Mùa Xuân theo chân các thiếu nữ Mông

Mùa Xuân theo chân các thiếu nữ Mông đến nhà

Từng tốp từng tốp các chàng trai, cô gái kéo về trung tâm bản cùng chơi đánh tu lu (đánh cù), ném pao, đánh quay… và múa xòe ô, thổi khèn réo rắt.

Những nhịp váy hoa xòe bung nở theo bước chân thiếu nữ đi chơi Tết trên các nẻo đường dẫn vào bản làng người Mông ở Sơn La (Mộc Châu, Loóng Luông, Tà Phình, Chiềng Sơn...) từ sau ngày Mồng Ba tháng Chạp âm lịch.

Từng tốp từng tốp các chàng trai, cô gái theo nhau hướng về sân vận động trung tâm bản cùng chơi các trò chơi truyền thống như đánh tu lu (đánh cù), ném pao, đánh quay… và múa xòe ô, thổi khèn réo rắt. Chính thời điểm này văn hóa cộng đồng của người Mông được thể hiện rõ nét nhất.

Mùa Xuân theo chân các thiếu nữ Mông đến nhà ảnh 1Niềm vui ngày Tết của em gái người Mông ở Sơn La. (Ảnh: ChiLê/Vietnam+)

Bản sắc giữa thời hội nhập

Ăn Tết sớm hơn Tết Cổ truyền của người Kinh khoảng một tháng, năm nay, vì mất mùa nên Tết người Mông có phần kém tưng bừng hơn mọi năm. Lễ Tết chính diễn ra trong ba ngày đầu tháng nhưng sẽ kéo dài tới cả nửa tháng sau đó với phần hội.

Cuối con đường nhỏ xuyên qua xã Tân Lập (huyện Vân Hồ) là bản Tà Phình, nơi có những mái nhà gỗ cũ kỹ ẩn mình dưới tán của những gốc đào lâu năm còn trơ khấc chưa hé nụ vì lạnh giá. Trên sân vận động nền đất, người dân tập trung đông đúc từ già đến trẻ, nam đá bóng, thổi khèn, nữ ném pao, múa xòe... Ngày Tết, cả bản tập trung về đây, xe máy dựng tràn lối.

Phấn khởi nhất có lẽ là tụi trẻ con vô lo vô nghĩ, đám gái túm năm tụm ba nô đùa, thi thoảng kéo nhau sang một góc riêng tập ném pao; đám trai thì hăng say đánh cù và phá lên cười khanh khách mỗi lần “ăn” trúng quay.

Nhạc rộn ràng khắp bản phát ra từ chiếc loa công suất lớn để trên mỏm đất cao nhất, chỉ tiếc đó không phải những bài hát dân tộc mà là các ca khúc tiếng phổ thông. Đời sống bà con nay đã khá nhiều, trong nhà tivi màu lắp chảo ăngten phát nhạc rộn ràng, ngoài sân xe máy mới coóng dựng hiên ngang, lợn gà chạy khắp vườn...

Mâm cỗ Tết người Mông giờ đây cũng “hội nhập” hơn, không chỉ có thịt lợn, rượu, bánh dày như truyền thống mà còn có thêm cả thịt gà, rau xanh... Gần đêm mà bếp nhà ông Giàng A Pàng - Trưởng trạm y tế xã Loóng Luông, người được mệnh danh là “già làng” của Loóng Luông, lửa vẫn phừng phừng cháy. Tụi trẻ con xúm xít quanh bếp củi rán bánh dày xèo xèo, thi thoảng ré lên khoái chí vì bị mỡ bắn, còn mấy chị em phụ nữ thì thoăn thoắt chặt thịt, rửa rau, rót rượu đãi khách... Những gương mặt ấy như sáng bừng, mắt lấp lánh vui dưới ánh lửa bập bùng. Bước chân vào nhà ông Pàng, ấn tượng đầu tiên là bốn vách gỗ của căn nhà lâu đời treo kín các loại bằng khen, giấy khen từ hơn 40 năm công tác trong lĩnh vực y tế của ông.
Mùa Xuân theo chân các thiếu nữ Mông đến nhà ảnh 2Các cô gái bản chơi ném pao ở sân vận động. (Ảnh: ChiLê/Vietnam+)

“Vì ông Pàng rất được bà con tín nhiệm nên dù đến tuổi nghỉ ngơi nhưng lãnh đạo huyện chúng tôi nhất định không cho ông về hưu,” Phó Chủ tịch huyện Vân Hồ Lương Thị Hiền cho hay.

Theo bà Hiền, cũng nhờ uy tín của ông Pàng mà sự cố bắt giữ con tin ở Pà Cò đình đám năm 2013 vừa qua mới được giải quyết ổn thỏa. Nghe lãnh đạo nhắc lại “chiến tích” của mình người đàn ông ấy chỉ cười hiền.

Ông bảo, cả cuộc đời gắn bó với mảnh đất này, làm được gì cho bà con thì sẵn lòng dốc sức. Và dù có nhà gạch ở ngoài đường gần trạm Y tế xã nhưng Tết đến ông vẫn dọn về căn nhà gỗ cũ mấy đời trong bản. Vì ở đây có không khí, dấu ấn từ mấy thế hệ ông bà để lại. Với người Mông, bản sắc họ gìn giữ chính là sự gắn bó với những giá trị truyền thống như thế.

Và nét đẹp cổ truyền...

Bánh dày để cúng tổ tiên, Trời Đất là thứ không thể thiếu trong mâm cỗ Tết người Mông (giống như bánh chưng, bánh tét là thứ phải có của người Kinh.) Bởi họ quan niệm, bánh dày tròn tượng trưng cho Mặt Trăng và Mặt Trời, là nguồn gốc sinh ra con người và vạn vật trên mặt đất nên giã bánh dày chính là bản sắc văn hóa người Mông.

Với ý nghĩa đó, những chiếc bánh được làm khá kỳ công từ loại gạo nếp nương thơm ngon nhất đem ngâm, đồ thành xôi rồi đổ vào máng gỗ. Lúc này, vài chàng trai khỏe mạnh sẽ dùng chày giã đến khi thật nhuyễn và mịn, sau đó các chị em ngồi xung quanh nhanh tay chia nhỏ bánh, gói lại bằng lá chuối.

Sáu cặp bánh đầu tiên (12 chiếc) tượng trưng 12 tháng trong năm được dành dâng lên Trời Đất và vị thần mùa màng, số còn lại người dân xếp vào hũ gỗ đậy kín để ăn Tết, thết đãi và làm quà cho khách quý.

Theo chị Pằng Khia (xã Loóng Luôn, thị trấn Mộc Châu, Sơn La), với người Mông tiếng gà gáy đầu tiên của sáng sớm Mồng Một là dấu hiệu bắt đầu một năm mới. Quan niệm nam giới là trụ gia đình nên tất cả việc lớn trong nhà người đàn ông phải chịu trách nhiệm cũng như để giữ truyền thống cho cả năm, vào ngày Mồng Một, đàn ông sẽ dậy sớm làm hết việc, từ cho lợn, gà ăn đến nấu cơm… thay phụ nữ.

Đặc biệt, vào nhà người Mông những ngày Tết sẽ thấy các công cụ lao động hàng ngày đều được gia chủ dán giấy và đặt cạnh ban thờ với ý nghĩa tri ân những "người bạn" trong lao động, sản xuất của bà con...

Mùa Xuân theo chân các thiếu nữ Mông đến nhà ảnh 3Ban thờ ngày Tết nhà ông Pàng. (Ảnh: ChiLê/Vietnam+)

Trong ba ngày Tết đầu, người Mông đến nhà nhau chúc Tết, thưởng thức rượu ngô và ăn thịt lợn, bánh dày. Từ ngày Mồng 4 họ mới diện những bộ váy, áo đẹp nhất đi chơi Xuân.

Người Mông chia trang phục thành nhiều dòng như Mông Đơ (trắng), Mông Đu (đen), Mông Si (đỏ), Mông Lềnh (hoa), Mông Súa (Mông Mán)...

Vậy mới có cảnh ấn tượng khó thấy ở nơi khác, nổi bật trong rừng mơ đương còn e ấp, hoa cải trắng tinh khôi và sắc xám của rừng đào chưa kịp trổ bông, những chiếc váy đủ sắc màu tung xòe trên những con đường bản hun hút, trên những bãi đá hay giữa gốc đào xù xì đủ hình dáng; rồi cả tiếng leng keng của những đồng bạc hoa theo bước chân thiếu nữ dập dìu...

Những sắc màu ấy đã góp vào cho bức tranh núi rừng Tây Bắc thêm tươi tắn, rực rỡ hơn mỗi độ Xuân về./.
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục