Một nửa hệ sinh thái rừng ngập mặn trên thế giới đang bị tổn hại

IUCN nhấn mạnh nhu cầu cấp thiết trong việc phối hợp bảo tồn rừng ngập mặn, vốn là môi trường sống rất quan trọng đối với hàng triệu cộng đồng dễ bị tổn thương và đa dạng sinh học.

vna_potal_mot_nua_he_sinh_thai_rung_ngap_man_tren_the_gioi_dang_bi_ton_hai.jpg

Nghiên cứu được Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên quốc tế (IUCN) công bố tháng 5/2024 đã làm sáng tỏ tình trạng nguy cấp của hệ sinh thái rừng ngập mặn trên toàn thế giới.

IUCN nhấn mạnh nhu cầu cấp thiết trong việc phối hợp bảo tồn rừng ngập mặn, vốn là môi trường sống rất quan trọng đối với hàng triệu cộng đồng dễ bị tổn thương và đa dạng sinh học.

Rừng ngập mặn, đặc trưng bởi sự phát triển của chúng trong nước biển hoặc nước lợ dọc theo bờ biển và sông có thủy triều, bao phủ khoảng 15% bờ biển của thế giới, với tổng diện tích lên tới khoảng 150.000 km2.

Nghiên cứu đánh giá 36 khu vực khác nhau cho thấy số liệu thống kê đáng báo động: 50% hệ sinh thái rừng ngập mặn trên thế giới đang bị tổn hại, ngoài ra 20% diện tích được phân loại là dễ bị tổn thương, có nguy cơ tuyệt chủng hoặc cực kỳ nguy cấp.

Rừng ngập mặn đang bị đe dọa đáng kể do biến đổi khí hậu, nạn phá rừng và ô nhiễm. Theo đó, hơn 30% hệ sinh thái rừng ngập mặn được đánh giá đang gặp nguy hiểm, do biến đổi khí hậu khiến cho mực nước biển dâng cao.

Theo IUCN, nếu không có sự can thiệp, 25% diện tích rừng ngập mặn toàn cầu dự kiến sẽ bị nhấn chìm trong vòng 50 năm tới, đặc biệt là tại các khu vực như Tây Bắc Đại Tây Dương, Bắc Ấn Độ Dương, Biển Đỏ, Biển Đông và Vịnh Aden./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục