Mưa lũ ở miền Trung diễn biến phức tạp, còn khả năng xuất hiện thêm

Lũ trên sông Ngàn Sâu, sông Bồ đang tiếp tục lên, sông Thạch Hãn đang lên lại, các sông khác ở Quảng Bình đến Thừa Thiên-Huế đang dao động ở mức cao, các sông ở Quang Nam, Quảng Ngãi đang xuống.
Mưa lũ ở miền Trung diễn biến phức tạp, còn khả năng xuất hiện thêm ảnh 1Người dân ở huyện Phong Điền (Thừa Thiên-Huế) buộc lại những lồng bè nuôi cá khi nước lũ dâng cao. (Ảnh: TTXVN phát)

Ngày 9/10, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia Vũ Đức Long cho biết tính đến 17 giờ ngày 9/10, các tỉnh Trung Bộ vẫn tiếp tục có mưa; mưa lớn tập trung ở các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên-Huế.

Lũ trên sông Ngàn Sâu, sông Bồ đang tiếp tục lên, sông Thạch Hãn đang lên lại, các sông khác ở Quảng Bình đến Thừa Thiên-Huế đang dao động ở mức cao, các sông ở Quang Nam, Quảng Ngãi đang xuống.

"Trong trận lũ này, mực nước đỉnh lũ tại trạm Đông Hà trên sông Hiếu (Quảng Trị) đã vượt lũ lịch sử năm 1983 là 0,11m. Đây là mực nước cao nhất của đợt mưa lũ từ ngày 6-9/10 và đỉnh lũ cao nhất trong chuỗi số liệu quan trắc được tại trạm. Hiện nay, khí quyển đã chuyển sang trạng thái La Nina (thuộc dòng biển lạnh làm lạnh nhiệt độ của những vùng mà nó đi qua), do đó từ nay cho đến cuối năm 2020, tình hình mưa lũ ở khu vực miền Trung còn diễn biến phức tạp và nhiều khả năng xuất hiện thêm các đợt mưa lũ lớn ở khu vực này," ông Long nhấn mạnh.

[Thừa Thiên-Huế mưa trắng trời, Quảng Bình có nơi bị cô lập hoàn toàn]

Nhận định về nguyên nhân xảy ra mưa lớn và kéo dài, ông Long cho rằng do ảnh hưởng của dải hội tụ nhiệt đới đi qua Trung Bộ (trên dải hội tụ nhiệt đới tồn tại các vùng áp thấp) và kết hợp với hoạt động của không khí lạnh.

Nếu so sánh đỉnh lũ trên các sông từ Hà Tĩnh-Quảng Ngãi trong đợt lũ này (từ 6-9/10) với đỉnh lũ cao nhất năm 2017 thì phổ biến ở mức thấp hơn, riêng sông Kiến Giang và Thạch Hãn ở mức cao.

Ngoài ra, do ảnh hưởng của dải hội tụ nhiệt đới đi qua Trung Bộ kết hợp với hoạt động của không khí lạnh nên trong đêm 9 và ngày 10/10, các tỉnh từ Hà Tĩnh-Quảng Ngãi có mưa to đến rất to với tổng lượng mưa phổ biến 100-250mm, có nơi trên 300mm; ở phía Nam Nghệ An, tỉnh Bình Định có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to với tổng lượng mưa 50-100mm, có nơi trên 100mm.

Theo ông Vũ Đức Long, hiện dải hội tụ nhiệt đới có trục ở khoảng 12-15 độ vĩ Bắc nối với một vùng áp thấp trên khu vực giữa biển Đông, vùng áp thấp ngày có khả năng mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới/bão.

Do ảnh hưởng của dải hội tụ nhiệt đới, từ ngày 11-13/10, ở các tỉnh Trung Trung Bộ và Nam Trung Bộ tiếp tục có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to.

Mưa lũ ở miền Trung diễn biến phức tạp, còn khả năng xuất hiện thêm ảnh 2Nhiều tuyến đường ở huyện Quảng Điền bị ngập sâu. (Ảnh: TTXVN phát)

Trong những ngày tới tình hình lũ trên các sông ở khu vực Trung Bộ còn diễn biến phức tạp, lũ trên các sông có khả năng lên trở lại.

Các địa phương ở khu vực này cần chú ý theo dõi chặt chẽ và cập nhật thường xuyên các thông tin dự báo và chủ động phòng chống với tình huống lũ lớn diễn ra trên diện rộng có thể tiếp tục xảy ra.

Thừa Thiên-Huế: 1 người chết, 4 người bị thương do mưa lũ

Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên-Huế cho biết tính đến 17 giờ ngày 9/10, mưa lũ trên địa bàn đã khiến 1 người chết, 4 người bị thương và hơn 2.170 ngôi nhà bị ngập.

Ông Dương Phước Hải sinh 1989, trú tại Tổ dân phố Khánh Mỹ, thị trấn Phong Điền, chết do bị lật thuyền khi đi bắt chim tại Hồ Bàu Sen vào ngày 7/10; 4 người bị thương trú tại huyện Phong Điền, đang được điều trị tại Bệnh viện Trung ương Huế cơ sở 2.

Các địa phương thấp trũng của tỉnh Thừa Thiên-Huế như Phong Điền, Quảng Điền, nước dâng cao gây ngập lụt, chia cắt đường giao thông, mức nước ngập từ 0,3-1,8m.

Chính quyền địa phương các cấp đã phối hợp với các lực lượng chức năng di dời 1.735 hộ với 4.760 khẩu; trong đó chủ yếu di dời, sơ tán tại chỗ sang các nhà dân lân cận.

Quốc lộ 1A cũng bị tắc tại cầu vượt Thủy Dương do bị ngập nặng. Mưa lớn đã gây ngập nhiều tuyến đường trên địa bàn thành phố Huế từ 0,2-0,7m.

Công an tỉnh, Sở Giao thông vận tải đã triển khai phương án, bố trí lực lượng kiểm soát, hướng dẫn giao thông các khu vực ngập sâu, nước chảy xiết; sẵn sàng lực lượng, vật tư, phương tiện để khắc phục sự cố, đảm bảo giao thông thông suốt trên các trục giao thông chính khi xảy ra mưa lớn; nghiêm cấm các phương tiện giao thông lưu thông tại các tuyến đường bị ngập lụt.

Do ảnh hưởng của triều cường, có 9km bờ biển tiếp tục bị sạt lở nặng, tập trung ở các đoạn qua các xã Giang Hải, Phú Thuận, Phú Diên, Phú Hải huyện Phú Vang và xã Hải Dương, thị xã Hương Trà.

Đoạn bờ sông Hương qua xã Hương Thọ, thị xã Hương Trà bị sạt lở với chiều dài khoảng 50m. Một số công trình thủy lợi ở 2 huyện Nam Đông và A Lưới bị hư hỏng, kênh mương bị bồi lấp.

Mưa lũ cũng làm hư hại hàng trăm hécta hoa màu ở huyện Phú Vang và Quảng Điền, hàng trăm hécta nuôi thủy sản bị ngập.

Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên-Huế cảnh báo từ ngày 11/10, tình hình mưa lớn ở Thừa Thiên-Huế còn diễn biến phức tạp và có khả năng kéo dài.

Hiện mực nước trên sông Hương tại Trạm Kim Long dưới báo động 2 là 0,41m; sông Bồ tại Trạm Phú Ốc dưới báo động 3 là 0,07m; sông Tả Trạch tại Trạm Thượng Nhật dưới báo động 1 là 0,21m.

Triều cường và sóng cao nên khả năng thoát lũ chậm. Mực nước các hồ thủy lợi, thủy điện trên địa bàn tỉnh đang vận hành đảm bảo an toàn.

Vùng rốn lũ Đại Lộc (Quảng Nam) chủ động ứng phó với mưa lũ lớn kéo dài

Mưa lớn kéo dài trong nhiều ngày qua cộng với lượng nước xả từ các công trình thủy điện ở thượng nguồn khiến vùng rốn lũ huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam, nằm trong lưu vực các con sông lớn như Vu Gia, Thu Bồn ngập sâu trong nước.

Cánh đồng Lập Thuận, vùng chuyên canh rau xanh thuộc xã Đại Hồng, huyện Đại Lộc, nằm trong lưu vực sông Vu Gia bị sạt lở nặng. Theo báo cáo nhanh của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện Đại Lộc, nước lũ đã gây sạt lở đất hàng trăm mét, nhiều nơi nước lũ ăn sâu vào đất liền gần 20m, hàng trăm m3 đất canh tác của người dân trong vùng bị cuốn trôi. Gần 187ha cây hoa màu và hơn 30 cây trồng lâu năm bị cuốn theo lũ, thiệt hại ước tính trên 4 tỷ đồng.

Ông Từ Thanh Thẩm, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Đại Hồng, huyện Đại Lộc cho biết nước sông Vu Gia lên nhanh và chảy xiết đã khiến một phần lớn diện tích đất canh tác bị phá hủy với hơn 6ha đất trồng rau màu và hơn 2ha đất khác bị sạt lở.

Ông Nguyễn Hữu Vũ, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Đại Lộc, cho biết toàn huyện hiện có hơn 1.800 ngôi nhà bị ngập nước, hàng chục khu vực dân cư dọc các con sông có nguy cơ sạt lở cao. Huyện đã chỉ đạo các địa phương kiên quyết di dời người dân đến nơi an toàn./.

 
(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục