Một thảm cảnh nhân đạo thực sự đang xảy ra tại đất nước Libya

Nhiều tháng qua, tại Libya đã xảy ra hàng trăm vụ giết người cũng như làn sóng người chạy nạn diễn ra khắp nơi, và một thảm cảnh nhân đạo thực sự đang xảy ra tại đất nước này.
Một thảm cảnh nhân đạo thực sự đang xảy ra tại đất nước Libya ảnh 1Một nhà kho bị tàn phá sau xung đột ở Libya. (Nguồn: THX/TTXVN)

Ngày 23/12, Cao ủy Liên hợp quốc về nhân quyền và Phái bộ Hỗ trợ Libya của Liên hợp quốc (UNSMIL) đã công bố Báo cáo chung về cuộc sống của dân thường Libya trong bối cảnh đất nước Bắc Phi này đang lâm vào cuộc xung đột đẫm máu kéo dài nhiều tháng nay.

Phóng viên TTXVN tại Liên hợp quốc dẫn văn kiện trên cho biết nhiều tháng qua, tại Libya đã xảy ra hàng trăm vụ giết người, cũng như làn sóng người chạy nạn diễn ra khắp nơi, và một thảm cảnh nhân đạo thực sự đang xảy ra tại tất cả những địa phương có xung đột.

Theo các tác giả bản báo cáo, các vụ bắn phá vào nhiều điểm dân cư, cũng như nạn bắt cóc, tra tấn nhục hình, kể cả hành quyết, đang diễn ra tràn lan tại những nơi có xung đột giữa các phe phái có vũ trang.

Tại miền Tây Libya, những cuộc đấu súng gần đây giữa các lực lượng này đã làm hơn 100 người thiệt mạng. Tồi tệ hơn, cuộc xung đột mới nhất giữa các phe phái đã làm 170 người chết ở thành phố Nafusa, và hơn 120.000 người ở đây buộc phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn.

Trong khi đó, chiến sự vẫn tiếp tục leo thanh tại thành phố Benghazi ở miền Đông, và chỉ tính riêng từ giữa tháng 11 đến nay đã có 450 người ở đây bị sát hại.

Cư dân thành phố này đang phải sống trong tình cảnh thiếu thốn trăm bề, không đủ thức ăn, nước uống, trong khi nhiều bệnh viện trong thành phố đã bị phá hủy hoàn toàn.

Nhiều người dân ở đây bị ép buộc tham gia các phe nhóm vũ trang và tham chiến, bắn giết ngay tại chính thành phố của mình. Nhà cửa trong thành phố bị phá hủy hàng loạt, hiện có tới hơn 9.000 người không có nơi cư trú, phải sống tạm trong các lều bạt, không có các điều kiện vệ sinh tối thiểu.

Ngoài ra, cũng như Benghazi, tại nhiều địa phương khác ở Libya, giới báo chí và những người làm công tác xã hội đang là đối tượng bị các phe phái tham gia xung đột lùng sục để bắt giữ và hành quyết.

Cao ủy Liên hợp quốc về nhân quyền và UNSMIL coi đây là những hành động vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế về quyền con người, và yêu cầu phải được đưa ra xét xử tại Tòa án Hình sự quốc tế về Libya.

Trong khi đó, Ủy ban châu Âu (EC) thông báo sẽ trích 2 triệu euro từ Quỹ Hỗ trợ khẩn cấp nhằm giúp đỡ người dân Libya phải bỏ nhà cửa đi lánh nạn.

Phóng viên TTXVN tại Brussels cho biết khoản tài chính trên sẽ được sử dụng để hỗ trợ nhân đạo và bảo vệ những người dễ bị tổn thương nhất trong các cuộc xung đột, cung cấp lương thực, thực phẩm, lều bạt, thuốc chữa bệnh và trợ giúp tâm lý.

Theo Ủy viên châu Âu phụ trách viện trợ nhân đạo và quản lý khủng hoảng Christos Stylianides, nhu cầu hiện nay rất lớn, sự hỗ trợ khẩn cấp này có thể là một sự cứu rỗi thực sự đối với những gia đình dễ bị tổn thương nhất bị mắc kẹt trong cuộc xung đột./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục