ chính sách của họ cũng ngày càng ít hiệu quả.
Ông Draghi từng khẳng định các ngân hàng trung ương "không thể thay thế các Chính phủ." Gánh nặng giờ đây cần được đặt lên vai các nhà hoạch định chính sách khác và giới lãnh đạo chính trị, những người có những công cụ để giải quyết vấn đề cơ bản của việc tăng trưởng quá thấp, nợ quá nhiều cũng như tình trạng vốn tư nhân được đổ quá ít vào đầu tư và các hoạt động sản xuất khác.
Một cuộc khủng hoảng mới đang gõ cửa?
Tổng Giám đốc IMF Christine Lagarde đầu tháng Bảy vừa qua đã cảnh báo rằng một cuộc khủng hoảng mới trên phạm vi toàn cầu đang gõ cửa tất cả các nền kinh tế thế giới. Bà Lagarde nêu rõ nền kinh tế thế giới hiện trở nên đáng lo ngại hơn so với nhiều tháng trước đây với các chỉ số hoạt động kinh tế như đầu tư, việc làm, công nghiệp đều xấu hơn không chỉ ở các nước phát triển mà cả ở các nền kinh tế mới nổi hàng đầu như Trung Quốc, Ấn Độ và Brazil. Thế giới phụ thuộc nhiều vào các hành động chính sách đúng đắn để vượt qua khủng hoảng, tránh được các tác động đe dọa sự ổn định và tăng trưởng kinh tế trên toàn cầu.
Tổng Giám đốc IMF nêu rõ giải pháp cho cuộc khủng hoảng toàn cầu mới này cần đặt trên sự hợp tác quốc tế. Tăng cường phối hợp chính sách giữa các nền kinh tế G20 có thể làm tăng tổng sản phẩm nội địa toàn cầu lên 7% và tăng thêm 36 triệu việc làm trong thời gian trung hạn.
Bà Lagarde nhấn mạnh hành động chính sách tập thể sẽ đem lại lợi ích cho tất cả. Các nước cần hành động phối hợp để phá vỡ các dây chuyền chính của cuộc khủng hoảng với các mắt xích là nợ công cao, ngân hàng yếu và tăng trưởng yếu, nhằm hướng tới mục đích cuối cùng là ổn định và tăng trưởng kinh tế bền vững.
Tổng Giám đốc IMF nêu bật ba nhiệm vụ cấp thiết cần hành động chính sách tập thể. Một là khôi phục sức mạnh ngân sách công. Các nước cần hành động quyết định để giải quyết vấn đề nợ công đang đè nặng lên phát triển và gây sức ép lớn lên thị trường tài chính tiền tệ. Tuy nhiên, việc điều chỉnh nợ cần được thực hiện dần dần để không gây hại cho tiến trình phục hồi kinh tế. Hai là điều chỉnh và cải cách khu vực tài chính. IMF nhấn mạnh các hành động tập thể xuyên thể chế, xuyên thị trường và xuyên biên giới để đảm bảo khu vực tài chính được điều chỉnh với quy chế tốt hơn, giám sát mạnh hơn và khuyến khích thích hợp hơn đối với khu vực kinh tế tư nhân. Ba là tăng trưởng bền vững trong đó cải tổ cơ cấu là chìa khóa đảm bảo phát triển bền vững các thị trường lao động, sản phẩm và dịch vụ.
Trước nguy cơ của một cuộc khủng hoảng mới, có những khuyến nghị được đưa ra cho các nền kinh tế lớn. Đối với châu Âu, khu vực này cần một liên minh tài chính thực sự cũng như các mối quan hệ chính trị thực sự có ràng buộc và một nỗ lực của quốc gia mạnh nhất châu lục này là Đức để dẫn dắt tiến trình hội nhập sâu hơn đó. Đối với Trung Quốc, điều thật sự cần thiết là một mô hình tăng trưởng hoàn toàn mới, một mô hình dựa vào chi tiêu của người tiêu dùng chứ không phải của chính phủ.
Về phần mình, Mỹ cần loại bỏ sự vướng mắc về tài chính do hai đảng trong Quốc hội chưa đạt được sự nhất trí về kế hoạch cắt giảm thâm hụt ngân sách, điều sẽ dẫn tới việc tăng thuế và cắt giảm chi tiêu tự động kể từ đầu năm 2013.
Mặc dù vậy, hiện cũng có những lý do để có thể phần nào lạc quan về nền kinh tế-tài chính toàn cầu. Các ngân hàng trung ương ở Trung Quốc, Anh, Brazil, Hàn Quốc và châu Âu đã giảm lãi suất nhằm cố gắng tạo đà tăng trưởng kinh tế.
Các nhà lãnh đạo châu Âu đã bắt đầu chú trọng nhiều hơn vào việc thúc đẩy tăng trưởng, chứ không chỉ tập trung vào việc giảm nợ và củng cố ngân sách. Đặc biệt, Chính phủ Trung Quốc được cho là sẽ thực hiện mọi biện pháp có thể để bảo vệ nền kinh tế của nước này tránh khỏi tình trạng bị yếu đi quá nhanh./.
Dù không làm cho nền tài chính toàn cầu rơi vào sụp đổ hoàn toàn, cuộc khủng hoảng bắt đầu từ 2007 cũng đã làm cho các cường quốc công nghiệp lớn nhất suy yếu.
Những nỗ lực khắc phục khủng hoảng cho đến nay vẫn chưa đem lại những kết quả mong đợi và ở một số khu vực, một số nền kinh tế thậm chí tình hình còn xấu thêm. Trong bối cảnh đó, có những suy đoán về một cuộc khủng hoảng mới đang gõ cửa tất cả các nền kinh tế trên thế giới.
Hiện trạng vẫn ảm đạm
Cuộc khủng hoảng bắt đầu bằng sự kiện sáng 9/8/2007, Ngân hàng Pháp BNP Paribas tạm đình lại ba quỹ đầu tư có liên quan đến các hoạt động cho vay thế chấp dưới chuẩn đáng ngờ trong lĩnh vực bất động sản của Mỹ. Trong những tháng tiếp theo, thủ phạm đã được nhận diện là các hoạt động kinh doanh tín dụng thiếu thận trọng của các ngân hàng Mỹ. Đỉnh cao của khủng hoảng là sự sụp đổ vào tháng 9/2008 của Lehman Brothers, một trong những ngân hàng lớn nhất nước Mỹ.
Biến cố 2007 và nhất là việc ngân hàng Lehman Brothers sụp đổ đã buộc nguyên thủ của nhóm 20 nền kinh tế phát triển và mới nổi (G20) lần đầu tiên họp lại với nhau tìm giải pháp vào tháng 11/2008 theo sáng kiến của Pháp và Anh. Tất cả những vấn đề nóng bỏng của nền kinh tế toàn cầu đã lần lượt được đưa ra thảo luận, từ việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cân bằng và bền vững cho đến việc cải cách triệt để hệ thống tài chính-ngân hàng và cải cách các định chế tài chính quốc tế. Tuy nhiên, theo thời gian, các cuộc tranh luận tại G20 kéo dài mà ít mang lại kết quả, và cho đến nay, cuộc cải cách thực sự cho một nền quản trị toàn cầu vẫn chưa thực hiện được.
Hiện nền kinh tế toàn cầu được cho là đang trong tình trạng xấu nhất kể từ "thời kỳ đen tối" năm 2009. Khu vực đồng euro (Eurozone) đang phải đối mặt với các khoản nợ công khổng lồ, các ngân hàng phải trầy trật để trụ vững và kinh tế hầu như không tăng trưởng. Tăng trưởng kinh tế Mỹ đang tiếp tục sụt giảm. Các "siêu sao" kinh tế trong thế giới các nước đang phát triển như Trung Quốc, Ấn Độ và Brazil thì lại không thể "giải cứu" những nước kia bởi chính họ cũng đang tăng trưởng chậm lại. Tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc chỉ đạt 7,6% trong quý 2 năm nay, mức thấp nhất kể từ đầu năm 2009.
Rất nhiều nhà kinh tế cho rằng các nhà hoạch định chính sách của châu Âu sẽ không tạo được bước tiến đủ nhanh để có thể củng cố các ngân hàng châu Âu và làm giảm chi phí đi vay đối với Italia và Tây Ban Nha. Họ lo ngại tới những tác động toàn cầu nếu tình hình kinh tế châu Âu càng trở nên xấu hơn nữa. Mối quan ngại ngày càng tăng về tình hình kinh tế toàn cầu là hiện nay hầu như không có động lực để khôi phục tăng trưởng kinh tế. Mỹ, nền kinh tế lớn nhất thế giới, từ lâu đã kéo nền kinh tế toàn cầu ra khỏi thời kỳ khủng hoảng, song ba năm sau khi suy thoái chính thức kết thúc, kinh tế nước này đã không thể duy trì được động lực tăng trưởng.
Tạp chí Tài chính và Phát triển của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) số tháng Sáu năm nay đã đưa ra sự đánh giá tổng quan bức tranh kinh tế toàn cầu, trong đó nhấn mạnh răng, 5 năm sau cuộc khủng hoảng kinh tế-tài chính, hiện trạng của kinh tế thế giới vẫn ảm đạm và nguy cơ bất ổn vẫn lớn.
Theo đánh giá này, cho đến khi các thể chế tài chính và các hộ gia đình cân bằng được các khoản thu chi, tiến trình phục hồi của các nền kinh tế phát triển vẫn phải đối mặt nguy cơ trì trệ, còn các nền kinh tế mới nổi và các nước thu nhập thấp tuy vượt qua khủng hoảng kinh tế tương đối nhanh nhưng vẫn rất dễ bị tổn thương do các cú sốc kinh tế từ bên ngoài, trong khi các quy chế của khu vực tài chính toàn cầu vẫn chưa đầy đủ.
Các ngân hàng trung ương lùi bước
Trong bối cảnh khủng hoảng tiếp diễn mà chưa có các giải pháp triệt để, vai trò của các ngân hàng trung ương được ghi nhận như “các thành lũy chống lại sự hỗn loạn.” Mức độ nghiêm trọng của khủng hoảng buộc các ngân hàng tạo ra các phương thức can thiệp mới. Trong thời gian khủng hoảng làm chao đảo toàn thế giới, các định chế tiền tệ chủ yếu này đã làm hết sức để trở thành “những mỏ neo duy trì sự ổn định.” Đặc biệt, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) có tầm quan trọng đặc biệt do rủi ro lớn mà cuộc khủng hoảng nợ ở châu Âu gây ra đối với kinh tế toàn cầu.
Tại Eurozone, tín dụng cho các ngân hàng được cung cấp dễ dàng hơn. Kể từ khi cuộc khủng hoảng bùng nổ, ECB đã tiến hành một loạt biện pháp "không theo chuẩn" để ngăn chặn sự xuống dốc của đồng tiền chung. Bên cạnh việc thực thi biện pháp chính sách tiền tệ thông thường là hạ lãi suất xuống các mức thấp kỷ lục, ECB đã mua trái phiếu của các nước đang ngập trong nợ nần.
Gần đây nhất, ECB đã bơm trên 1.000 tỷ euro (khoảng 1.300 tỷ USD) vào hệ thống ngân hàng thông qua hoạt động tái cấp vốn dài hạn (LTRO), nhằm ngăn chặn tình trạng căng thẳng tín dụng nguy hiểm.
Mới đây, để hỗ trợ các nước trong khu vực hơn nữa, ECB còn có kế hoạch mua lại nợ của các quốc gia gặp khó khăn là điều trước đó không được phép, với một số điều kiện về chính trị. Trước đó, tại Lonson, Chủ tịch ECB Mario Draghi đã nói rõ cam kết "sẽ làm tất cả những gì cần thiết" để bảo vệ đồng euro. Ông đề xuất một loạt những động thái khôn ngoan để làm giảm lãi suất trái phiếu của các nền kinh tế đang gặp khó khăn.
Tuy nhiên, những vấn đề của hệ thống tài chính thế giới và "bão" nợ công hoành hành châu Âu đang đặt ra câu hỏi về vai trò của các ngân hàng trung ương. Giới chuyên gia quốc tế nhận định các ngân hàng trung ương không còn là những "vị cứu tinh" cho nền kinh tế toàn cầu đang gặp khó khăn, thay vào đó sẽ đòi hỏi sự tham gia tích cực hơn của các cơ quan chính phủ khác với những công cụ chính sách thích hợp hơn.
Các cuộc họp của Ngân hàng Trung ương Anh, ECB và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) hồi đầu tháng đều đưa ra những lý lẽ ủng hộ các biện pháp kích thích bổ sung, song lại gây thất vọng khi không nêu cụ thể những biện pháp bổ sung đó là gì. Nguyên nhân khiến các thể chế tài chính này giảm bớt vai trò của mình trong nỗ lực đẩy lùi cuộc khủng hoảng là nhằm gây sức ép đối với các nhà hoạch định chính sách, đồng thời bản thân các công cụ chính sách của họ cũng ngày càng ít hiệu quả.
Ông Draghi từng khẳng định các ngân hàng trung ương "không thể thay thế các Chính phủ." Gánh nặng giờ đây cần được đặt lên vai các nhà hoạch định chính sách khác và giới lãnh đạo chính trị, những người có những công cụ để giải quyết vấn đề cơ bản của việc tăng trưởng quá thấp, nợ quá nhiều cũng như tình trạng vốn tư nhân được đổ quá ít vào đầu tư và các hoạt động sản xuất khác.
Một cuộc khủng hoảng mới đang gõ cửa?
Tổng Giám đốc IMF Christine Lagarde đầu tháng Bảy vừa qua đã cảnh báo rằng một cuộc khủng hoảng mới trên phạm vi toàn cầu đang gõ cửa tất cả các nền kinh tế thế giới. Bà Lagarde nêu rõ nền kinh tế thế giới hiện trở nên đáng lo ngại hơn so với nhiều tháng trước đây với các chỉ số hoạt động kinh tế như đầu tư, việc làm, công nghiệp đều xấu hơn không chỉ ở các nước phát triển mà cả ở các nền kinh tế mới nổi hàng đầu như Trung Quốc, Ấn Độ và Brazil. Thế giới phụ thuộc nhiều vào các hành động chính sách đúng đắn để vượt qua khủng hoảng, tránh được các tác động đe dọa sự ổn định và tăng trưởng kinh tế trên toàn cầu.
Tổng Giám đốc IMF nêu rõ giải pháp cho cuộc khủng hoảng toàn cầu mới này cần đặt trên sự hợp tác quốc tế. Tăng cường phối hợp chính sách giữa các nền kinh tế G20 có thể làm tăng tổng sản phẩm nội địa toàn cầu lên 7% và tăng thêm 36 triệu việc làm trong thời gian trung hạn.
Bà Lagarde nhấn mạnh hành động chính sách tập thể sẽ đem lại lợi ích cho tất cả. Các nước cần hành động phối hợp để phá vỡ các dây chuyền chính của cuộc khủng hoảng với các mắt xích là nợ công cao, ngân hàng yếu và tăng trưởng yếu, nhằm hướng tới mục đích cuối cùng là ổn định và tăng trưởng kinh tế bền vững.
Tổng Giám đốc IMF nêu bật ba nhiệm vụ cấp thiết cần hành động chính sách tập thể. Một là khôi phục sức mạnh ngân sách công. Các nước cần hành động quyết định để giải quyết vấn đề nợ công đang đè nặng lên phát triển và gây sức ép lớn lên thị trường tài chính tiền tệ. Tuy nhiên, việc điều chỉnh nợ cần được thực hiện dần dần để không gây hại cho tiến trình phục hồi kinh tế. Hai là điều chỉnh và cải cách khu vực tài chính. IMF nhấn mạnh các hành động tập thể xuyên thể chế, xuyên thị trường và xuyên biên giới để đảm bảo khu vực tài chính được điều chỉnh với quy chế tốt hơn, giám sát mạnh hơn và khuyến khích thích hợp hơn đối với khu vực kinh tế tư nhân. Ba là tăng trưởng bền vững trong đó cải tổ cơ cấu là chìa khóa đảm bảo phát triển bền vững các thị trường lao động, sản phẩm và dịch vụ.
Trước nguy cơ của một cuộc khủng hoảng mới, có những khuyến nghị được đưa ra cho các nền kinh tế lớn. Đối với châu Âu, khu vực này cần một liên minh tài chính thực sự cũng như các mối quan hệ chính trị thực sự có ràng buộc và một nỗ lực của quốc gia mạnh nhất châu lục này là Đức để dẫn dắt tiến trình hội nhập sâu hơn đó. Đối với Trung Quốc, điều thật sự cần thiết là một mô hình tăng trưởng hoàn toàn mới, một mô hình dựa vào chi tiêu của người tiêu dùng chứ không phải của chính phủ.
Về phần mình, Mỹ cần loại bỏ sự vướng mắc về tài chính do hai đảng trong Quốc hội chưa đạt được sự nhất trí về kế hoạch cắt giảm thâm hụt ngân sách, điều sẽ dẫn tới việc tăng thuế và cắt giảm chi tiêu tự động kể từ đầu năm 2013.
Mặc dù vậy, hiện cũng có những lý do để có thể phần nào lạc quan về nền kinh tế-tài chính toàn cầu. Các ngân hàng trung ương ở Trung Quốc, Anh, Brazil, Hàn Quốc và châu Âu đã giảm lãi suất nhằm cố gắng tạo đà tăng trưởng kinh tế.
Các nhà lãnh đạo châu Âu đã bắt đầu chú trọng nhiều hơn vào việc thúc đẩy tăng trưởng, chứ không chỉ tập trung vào việc giảm nợ và củng cố ngân sách. Đặc biệt, Chính phủ Trung Quốc được cho là sẽ thực hiện mọi biện pháp có thể để bảo vệ nền kinh tế của nước này tránh khỏi tình trạng bị yếu đi quá nhanh./.
Lê Minh (TTXVN)