Theo Báo cáo Kinh tế - Xã hội của Tổng cục Thống kê, tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong quý 1 tăng 5,1% so với cùng kỳ năm 2016, trong đó khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,03%, công nghiệp và xây dựng tăng 4,17%, khu vực dịch vụ tăng 6,52%,
Đáng chú ý, mức tăng trưởng quý 1 năm nay đã thấp hơn so với mức tăng cùng kỳ năm 2015, 2016 (tương ứng 6,12% và 5,48%).
Nếu theo tính toán từ Tổng cục Thống kê, với mức tăng trưởng của quý 1 để đạt được mục tiêu 6,7% mà Chính phủ đã thông qua, chín tháng còn lại tăng trưởng kinh tế cả nước phải đạt 7%, đây sẽ là một thách thức không dễ dàng.
Trồng trọt sụt giảm
Theo ông Hà Quang Tuyến, Vụ trưởng Vụ Hệ thống Tài khoản Quốc gia, Tổng cục Thống kê), khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, ngành nông nghiệp có dấu hiệu khả quan khi đạt mức tăng 1,38% so với cùng kỳ (trong khi quý 1/2016 ngành này đã giảm sâu 2,69%). Bên cạnh đó, ngành lâm nghiệp tăng 4,94% và thủy sản tăng 3,50%.
Tuy nhiên ông này cũng nhấn mạnh, hiện tượng khô hạn, xâm nhập mặn tiếp tục ảnh hưởng đến các vụ lúa mùa và Đông Xuân ở Đồng bằng sông Cửu Long cũng như vụ Đông ở miền Bắc cùng một số loại cây lâu năm khác. Điều này đã khiến sản lượng lúa giảm mạnh hơn 330.000 tấn so với quý 1/2016, kéo theo kết quả riêng ngành trồng trọt trên cả nước vẫn ở mức tăng trưởng âm.
Công nghiệp tăng “ỳ ạch”
Mức tăng 4,1% tại khu vực công nghiệp và xây dựng thấp hơn nhiều so với mức tăng 7,4% cùng kỳ của năm 2016.
Tính riêng ngành công nghiệp tăng 3,85% so với cùng kỳ. Theo ông Tuyến, đây cũng là mức thấp nhất kể từ năm 2011 trở lại đây. Trong đó, ngành khai khoáng tiếp tục sụt giảm và bằng 90% cùng kỳ.
Điều đáng nói, mức độ tăng trưởng trong công nghiệp thấp tập trung ở khu vực chế biến, chế tạo đạt mức chỉ tăng 8,30% (trong khi cùng kỳ các năm 2015 và 2016 là 9,70%; 8,94%), phải kể đến sự ảnh hưởng của nhóm sản xuất điện tử tăng trưởng âm 1%, (so với cùng kỳ năm 2015 là 11%).
Thêm vào đó, thống kê cũng chỉ ra mức tăng trưởng trong ngành xây dựng là tăng 6,1% và thấp hơn nhiều so với tốc độ tăng 8,60% cùng kỳ năm ngoái.
Tỷ trọng đóng góp của các ngành trong nền kinh tế
(đơn vị: %)
Tiêu dùng gia tăng
Theo Báo cáo, tăng trưởng trong khu vực dịch vụ có sự đóng góp từ một ngành, như bán buôn và bán lẻ tăng 7,38% so với cùng kỳ, dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng 6,03%, tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 7,76%, kinh doanh bất động sản tăng 3,72%...
Như vậy về cơ cấu nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 11,19%, công nghiệp và xây dựng chiếm 34,06%, khu vực dịch vụ chiếm 43,99%, còn lại là thuế sản phẩm (trừ trợ cấp sản phẩm) chiếm 10,76%, trong khi cơ cấu tương ứng của cùng kỳ năm 2016 là 11,42%, 34,37%, 43,54%, 10,67%.
Bà Lê Thị Minh Thủy – Vụ trưởng Vụ Thống kê Thương mại, Tổng cục Thống kê cho biết, dưới góc độ sử dụng GDP quý 1, tiêu dùng cuối cùng tăng 6,73% so với cùng kỳ (đóng góp 7,25 điểm phần trăm vào mức tăng chung, trong đó tiêu dùng cuối cùng của hộ dân cư đóng góp 6,65 điểm phần trăm). Bên cạnh đó, tích lũy tài sản cũng tăng 8,5%.
Tuy nhiên, sự chênh lệch giữa xuất, nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ ở tình trạng nhập siêu, đã làm giảm 4,42 điểm phần trăm của mức tăng trưởng chung.
Ghi nhận chiến dịch "giành lại vỉa hè" cũng sẽ ảnh hưởng ở một mức độ đến tăng trưởng chung, song bà Ngọc cũng cho rằng, "thời gian đầu, việc lấy lại vỉa hè chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới các cơ sở sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, tỷ lệ đóng góp vào GDP của các cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể hiện chỉ chiếm 11% - 13% GDP (bao gồm tất cả sản xuất kinh doanh vận tải, bán buôn, bán lẻ…). Thêm vào đó qua tìm hiểu chúng tôi được biết, mặc dù ảnh hưởng tới thu nhập, nhưng nhiều hộ kinh doanh đã nhận thức được đây là chủ trương đúng đắn nên họ sẽ ủng hộ”./.