Sau hành trình 19 tiếng đồng hồ trên biển, từ thời điểm tàu HQ 634 chở Đoàn công tác của Vùng I Hải quân cập Âu thuyền Bạch Long Vĩ, mùa Xuân và hương vị Tết Quý Tỵ 2013 đã ngập tràn trên hòn đảo anh hùng, được ví như “pháo đài” bất khả xâm phạm trên Vịnh Bắc Bộ. Lần này, tàu chở theo hơn 300 tấn hàng, quà Tết cùng tình cảm nồng ấm của đất liền gửi đến cán bộ, chiến sỹ và người dân trên đảo trong dịp Xuân đến Tết về.
Trước khi Đoàn công tác của Vùng I Hải quân (có 23 phóng viên báo chí Trung ương và địa phương tham gia) ra đảo Bạch Long Vĩ chúc Tết và làm việc, Phó Tư lệnh Vùng I, Đại tá Vũ Xuân Nam với chức trách là trưởng đoàn đã thông báo nhanh cho chúng tôi về lịch sử hào hùng cũng như thành tựu và khó khăn hiện nay của quân và dân huyện đảo.
Với diện tích khoảng 2,5km2 khi thủy triều lên và khoảng 4km2 khi thủy triều xuống, đảo Bạch Long Vĩ nằm giữa Vịnh Bắc Bộ, cách thành phố Hải Phòng chừng 130km. Từ tháng 1/1957, Thủ tướng Chính phủ đã ra Nghị định 49 quy định đảo là xã trực thuộc Ủy ban Nhân dân thành phố Hải Phòng. Tiếp đó ngày 9/12/1992, Chính phủ ra Nghị định 15 thành lập huyện đảo Bạch Long Vĩ.
Ngay sau sự kiện này, thành phố Hải Phòng đã tổ chức đưa 62 thanh niên xung phong và một số hộ ngư dân ra sinh sống và làm việc tại đảo. Họ chính là những công dân đầu tiên đã kề vai sát cánh cùng các lực lượng vũ trang đóng trên đảo, trong đó nòng cốt là Tiểu đoàn 152 Anh hùng, tiền thân của Trung đoàn 952 Vùng I Hải quân ngày nay đang ngày đêm xây dựng và sẵn sàng chiến đấu bảo vệ vẹn nguyên vùng biển, vùng trời thiêng liêng của Tổ quốc.
Đại tá Nguyễn Cao Rụ, Phó Chủ nhiệm chính trị Vùng I Hải quân tự hào cho biết trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, quân và dân đảo Bạch Long Vĩ đã chiến đấu 130 trận, bắn rơi 32 máy bay. Đảo vị trí tiền tiêu đánh thắng ngay trận đầu mở màn cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc xã hội chủ nghĩa bằng không quân và tàu chiến của Đế quốc Mỹ, xứng đáng là “pháo đài bất khả xâm phạm” hiên ngang nơi đầu sóng ngọn gió trong những năm 60 của thế kỷ trước. Minh chứng về tinh thần chiến đấu và sẵn sàng hy sinh bảo vệ chủ quyền đất nước là Nghĩa trang Liệt sỹ với bia đá khắc ghi tên tuổi 19 cán bộ chiến sỹ đã ngã xuống, được xây dựng tại vị trí trung tâm của huyện đảo ngày nay.
Vết tích chiến tranh trên hòn đảo kiên cường này đã lùi sâu vào dĩ vãng, giờ nhường chỗ cho màu xanh của rừng, những dãy phố được quy hoạch đan xen các loại cây ăn quả và những vườn rau mướt mát, cộng với sự hối hả của những con thuyền ra vào au thuyền chở những sản vật của biển cập bờ, rồi lại nhanh chóng rẽ sóng ra khơi. Khu vực này là một trong tám ngư trường đánh bắt giàu sản lượng hải sản nhất của Vịnh Bắc Bộ.
Chẳng thế mà dọc theo âu thuyền, hàng loạt các cơ sở dịch vụ nghề cá cứ san sát nối dài, từ sửa chữa cơ khí, cơ điện cho tới ngư cụ các loại, rồi lương thực, thực phẩm… có thể đáp ứng mọi nhu cầu cho ngư dân đánh bắt ở vùng biển này.
Ghé vào thăm cơ sở dịch vụ của ông Lê Văn Ước, ông kể rằng ông là người gốc Sầm Sơn, Thanh Hóa. 19 năm trước, có lần thuyền đánh cá của ông ghé vào đây trú bão và được cán bộ chiến sỹ trên đảo giúp đỡ tận tình. Khi được biết chính quyền huyện đảo có chủ trương nhập cư cho những người có nguyện vọng làm ăn lâu dài ở đây, ông đã cùng vợ con tự nguyện xin làm công dân của huyện đảo. Hiện giờ cả 3 người con của ông đều lập gia đình và có việc làm ổn định.
Ông Ước chân tình nhận xét: “Sóng gió tuy dữ dằn nhưng tình người Bạch Long Vĩ sâu nặng lắm. Hồi cơn bão số 10 xảy ra năm 2009, gió có lúc lên đến cấp 15 tràn qua đảo, nếu không có các chú bộ đội giúp sức chằng chống nhà cửa, tàu thuyền, thì mọi gia đình trên đảo trắng tay. Trăm sự trên hòn đảo này đều do các chú bộ đội gánh vác.”
Chẳng thế mà khi tàu HQ 634 ra đảo, ngoài bộ đội tàu còn chở theo rất đông dân thường. Ngoài nhiệm vụ quân sự, các tàu của Vùng I Hải quân còn kiêm thêm làm cầu nối cho tình cảm của người dân trên đảo với đất liền và ngược lại. Cũng nhờ đó, Trung đoàn hiện có 23 người vợ đã bất chấp đảo xa, sóng dữ, vượt trùng khơi ra đoàn tụ cùng chồng, tạo nên những mái ấm với tiếng trẻ thơ ríu ran át cả tiếng sóng.
Nhớ lại thời khắc tàu HQ 634 cập âu cảng Bạch Long Vĩ, cả huyện đảo lúc ấy như vỡ òa trong niềm hân hoan đoàn tụ giữa người lính cũ và mới, những người vợ hay chồng cùng cả những đứa con lâu ngày xa cách. Vào thời điểm đó, biển bỗng nhiên dịu êm, Mặt Trời ló dạng hào phóng rắc nắng vàng lên khắp đảo, như muốn nói rằng mùa Xuân đã sớm đến với hòn đảo anh hùng này./.
Trước khi Đoàn công tác của Vùng I Hải quân (có 23 phóng viên báo chí Trung ương và địa phương tham gia) ra đảo Bạch Long Vĩ chúc Tết và làm việc, Phó Tư lệnh Vùng I, Đại tá Vũ Xuân Nam với chức trách là trưởng đoàn đã thông báo nhanh cho chúng tôi về lịch sử hào hùng cũng như thành tựu và khó khăn hiện nay của quân và dân huyện đảo.
Với diện tích khoảng 2,5km2 khi thủy triều lên và khoảng 4km2 khi thủy triều xuống, đảo Bạch Long Vĩ nằm giữa Vịnh Bắc Bộ, cách thành phố Hải Phòng chừng 130km. Từ tháng 1/1957, Thủ tướng Chính phủ đã ra Nghị định 49 quy định đảo là xã trực thuộc Ủy ban Nhân dân thành phố Hải Phòng. Tiếp đó ngày 9/12/1992, Chính phủ ra Nghị định 15 thành lập huyện đảo Bạch Long Vĩ.
Ngay sau sự kiện này, thành phố Hải Phòng đã tổ chức đưa 62 thanh niên xung phong và một số hộ ngư dân ra sinh sống và làm việc tại đảo. Họ chính là những công dân đầu tiên đã kề vai sát cánh cùng các lực lượng vũ trang đóng trên đảo, trong đó nòng cốt là Tiểu đoàn 152 Anh hùng, tiền thân của Trung đoàn 952 Vùng I Hải quân ngày nay đang ngày đêm xây dựng và sẵn sàng chiến đấu bảo vệ vẹn nguyên vùng biển, vùng trời thiêng liêng của Tổ quốc.
Đại tá Nguyễn Cao Rụ, Phó Chủ nhiệm chính trị Vùng I Hải quân tự hào cho biết trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, quân và dân đảo Bạch Long Vĩ đã chiến đấu 130 trận, bắn rơi 32 máy bay. Đảo vị trí tiền tiêu đánh thắng ngay trận đầu mở màn cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc xã hội chủ nghĩa bằng không quân và tàu chiến của Đế quốc Mỹ, xứng đáng là “pháo đài bất khả xâm phạm” hiên ngang nơi đầu sóng ngọn gió trong những năm 60 của thế kỷ trước. Minh chứng về tinh thần chiến đấu và sẵn sàng hy sinh bảo vệ chủ quyền đất nước là Nghĩa trang Liệt sỹ với bia đá khắc ghi tên tuổi 19 cán bộ chiến sỹ đã ngã xuống, được xây dựng tại vị trí trung tâm của huyện đảo ngày nay.
Vết tích chiến tranh trên hòn đảo kiên cường này đã lùi sâu vào dĩ vãng, giờ nhường chỗ cho màu xanh của rừng, những dãy phố được quy hoạch đan xen các loại cây ăn quả và những vườn rau mướt mát, cộng với sự hối hả của những con thuyền ra vào au thuyền chở những sản vật của biển cập bờ, rồi lại nhanh chóng rẽ sóng ra khơi. Khu vực này là một trong tám ngư trường đánh bắt giàu sản lượng hải sản nhất của Vịnh Bắc Bộ.
Chẳng thế mà dọc theo âu thuyền, hàng loạt các cơ sở dịch vụ nghề cá cứ san sát nối dài, từ sửa chữa cơ khí, cơ điện cho tới ngư cụ các loại, rồi lương thực, thực phẩm… có thể đáp ứng mọi nhu cầu cho ngư dân đánh bắt ở vùng biển này.
Ghé vào thăm cơ sở dịch vụ của ông Lê Văn Ước, ông kể rằng ông là người gốc Sầm Sơn, Thanh Hóa. 19 năm trước, có lần thuyền đánh cá của ông ghé vào đây trú bão và được cán bộ chiến sỹ trên đảo giúp đỡ tận tình. Khi được biết chính quyền huyện đảo có chủ trương nhập cư cho những người có nguyện vọng làm ăn lâu dài ở đây, ông đã cùng vợ con tự nguyện xin làm công dân của huyện đảo. Hiện giờ cả 3 người con của ông đều lập gia đình và có việc làm ổn định.
Ông Ước chân tình nhận xét: “Sóng gió tuy dữ dằn nhưng tình người Bạch Long Vĩ sâu nặng lắm. Hồi cơn bão số 10 xảy ra năm 2009, gió có lúc lên đến cấp 15 tràn qua đảo, nếu không có các chú bộ đội giúp sức chằng chống nhà cửa, tàu thuyền, thì mọi gia đình trên đảo trắng tay. Trăm sự trên hòn đảo này đều do các chú bộ đội gánh vác.”
Chẳng thế mà khi tàu HQ 634 ra đảo, ngoài bộ đội tàu còn chở theo rất đông dân thường. Ngoài nhiệm vụ quân sự, các tàu của Vùng I Hải quân còn kiêm thêm làm cầu nối cho tình cảm của người dân trên đảo với đất liền và ngược lại. Cũng nhờ đó, Trung đoàn hiện có 23 người vợ đã bất chấp đảo xa, sóng dữ, vượt trùng khơi ra đoàn tụ cùng chồng, tạo nên những mái ấm với tiếng trẻ thơ ríu ran át cả tiếng sóng.
Nhớ lại thời khắc tàu HQ 634 cập âu cảng Bạch Long Vĩ, cả huyện đảo lúc ấy như vỡ òa trong niềm hân hoan đoàn tụ giữa người lính cũ và mới, những người vợ hay chồng cùng cả những đứa con lâu ngày xa cách. Vào thời điểm đó, biển bỗng nhiên dịu êm, Mặt Trời ló dạng hào phóng rắc nắng vàng lên khắp đảo, như muốn nói rằng mùa Xuân đã sớm đến với hòn đảo anh hùng này./.
Văn Hào (TTXVN)